Trang chủ Chính trị Việt Nam đẩy mạnh quan hệ Quốc phòng “chủ động đưa ra...

Việt Nam đẩy mạnh quan hệ Quốc phòng “chủ động đưa ra luật chơi”

159
0

Trong vòng xoáy cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, Việt Nam phải đẩy mạnh quan hệ Quốc phòng, “chủ động đưa ra luật chơi”, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Chuỗi hội nghị quốc phòng – quân sự ASEAN năm 2020 do Bộ Quốc phòng Việt Nam làm Chủ tịch, chủ trì điều phối đã kết thúc với hai Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM); Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và các nước Cộng (ADMM+).

Việt Nam đẩy mạnh quan hệ Quốc phòng “chủ động đưa ra luật chơi”
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng trả lời phỏng vấn của PV. Ảnh: Giang Huy

PV phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng về các hoạt động nói trên.

– Những điểm đáng chú ý trong hai tuyên bố chung tại ADMM và ADMM+ là gì, thưa ông?

– Trong quan hệ quốc tế, Tuyên bố chung là văn bản không có năng lượng vật chất thực sự, tuy nhiên, trong đó lại bao hàm đường lối, cam kết của các quốc gia về cách ứng xử trong 10 nước ASEAN (ADMM) và 10 nước ASEAN với 8 nước đối tác, gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ (ADMM+).

Với Tuyên bố chung ADMM, nội dung đáng chú ý là các nước cam kết hợp tác, đối thoại với nhau để giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực. Các nước cũng đưa ra những lĩnh vực có thể hợp tác trong mối quan tâm chung của 10 nước, ví như phòng, chống đại dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh; tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa; an ninh mạng; rà phá bom mìn, gìn giữ hòa bình và một số lĩnh vực khác.

Tuyên bố chung ADMM+ ghi nhận sự đồng tình của tất cả Bộ trưởng các nước ASEAN cũng như các nước Cộng về vấn đề hòa bình, tôn trọng chế độ chính trị, Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, không gian chiến lược châu Á – Thái Bình Dương…

Năm 2010, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức hội nghị ADMM+ và ra được tuyên bố chung. Năm 2013, ADMM+ có tuyên bố chung lần thứ hai. Tuy nhiên, từ đó đến nay không có thêm tuyên bố chung nào vì sự khác biệt ý kiến của các nước, đặc biệt là các nước lớn, dẫn đến không đạt được thống nhất. Như vậy trong ba Tuyên bố chung của ADMM+ thì hai lần Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch, chuẩn bị và điều phối thảo luận.

Như tôi đã nói là Tuyên bố chung không có giá trị vật chất trực tiếp, nhưng chốt lại được những nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, nhất là nước lớn với những nước nhỏ; cho chúng ta có tiếng nói bình đẳng và cơ sở để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bảo vệ hòa bình.

 

– Hành trình đi đến sự thống nhất để thông qua Tuyên bố chung diễn ra như thế nào?

– Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, chúng tôi dự thảo nội dung Tuyên bố chung để các nước cùng thảo luận, thống nhất. Trong hợp tác giữa hai nước, các vấn đề đã phải lựa chọn rất cẩn thận, vì vậy, để có nội dung hợp tác của 10 nước ASEAN và ASEAN với các nước Cộng, chúng tôi phải tìm cái chung nhất mà tất cả các nước đều quan tâm, đều có lợi ích để dễ dàng thảo luận.

Thế nhưng, vẫn có nội dung nước này đồng ý thì nước kia lại không ủng hộ. Lúc đó, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, chúng ta đã khéo léo dẫn dắt, thuyết phục. Ví dụ, liên quan đến những nguyên tắc trên Biển Đông về tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, không làm phức tạp thêm tình hình, phải thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông DOC và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC một cách thực chất, hiệu quả…

Hay có những vấn đề rất nhỏ như cách thể hiện câu chữ trong Tuyên bố chung. Có những nước nói thế này, có nước dịch thế kia, mỗi nước có cách biểu đạt khác nhau. Khi đó, chúng tôi phải tìm được cách biểu đạt chung nhất, để không bị hiểu nhầm. Như trong Tuyên bố chung ADMM, đến phút chót có một nước đề nghị sửa một chữ. Chữ này không có tác động đến nội dung Tuyên bố chung, nhưng vấn đề không còn thời gian vì nếu muốn sửa một chữ thì phải quay lại quy trình làm việc từ đầu, từ nhóm chuyên gia lên đến cấp Thứ trưởng. Vì vậy, chúng ta phải thuyết phục họ, cuối cùng họ cũng chấp nhận.

