Trang chủ Chính trị Đã đến lúc kêu gọi trách nhiệm xã hội từ công bộc...

Đã đến lúc kêu gọi trách nhiệm xã hội từ công bộc của dân

129
0

Trong thời buổi dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát, thiên tai diễn biến phức tạp, lao động trong khu vực nhà nước đang có lợi thế về bảo đảm công ăn việc làm hơn hẳn so với khu vực tư.

LTS: Làm thế nào để cải thiện chỉ số PAPI của địa phương? Đây là câu hỏi lãnh đạo chính quyền luôn yêu cầu nhóm chuyên gia thực hiện chương trình nghiên cứu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giải đáp tại các cuộc hội nghị, hội thảo phân tích trong suốt 11 năm qua.

Trong bài viết này, tác giả tổng hợp lại một số gợi ý đã chia sẻ với chính quyền 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm xã hội từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Với 2 đại đô thị với quy mô dân số trên 10 triệu người, 2 cục nam châm hút dân cư từ các địa phương khác, Hà Nội và TP.HCM tiếp tục đương đầu với nhiều thách thức trong quản trị và hành chính công. Dưới đây là 3 thách thức lớn nhất được xác định thông qua chỉ số PAPI và cần chính quyền địa phương giải quyết trong thời gian tới.

Khả năng đáp ứng của cán bộ, công chức, viên chức

Thứ nhất, khả năng đáp ứng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trước kỳ vọng ngày càng cao của công dân đô thị xét từ khía cạnh năng lực và chất lượng thực hành công vụ trước sự cạnh tranh của thị trường lao động từ phía khu vực tư.

Đã đến lúc kêu gọi trách nhiệm xã hội từ công bộc của dân

Trong khi đó, năng lực, chất lượng và thái độ đội ngũ công chức cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) vẫn chịu nhiều tác động của chủ nghĩa “vị thân”. Trong nhiều năm liền, Hà Nội và TP.HCM nằm trong nhóm thấp hoặc trung bình thấp ở chỉ tiêu đánh giá về công bằng trong tuyển dụng vào khu vực nhà nước từ cấp chính quyền thấp nhất này.

Theo kết quả khảo sát PAPI từ 2016 đến nay, đa số người dân vẫn cho rằng để xin được việc làm vào khu vực nhà nước ở 2 thành phố, cho dù là công chức, viên chức cấp cơ sở, việc thân quen với người có chức, có quyền là quan trọng. Giữa 2 thành phố, “chủ nghĩa vị thân” phổ biến hơn ở Hà Nội, tương tự như phát hiện nghiên cứu PAPI giai đoạn 2011-2015, cũng là nhiệm kỳ chính quyền trước.

Tính công khai, minh bạch trong quyết sách đất đai

Thứ hai, tính công khai, minh bạch trong các quyết sách liên quan đến quản lý sử dụng đất ở địa phương. Kết quả khảo sát PAPI hai năm 2014 (sau khi luật Đất đai 2013 có hiệu lực) và 2019 cho thấy, tỉ lệ người dân được biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tham gia ý kiến trong quá trình lập kế hoạch sử dụng đất ở Hà Nội giảm dần qua thời gian.

Nếu như năm 2014, tỉ lệ người dân biết đến kế hoạch sử dụng đất ở địa phương là 22%, và tỉ lệ người dân có cơ hội đóng góp ý kiến cho kế hoạch sử dụng đất đạt gần 9%, thì hai con số này 2019 giảm xuống còn 16% và 4%. Tỉ lệ người dân biết để tìm thông tin về giá đất ở Hà Nội giảm từ 55% xuống 50% qua 5 năm; ở TP.HCM tăng nhẹ từ 66% lên 68%.

Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới mâu thuẫn liên quan tới giá bồi thường thu hồi đất. So sánh kết quả đánh giá mức bồi thường thu hồi đất gần với giá thị trường hay không giữa hai năm 2014 và 2019 của 2 thành phố cho thấy, tỉ lệ người dân TP.HCM cho rằng mức bồi thường xấp xỉ giá thị trường giảm mạnh. Tỉ lệ này ở Hà Nội duy trì ở mức thấp ở cả 2 năm khảo sát.

Trách nhiệm giải trình

Thứ ba, trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp và đại biểu dân cử trước những đề nghị, bức xúc của công dân. Cũng theo khảo sát PAPI qua các năm từ 2016 đến 2019 (nhiệm kỳ chính quyền hiện nay), những điểm yếu trong việc thực hiện giải trình thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân ở 2 thành phố bị đánh giá chỉ đạt mức điểm dưới trung bình.

