Mới đây, Đài RFA lại tiếp tục tỏ ra rất ‘quan tâm’ đến vấn đề tự do ngôn luận tại Việt Nam khi chủ động tổng kết năm 2020 về vấn đề kiểm duyệt thông tin trên mạng của Việt Nam với một luận điệu mang đầy tính chủ quan rằng “Việt Nam tăng cường kiểm duyệt nội dung, bóp nghẹt tiếng nói trên không gian mạng”. Xin khẳng định rằng, tăng cường kiểm duyệt nội dung thì có, còn bóp nghẹt tiếng nói trên không gian mạng thì chỉ là góc nhìn qua lăng kính của những tổ chức, cá nhân thù địch đối với Việt Nam.
Cụ thể, RFA vẫn sử dụng phương thức đánh giá thực tiễn rất quen thuộc của mình, đó là tổng kết về tình hình của một đất nước chỉ thông qua việc phỏng vấn một số cá nhân có quan điểm đồng nhất với ý đồ của họ, và lần này họ đánh giá vấn đề ở Việt Nam chỉ thông qua phỏng vấn đối với 4 người, thực tế là trong bài viết đánh giá của mình, RFA chỉ dẫn ra 3 người gồm: Lê Trung Khoa – chủ bút mạng báo Thời Báo ở Đức, Nguyễn Lân Thắng và một người tên Quang nào đó mà Đài này cho biết ông Quang là admin của một trang fanpage chuyên cung cấp, đăng tải các thông tin, kiến thức về quyền và luật pháp cho người dân. Và vì lẽ đó, không bất ngờ khi những kết luận mà RFA đưa ra là nhắm đến xuyên tạc tình hình thực tế tại Việt Nam. Họ quy chụp rằng những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo môi trường mạng được “sạch” và “an toàn” là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận.
RFA vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận (Ảnh chụp màn hình)
Năm 2020 có thể nói là năm đánh dấu những kết quả đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc ngăn chặn, xử lý thông tin, video “rác” trên mạng xã hội, đặc biệt khi mà trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều video có nội dung nhảm nhí, giật gân với mục đích lôi kéo nhiều người hiếu kỳ vào xem để thu lợi nhuận. Nguy hiểm hơn, lợi dụng sự tự do của mạng xã hội, những clip có nội dung xuyên tạc, chống phá Ðảng, Nhà nước Việt Nam xuất hiện khá nhiều, bất chấp sự phẫn nộ, lên án của dư luận cũng như cảnh báo và các biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng. Khi các địa phương, ban, ngành đang sôi nổi tiến hành đại hội đảng bộ các cấp và hướng tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, cũng là lúc các tổ chức, cá nhân thù địch phản động, thiếu thiện chí ra sức lợi dụng các đặc tính của nền tảng số tung ra các video clip với nội dung tuyên truyền, chống phá Ðảng và Nhà nước, chia rẽ Ðảng và Nhà nước với nhân dân.
Mục đích của những người làm ra các video đó là phát tán các thông tin xấu độc nhằm lợi dụng việc thiếu thông tin hoặc cả tin, kém hiểu biết của một số người xem, qua đó tác động để làm mất lòng tin của nhân dân vào Ðảng và Nhà nước, chia rẽ sự đoàn kết dân tộc, gây rối loạn xã hội, mưu đồ tiến tới xóa bỏ vai trò tổ chức, lãnh đạo của Ðảng với sự phát triển của Việt Nam, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền.
Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có biện pháp cứng rắn, quyết liệt nhằm phản bác, đấu tranh, xử lý ngăn chặn kịp thời những nguy cơ, tác động xấu độc về mặt xã hội cũng như các âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, phản động. Theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên quốc gia như Google, YouTube, Facebook đã có động thái gỡ bỏ một số nội dung xấu độc trên nền tảng của mình, năm 2020 có tới hàng trăm nghìn video đã bị gỡ bỏ.
Việc Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ các thông tin có nội dung xấu độc trên mạng là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, căn cứ vào những quy định cụ thể tại Luật An ninh mạng, Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng… Điển hình, Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng nghiêm cấm “Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…”; “Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp Luật liên quan của Việt Nam.”
Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền quan trọng của quyền con người và quyền công dân. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận ở các quốc gia đều có những quy định hạn chế quyền mang tính đặc thù. Ở Việt Nam, qua các bản Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng được ghi rõ và bảo đảm trong thực tế. Quyền tự do ngôn luận chỉ hạn chế các hành vi gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Như vậy, hoàn toàn không có chuyện Việt Nam vi phạm tự ngôn luận, “bóp nghẹt tiếng nói trên không gian mạng”. Thực tế, Nhà nước ta chỉ ngăn chặn những kẻ lợi dụng không gian điện tử, mạng xã hội để xuyên tạc lịch sử, chính sách pháp luật, chế độ xã hội, Nhà nước, vu cáo cơ quan tổ chức, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích cộng đồng, bảo đảm an ninh, chủ quyền, trật tự trên không gian mạng./.
Vân An
Nguồn: Người con Đất Mẹ