Trong vận động, thuyết phục ra tuyên bố chung, nhất là tuyên bố chung ADMM+, chúng ta có lý lẽ vững chắc và rất chừng mực, không áp đặt ý của mình, nhưng rất kiên trì để không bỏ những lợi ích cơ bản của Việt Nam và chúng ta đã thành công. Điều ấy là vô cùng khó trong bối cảnh cọ xát chiến lược cạnh tranh các nước lớn rất gay gắt. Sự đồng thuận đạt được thông qua Tuyên bố chung giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền, nâng cao vị thế đất nước.

– Sau tuyên bố chung tại ADMM và ADMM+, các lĩnh vực hợp tác của 10 nước ASEAN và ASEAN với các nước Cộng sẽ được triển khai như thế nào?

– Trong hợp tác ADMM+ giữa 10 nước ASEAN và 8 nước Cộng, chúng ta đã lập ra cơ chế ở dưới ADMM+ là các nhóm chuyên gia. Mỗi nhóm chuyên gia gồm một nước ASEAN và một nước Cộng đồng chủ trì. Bảy nhóm chuyên gia có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch để hoạt động thực tế về gìn giữ hòa bình, quân y, rà phá bom mìn, an ninh mạng, an ninh biển… và một số lĩnh vực khác.

Các nhóm chuyên gia cũng đã có những cuộc diễn tập ở trong khuôn khổ ADMM hoặc trong khuôn khổ ADMM+, mà mới đây nhất là diễn tập về quân y phòng chống dịch bệnh và một số cuộc diễn tập khác. Đó chính là những hoạt động thực chất, bằng hoạt động thực tế để tìm hiểu nhau, tin cậy nhau hơn và cùng học hỏi thế mạnh của mỗi nước.

Trong khuôn khổ ADMM+ thì các nước ASEAN có một quan điểm chung là các nước Cộng phải có trách nhiệm nhiều hơn với khu vực. Anh là nước lớn, trách nhiệm đầu tiên là tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ luật chơi. Đó chính là những hoạt động thực chất để đem lại lòng tin và những nguyên tắc để đảm bảo hòa bình cho khu vực chúng ta.

– Trong các chuỗi hoạt động, hội nghị quốc phòng – quân sự ASEAN năm 2020, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến. Đâu là sáng kiến nổi bật, thưa Thượng tướng?

– Năm nay chúng ta đưa ra số lượng sáng kiến vừa phải, không quá nhiều nhưng rất thực chất và mang lại lợi ích cho đất nước. Về nguyên tắc, khi một nước đưa ra sáng kiến phải đáp ứng được hai yêu cầu là có ích cho bản thân mình và tất cả các quốc gia; được tất cả các nước thành viên đồng tình.

Có ba sáng kiến tôi tâm đắc, đã được các nước ASEAN ủng hộ như Tuyên bố chung hợp tác quốc phòng ASEAN về phòng chống dịch bệnh. Từ tháng 2, khi một số nước còn chưa hiểu Covid-19 là gì và nước ta cũng mới chớm bị thì Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, trong đó đưa ra đề nghị ký Tuyên bố chung hợp tác quốc phòng ASEAN để phòng chống dịch bệnh. Có vị Bộ trưởng Quốc phòng băn khoăn “có cái gì to lớn đâu mà các ngài phải đưa ra?”. Nhưng chúng ta đã thuyết phục họ và đến bây giờ tất cả các nước đều thừa nhận dự báo chính xác cũng như quyết tâm của Việt Nam khi đó.

Sáng kiến thành lập Cộng đồng tình báo để trao đổi các thông tin đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thiên tai và một số vấn đề khác cũng nhận được sự đồng thuận cao.

Sáng kiến về thành lập Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình khu vực, nhằm góp phần khẳng định vị thế của đất nước, của quân đội, khẳng định thế mạnh và cũng từ đó quảng bá hình ảnh Việt Nam. Sáng kiến này cũng có lợi cho tất cả các nước tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Vì thế, chúng ta thuyết phục được các nước và Liên Hợp Quốc đồng ý, ủng hộ ý tưởng đó.

– Ngoài thành công của ADMM và ADMM+, kết quả nổi bật về đối ngoại quốc phòng năm 2020 là gì?

