“Quá tả” hay “quá hữu”, dù biểu hiện ở cấp độ nào, phạm vi nào, cũng giống như một loại virus gây bệnh. Sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cán bộ chủ chốt và cấp ủy các cấp là nhanh chóng đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống, triển khai ngay các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình đột phá.
Để không rơi vào tình trạng “quá tả” hay “quá hữu”, cần triệt để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ gắn liền với xây dựng, phát huy văn hóa nêu gương của cán bộ các cấp…
Xây dựng “hệ sinh thái” văn hóa nêu gương
Tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là niềm vui, niềm tự hào to lớn của chúng ta, nhưng đồng thời cũng là sự cay cú của các phần tử phản động, thế lực thù địch, khi các âm mưu, thủ đoạn chống phá của họ không đạt được mục đích. Sau đại hội, trên internet, nhất là các mạng xã hội, hàng loạt các diễn đàn có tư tưởng thù địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta liên tục thực hiện các chiến dịch xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá với mức độ ngày càng tăng, chĩa mũi nhọn phá hoại Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh sự chống phá ráo riết của các thế lực thù địch, phản động, những khó khăn dồn dập từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hậu quả thiên tai, bão lụt ở nhiều địa phương, đòi hỏi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải tiếp tục siết chặt hơn nữa phương châm kiên trì, kiên quyết, ngăn chặn thành công các biểu hiện suy thoái.
Sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân thể hiện sinh động qua kết quả đại hội đảng bộ các cấp vừa qua chính là yếu tố thuận lợi căn bản, tạo sức mạnh, niềm tin, động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đấu tranh phản bác làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Tư tưởng con người rất khó nắm bắt. Khi một cán bộ, đảng viên có biểu hiện dao động về tư tưởng, hoặc “quá tả”, hoặc “quá hữu”, nó sẽ diễn biến phức tạp theo tác động của hoàn cảnh, môi trường. Chính vì vậy, giải pháp hữu hiệu nhất là phòng ngừa một cách chủ động. Văn hóa nêu gương của cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu tổ chức đảng chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định giúp cán bộ, đảng viên tự trang bị sức đề kháng, không để “virus” gây bệnh “quá tả”, “quá hữu” có môi trường ký sinh. Trách nhiệm, bổn phận, hình thức và các giải pháp để cán bộ nêu gương đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể trong Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong các bài viết quan trọng chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh vấn đề này. Như vậy, chúng ta đã có các điều kiện cần và đủ, cả về chủ trương, chính sách, môi trường, điều kiện để cán bộ thể hiện vai trò trách nhiệm của mình bằng tư duy và hành động nêu gương.
Thời gian qua, tổ chức Đảng các cấp ở nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo, tọa đàm… gắn việc kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện quan trọng với phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và cấp ủy các cấp vào nhiệm vụ mới. Trên một số diễn đàn có nhiều cán bộ trẻ tham gia, một số cán bộ, đảng viên đã nêu ý kiến: Chúng ta đã có các mô hình “Hệ sinh thái khởi nghiệp”, “Hệ sinh thái văn hóa”, “Hệ sinh thái doanh nghiệp, doanh nhân”… rất được giới trẻ quan tâm. Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 chứng kiến sự trưởng thành, phát triển của một đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, nhiệt huyết ở tất cả cấp ủy các cấp. Lợi thế của họ là có trình độ, kỹ năng, năng động, nhiệt huyết cống hiến, nhưng còn thiếu kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, bản lĩnh chính trị; tư tưởng một bộ phận cán bộ dễ bị tác động, dao động trước khó khăn, thử thách. Trách nhiệm nêu gương theo Quy định số 08-QĐi/TW không chỉ là hành động cá nhân của mỗi cán bộ, đảng viên, mà cần tạo nên trường văn hóa nêu gương có sức lay động, ảnh hưởng, lan tỏa rộng rãi. Chính vì vậy, cán bộ ở các cấp ủy cần xây dựng một “Hệ sinh thái văn hóa nêu gương” để cùng giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kỹ năng, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, vướng mắc. Tiện ích của công nghệ thông tin hiện nay cần được tận dụng, khai thác để xây dựng “Hệ sinh thái văn hóa nêu gương” bằng các diễn đàn sinh động, hấp dẫn, bổ ích dành cho cán bộ, đảng viên. Trong “hệ sinh thái” ấy, các biểu hiện “quá tả” hay “quá hữu” sẽ sớm được nhận diện, phân tích, mổ xẻ, tìm ra giải pháp phòng ngừa, đẩy lùi bằng sức mạnh cộng hưởng của cộng đồng cán bộ, đảng viên. Ý tưởng này cũng chính là sự thể hiện tính năng động, sáng tạo của cán bộ trẻ, rất cần được trao đổi, áp dụng.
Phải triệt để thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ
Từ những vụ việc vi phạm Điều lệ Đảng, những vụ án tham nhũng được xét xử nghiêm minh trong thời gian gần đây, chúng ta thấy, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã vi phạm, thậm chí vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực trạng này được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ, đó là: “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành”…
Những biểu hiện “quá tả” hay “quá hữu” trong tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên, nếu không sớm nhận diện, đấu tranh ngăn chặn, tất yếu sẽ dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Khi cấp ủy không triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ, tất yếu sẽ đẩy cán bộ đi từ khuyết điểm này đến khuyết điểm khác, từ sai lầm này đến sai lầm khác. Hệ quả cuối cùng là suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, cần thường xuyên nhắc nhớ và quán triệt. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong mọi hoàn cảnh, mọi nhiệm vụ, cấp ủy các cấp phải quán triệt sâu sắc, triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với thực hiện quyền, nghĩa vụ của đảng viên trong giám sát, phê bình. Khi phát hiện trong cấp ủy có biểu hiện “quá tả” hay “quá hữu”, phải lấy sức mạnh, uy tín của tập thể để phê bình, góp ý, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã “kê đơn” để chữa cho “căn bệnh” này là: “Người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các cấp ủy, tổ chức đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình…”. Sau đại hội, cấp ủy các cấp cần triển khai ngay cho cán bộ, đảng viên thực hiện những cam kết này. Phải làm đúng, làm nghiêm, làm hiệu quả ngay từ tuần đầu, tháng đầu nhiệm kỳ để tạo đà cho những giai đoạn, những chương trình tiếp theo, phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đã đề ra. Hoạt động của tổ chức đảng giống như con tàu đang vận hành trên đường ray. Để tiến về đích, tuyệt đối không để nó chông chênh, nghiêng bên nọ, lệch bên kia vì tình trạng “quá tả”, “quá hữu”.
PHAN TÙNG SƠN/QDND
Nguồn: Cánh cò