Người dân hầu như không gặp đại biểu dân cử ở HĐND cấp xã do mình bầu chọn khi cần. Qua 4 năm, tỉ lệ người dân Hà Nội tiếp xúc đại biểu HĐND cấp xã giảm từ 2,3% (2016) xuống 1,45% (2019); ở TP.HCM tăng từ 1,91% lên 5,8%.

Năm 2019, tỉ lệ người dân tìm đến cán bộ, công chức cấp xã để yêu cầu giải thích, giải quyết bức xúc, vướng mắc với chính sách ở Hà Nội chỉ là 8,8%, gần bằng với tỉ lệ 8,58% năm 2016. Tỉ lệ này ở TP.HCM cao hơn 3 lần, đạt 25,4%.

Cả 3 thách thức trên đều có thể chuyển thành cơ hội nếu công tác tuyển dụng, đề bạt nhân sự trong bộ máy chính quyền của 2 thành phố trong nhiệm kỳ 2021-2016 dựa vào kết quả đánh giá hoạt động công vụ thực tế, dựa trên biên bản giao việc và kết quả đánh giá 360 độ qua nhiều kênh.

Trong số các kênh này có các chỉ số đánh giá chính quyền từ phía công dân, doanh nghiệp hiện có như chỉ số PAPI, PCI và SIPAS hoặc các kênh đánh giá dịch vụ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, đơn vị cung cấp dịch vụ công, cơ quan hành chính các cấp.

Điểm mấu chốt trong quá trình thay đổi nhằm hướng tới chính quyền phục vụ, chính phủ kiến tạo, đó là tìm hiểu kỹ những chỉ tiêu cụ thể để xem những điểm yếu trong thực thi chính sách của đội ngũ công vụ, không chạy theo thành tích số hạng mà thực chất làm đúng chức năng, phận sự của người cán bộ, công chức, viên chức.

Để có thể tạo niềm tin từ người dân với chính quyền và để người sử dụng dịch vụ công không phải dùng đến “trung gian” khi có việc cần tới cửa công, từng cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm xã hội của mình.

Hơn nữa, chính quyền địa phương cần chủ động giải trình, lắng nghe ý kiến của công dân. Kinh nghiệm từ tỉnh Tiền Giang cho thấy, ở đâu có sự cầu thị lắng nghe, đối thoại thực tâm thì ở đó các vấn đề bức xúc của công dân được giải quyết thỏa đáng hơn.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền hãy chuyển hóa quyết tâm “trên giấy” (qua nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch) thành hành động, hành vi công vụ thực sự. Thanh tra, kiểm tra công vụ bất thường cần được thực hiện thay vì thanh tra theo hướng “trống giong, cờ mở”.

Lợi thế cần được chuyển hóa thành hiệu quả

Từ góc độ chính sách, hai thành phố cần có cơ chế riêng về tổ chức nhân sự, số lượng công chức, viên chức khác với 61 tỉnh/thành phố có quy mô dân số nhỏ hơn đáng kể.

Cần đánh giá lại khả năng tiếp nhận của hệ thống công vụ trước thực tế 2 thành phố lớn tiếp tục quy hoạch và cho phát triển đại đô thị, đô thị vệ tinh.

Một khi quỹ đất cho hạ tầng cơ sở và dịch vụ công căn bản không được đáp ứng, như trường hợp TP.HCM thiếu tới 443 phòng học cho năm học 2020-2021 hay ngành giáo dục Hà Nội đã “kêu” thiếu quỹ đất xây trường từ nhiều năm nay, chính quyền 2 thành phố cần xem xét tạm dừng cấp phép cho các dự án bất động sản để chuẩn bị đủ trường lớp công lập.

Trong thời buổi dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, lao động trong khu vực nhà nước rõ ràng đang có lợi thế về bảo đảm công ăn việc làm hơn hẳn so với khu vực tư.

Lợi thế này của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần được chuyển hóa thành hiệu quả hoạt động công vụ cao hơn nhằm làm giá đỡ cho xã hội và thị trường khỏi những bất an, trong đó có cả những bất an do chính sách và người thừa hành công vụ tạo ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Có lẽ đã đến lúc cần kêu gọi trách nhiệm xã hội từ chính công bộc của nhân dân.

Đỗ Thanh Huyền (Chuyên gia phân tích chính sách công, UNDP Việt Nam)


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây