Ngày 2/12, chương trình giao lưu và ra mắt cuốn Truyện ký “Paris+14” của tác giả Cù Thu Hương do Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, cùng bạn bè của tác giả.
“Paris+14” là tác phẩm đầu tay của Cù Thu Hương, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành. Tác giả Cù Thu Hương chia sẻ, cuốn sách được hình thành trong một tình huống bất ngờ. Đại dịch COVID-19 ập đến làm đảo lộn thế giới, khiến Tiến sỹ Cù Thu Hương trở thành người “bất đắc dĩ” cầm bút viết cuốn truyện ký “Paris+14”.
Sách dày hơn 300 trang, gồm 12 phần: “Tôi không phải là virus!”, “Bóng tối đang dần nuốt chửng kinh đô ánh sáng”, “Thiên đường yêu thương”, “Sen bay trong mây”, “Đất mẹ”, “Ngôi nhà chung”, “Lực lượng 24/24”, “Vòng một”, “Paris+14 = Hà Nội”… Phần cuối cuốn sách là phụ lục ảnh, được in 4 màu, cung cấp cho bạn đọc những bức ảnh tư liệu, đa số do tác giả tự chụp trong 14 ngày thực hiện cách ly tại Sơn Tây (Hà Nội).
Từ những trải nghiệm đặc biệt trong đại dịch COVID-19, tác giả Cù Thu Hương đã ghi lại một cách chân thực những điều mình chứng kiến – qua góc nhìn và thông tin chị thu nhận được. Những cung bậc cảm xúc, lúc vui, khi buồn, thậm chí lo lắng, hoảng sợ… đã xuất hiện trong hành trình di chuyển được chị ghi chép lại, đôi chỗ khiến độc giả cảm động đến phát khóc… Đặc biệt, trong cuốn sách này, Cù Thu Hương viết nhiều về sự hy sinh thầm lặng, cao cả của đồng bào mình trên chuyến bay về nước, ở khu cách ly, tại các bệnh viện. Chị gọi đội bay đưa người Việt từ nước ngoài về nước trong đại dịch là những “cánh sen vàng”, gọi các anh bộ đội vất vả mệt nhọc lo cho những người cách ly là những “ngôi sao màu xanh”… Trong phần phụ lục ảnh, chị có nhiều bức ảnh chụp khu cách ly với giường nằm, khay thức ăn, những người lính, khiến người đọc như được tận mắt sống với chị trong cả hành trình…
Phát biểu tại lễ ra mắt sách, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn đánh giá: “ở cuốn sách của Tiến sỹ Cù Thu Hương, ta thấy một thế giới thay đổi nhiều bởi COVID-19, những con COVID vô hình không nhìn thấy, chỉ có nhà khoa học mới nhìn thấy, nó bay qua, ở đâu đó và làm cho thế giới trở nên rối loạn và thay đổi rất nhiều. Qua cuốn sách ta mới nhận thấy chúng ta quá mong manh, yếu đuối… nhưng lại cho ta thấy ẩn trong cái mong manh ấy lại chứa đựng sức mạnh cực kỳ lớn lao và kỳ bí”.
Cuốn sách cho chúng ta thấy những câu chuyện của tác giả – một người vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân của dịch COVID -19, dịch bệnh làm xáo trộn thế giới một cách khủng khiếp. “Trong những trang sách viết chân thực, rất rung động, ta thấy được bản lĩnh, vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt hiển hiện lên. Một dân tộc mỗi khi đối mặt với những khó khăn, thách thức thì ý chí, vẻ đẹp, sự mạnh mẽ của dân tộc lại trỗi dậy. Ta thấy sự chia sẻ, yêu thương, đùm bọc nhau ở khắp nơi, đặc biệt là ở nơi cách ly. Chính vì vậy, cuốn sách viết về đại dịch COVID-19, nhưng lại gửi thông điệp cho tất cả mọi người đọc về con người, về số phận, về tình yêu thiên nhiên, về dân tộc Việt Nam…”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Tác giả Cù Thu Hương là Tiến sỹ Tâm lý học, sinh năm 1963 tại Hà Nội trong một gia đình nhà giáo. Bố là Phó giáo sư, nhà giáo ưu tú Cù Đình Tú, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ là giảng viên bộ môn Kinh tế chính trị, nguyên Chủ nhiệm khoa Giáo dục chính trị Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Cù Thu Hương được tuyển chọn là lưu học sinh đi học tại Nga năm 1981 chuyên ngành Tâm lý tổng hợp tại khoa Tâm lý, Trường Đại học Tổng hợp Leningrad thành phố Saint Petersburg, Cộng hòa liên bang Nga. Tốt nghiệp Đại học năm 1987, được giữ lại làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Nhận bằng Tiến sỹ Tâm lý chuyên ngành Tâm lý xã hội năm 1991. Hiện chị làm trong lĩnh vực thương mại, thời trang, chuyên gia tư vấn tâm lý các vấn đề về kỹ năng sống, giao tiếp, ngôn ngữ hình thể, cảm xúc, giới tính, hướng nghiệp…
Nguồn: Báo Tin tức