– Trong đại dịch Covid-19, Quân đội ngoài nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu còn phải tham gia phòng, chống dịch bệnh. Nhiều lực lượng đã ở tuyến đầu như Biên phòng chốt đường mòn lối mở, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép; quân y tham gia nghiên cứu vaccine, hỗ trợ điều trị; các đơn vị tham gia cách ly người dân về từ vùng dịch…

Đặc thù của Quân đội là sinh hoạt tập thể, ăn, ngủ, học và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tập thể nên môi trường rất dễ bị lây nhiễm. Tuy vậy, chúng ta đã thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, không đơn vị nào phải đóng băng hoạt động vì Covid-19. Đó là cái đạt được lớn nhất.

Bên cạnh đó, trong dịch bệnh, mối quan hệ với các nước láng giềng ở biên giới vẫn thuận hòa, đường biên giới ổn định, hòa bình. Ở Biển Đông, chúng ta còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng vẫn giữ được chủ quyền và không dừng công cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền chính đáng theo luật pháp quốc tế và Việt Nam. Các hoạt động lao động hòa bình trên biển như khai thác dầu khí, đánh cá, nghiên cứu biển, giao thông, du lịch vẫn được tiến hành.

Đến nay, chúng ta có quan hệ với hơn 80 nước trên thế giới về mặt quốc phòng, quân sự. Quan hệ đối ngoại quốc phòng có nguyên tắc là không có nội dung thực chất, không hiệu quả thì không quan hệ. Có nghĩa là 80 mối quan hệ ấy đều có nội dung thực chất, và đều đem lại hiệu quả thiết thực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Về quan hệ đa phương, trong những năm vừa qua, hợp tác quốc phòng có những bước tiến vượt bậc. Năm 2019, chúng ta chính thức ký hợp tác và là thành viên đối tác của Liên minh châu Âu về quốc phòng, quân sự. Chúng ta cũng đã có 6 năm đưa các sĩ quan đi gìn giữ hòa bình ở Châu Phi và năm 2020 đánh dấu hai sỹ quan Việt Nam đầu tiên thi trúng cử vào cơ quan tham mưu chiến lược của Liên Hợp Quốc. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho chúng ta trong việc triển khai các hoạt động trong thời gian tới.

– Nối tiếp những thành công trong năm 2020, đối ngoại quốc phòng năm 2021 được định hướng thế nào?

– Tôi nghĩ tình hình năm 2021 vẫn theo xu hướng của những năm vừa qua, đó là cạnh tranh chiến lược của các nước lớn càng ngày càng căng thẳng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cạnh tranh chiến lược càng ngày càng đổ về châu Á – Thái Bình Dương nhiều hơn. Chúng ta đứng trong vòng xoáy đó phải tích cực đẩy mạnh quan hệ quốc phòng và cần chủ động đưa ra luật chơi; đồng thời, để các nước lớn tôn trọng luật chơi của khu vực ASEAN.

Bên cạnh quan hệ đa phương, chúng ta phải rất coi trọng quan hệ song phương, nhất là với những nước láng giềng Lào, Campuchia, Trung Quốc; những nước bạn bè truyền thống như Nga, Cuba; những nước đang phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Hợp tác quốc phòng phải đẩy mạnh để tăng sự tin cậy, trên cơ sở đó phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Một lĩnh vực nữa mà đối ngoại quốc phòng cũng phải cố gắng hơn là khắc phục hậu quả chiến tranh. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị do Chính phủ điều hành nhưng giao cho Quân đội chủ trì. Trong khắc phục hậu quả chiến tranh, bom mìn, dioxin thì hợp tác quốc tế là rất quan trọng để huy động nguồn lực về tài chính, công nghệ, truyền thông. Mới đây, chúng ta phát hiện quả bom 340 kg ở phố Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội. Quả bom ấy mà phát nổ thì cả khu phố đó thành bình địa, không biết bao nhiêu người thiệt mạng.

Dưới lòng đất, ngay Hà Nội vẫn còn những quả bom như thế. Chúng ta không được phép để chúng phát nổ. Hay là những khu vực nhiễm dioxin như Biên Hòa (Đồng Nai), Phù Cát (Bình Định) nhiễm độc khiến người dân nhiều thế hệ bị ảnh hưởng, cần phải nhanh chóng được khử độc. Những bãi mìn ở Hà Giang – nơi những người lính đã nằm lại từ chiến tranh biên giới phía Bắc cũng cần được rà phá để quy tập hài cốt liệt sĩ. Đó là những việc mà năm 2021 cần tiếp tục làm và làm mạnh hơn.

Hoàng Thùy/VE


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây