Dư luận mấy ngày hôm nay đang xôn xao về câu chuyện một nữ sinh cấp 3 tự tử bất thành vì uất ức và để lại thư tuyệt mệnh tại An Giang. Lợi dụng sự việc này, trang lều báo VOA đã có bài viết xuyên tạc, quy chụp cho cả một nền giáo dục và phủ nhận hoàn toàn những đóng góp to lớn của ngành giáo dục đối với sự nghiệp phát triển đất nước.
Thông tin vụ việc được báo chí đưa như sau:
Sáng 30/11, em N.T.N.Y. được phát hiện ngất xỉu trong nhà vệ sinh của trường THPT Vĩnh Xương. Nữ sinh này cho biết em cố tình dùng thuốc để tự tử vì bị thầy cô bạo lực tinh thần, chèn ép do không chịu học phụ đạo.
Sau sự việc nữ sinh N.T.N.Y. tự tử, Sở GD&ĐT An Giang đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 7/12) đối với ông Nguyễn Việt Hùm – Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương và bà Nguyễn Ngọc Hạnh – Phó hiệu trưởng nhà trường.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó hiệu trưởng nhà trường được giao tiếp tục chỉ đạo, xác minh làm rõ hành vi của bà H.T.T.H., giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4, liên quan đến vụ việc nữ sinh lớp này tự tử để có hình thức xử lý phù hợp và báo về sở giáo dục.
Vì sao lại có cơ sự trên, mời quý độc giả xem chi tiết thêm tại đây.
Ngày 07/12 hôm qua, gia đình nữ sinh cho biết đã làm đơn tố cáo gửi Công an đề nghị làm rõ vụ việc vì cho rằng em này đã bị thầy cô xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, gây oan ức dẫn đến hậu quả em tự tử.
Rõ ràng mọi việc vẫn đang trong quá trình xác minh. Mọi thông tin, kết luận nếu không phải do cơ quan có thẩm quyền phát ngôn thì đều chưa phải tin chính thống. Ấy thế nhưng đài VOA lại hùng hồn khi đưa ra những phán quyết thế này:
“Qua quan sát dư luận Việt Nam thể hiện trong các diễn đàn trên Facebook có tổng cộng hàng trăm ngàn thành viên, gồm Nhật Ký Yêu Nước, Báo Sạch, Góc Nhìn Báo Chí-Công Dân, VOA nhận thấy nhiều người coi vụ tự tử hụt của nữ sinh Y. là một chỉ dấu nữa cho thấy nền giáo dục Việt Nam ngày càng mục ruỗng.
Rất nhiều người dẫn ra kinh nghiệm bản thân là học sinh hoặc phụ huynh khẳng định rằng bản chất của vụ việc là nhà trường bắt ép học sinh học thêm để kiếm tiền, và khi học sinh chống đối, nhà trường dùng mọi thủ đoạn để trấn áp”.
Thậm chí, VOA còn trích dẫn lời của Đỗ Việt Khoa – người từng là nhà giáo nổi tiếng về chống tiêu cực trong ngành giáo dục nhưng đã tuột xích, tham gia tổ chức phản động ngoại vi của “Việt Tân” để chống chính quyền như sau:
“Tất cả đều xuất phát từ việc ép buộc học sinh học thêm để kiếm tiền. Đây là lòng tham của các nhà giáo, là một thứ tội lỗi của những người mặc áo nhà giáo. Họ biến nghề dạy học thành một nơi để kiếm tiền. Bên cạnh học thêm, nhiều trường còn vẽ ra các khoản tiền thu trái phép, ngoài quy định. Hiện tượng này cực kỳ phổ biến. Tất cả đều là bệnh tham lam của những người đã hoặc đang còn mặc áo nhà giáo”.
Ý đồ thâm độc, đê hèn của VOA thì có lẽ tác giả không cần nói thêm nữa. Qua câu chuyện này thấy mấy điểm cần nhìn nhận, xin được đưa ra trao đổi cùng mọi người:
Thứ nhất, đối với hành vi tự tử của nữ sinh
Hình như hiện nay cái tôi của nhiều người lớn quá, đặc biệt là các bạn học sinh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Thầy cô có nhắc nhở nặng là cũng về mách bố mẹ rồi làm um sùm cả lên. Ấy là chưa kể đến các “hình phạt” nặng hơn một chút như chép phạt, bắt chống đẩy… Động vào người các cậu ấm cô chiêu một tí thôi chứ chưa phải đánh đập gì cũng phải Phòng rồi Sở Giáo dục vào cuộc. Cộng thêm với việc mạng xã hội phổ biến như bây giờ thì chuyện bé xé thành to.
Và qua khảo sát các trang tin khác, tôi xin trích một đoạn của trang tin Trelang có bình luận về vụ việc này như sau:
“Vâng, quyết định tạm đình chỉ công tác là một quyết định an toàn và luôn đúng. Thời hạn 15 ngày là đủ để điều tra, xác minh và kết luận. Quyết định ấy không sai, nhưng nó làm tổn thương nghiêm trọng đến danh dự uy tín của nhà giáo, làm ảnh hưởng đến chất lượng truyền thụ tri thức của thầy cô.
Với cái quyết định ấy, nhiều thầy cô sẽ học theo lãnh đạo để chọn cho mình cách hành xử an toàn hơn, nhưng chắc chắn hậu quả của nó là sẽ có nhiều học sinh “mất dạy” hơn. Hôm trước nữ sinh nhận lỗi trước nhà trường, nhưng chỉ sau một đêm, cô phủi sạch và cho rằng mình không có lỗi. Sau này lỗi sẽ không thể như thế mà sẽ là đánh chửi lại cả thầy cô và thậm chí khi trở thành người có chức có quyền, chúng sẽ phủi trách nhiệm như phủi lỗi đã nhận với nhà trường hôm qua và sẽ có những quyết định liều lĩnh vô cảm hơn khi giải quyết các sự vụ”.
Thứ hai, đối với gia đình nữ sinh
Tất nhiên, ai ở trong hoàn cảnh có người thân như vậy cũng không thể bình tĩnh. Có câu cả giận mất khôn. Nhưng có vẻ như trường hợp này gia đình đã cho rằng trách nhiệm giáo dục con cái là hoàn toàn thuộc về nhà trường. Không biết bố mẹ và chị gái em Y đã tự hỏi tại sao con mình lại bị các thầy cô phản ánh như vậy. Việc gia đình để cho con cái ăn mặc trang phục phản cảm khi đến lớp liệu có chấp nhận được không? Thiết nghĩ hành động gửi đơn tố giác tới cơ quan công an lúc này không phải là việc làm khôn ngoan. Có thể gia đình muốn làm ra ngô ra khoai nhưng không biết họ đã suy nghĩ đến việc Y bị ảnh hưởng tâm lý ra sao sau sự việc này chưa.
Thứ ba, đối với giáo viên chủ nhiệm
Cho dù nguyên nhân sự việc đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức và cứ cho là em Y sai đi chăng nữa thì việc cô H có những lời lẽ ẩn ý, bình luận không hay, vô cảm về sự việc em Y trên mạng xã hội là điều không nên, đặc biệt là đối với một nhà giáo.
Thứ tư, sự việc nếu không được các cơ quan chức năng giải quyết một cách thấu tình đạt lý, vừa mang tính giáo dục nhân văn nhưng cũng cần thích đáng đối với các hành vi vi phạm nội quy trường học thì sẽ là miếng mồi béo bở cho các trang lều báo, các nhà zận chủ xâu xé thỏa sức xuyên tạc.
Hoa sữa
Nguồn: Người con Đất Mẹ