Hào khí khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn luôn không ngừng được hun đúc và toả sáng qua các thế hệ, trở thành nguồn sức mạnh to lớn góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng miền Nam và cả nước
Ngày 22-11, tại TP HCM, Học viện Chính trị Quốc gia TP HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia Khởi nghĩa Nam Kỳ – Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam kỷ niệm 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa 23.11.1940 – 23.11.2020.
Phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940 là một trong những sự kiện quan trọng, để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam thành đồng tổ quốc. Là một trong những cơ sở thực tiễn để Đảng ta đưa ra những quyết sách đúng đắn dẫn dắt nhân dân đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, dành độc lập tự do và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa góp phần cho đại thắng mùa xuân 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Hội thảo cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc thiết thực kỷ niệm 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa. “Thời gian ngày càng lùi xa đất nước ta ngày càng phát triển, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín ngày càng tăng lên thì giá trị của sự hy sinh cao cả của cả dân tộc ta càng được khẳng định sâu sắc hơn, toàn diện hơn. 80 năm qua cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã có nhiều cuộc hội thảo, sách sử ghi rất đậm nét nhưng chắc chắn còn nhiều vấn đề để chúng ta có thể bổ sung, tôn vinh tương xứng với tầm vóc của lịch sử. Bổn phận của cuộc hội thảo hôm nay là chúng ta tiếp tục thực hiện theo tinh thần ấy” – Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên nói.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia TP HCM đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và làm sâu sắc hơn một số nội dung chủ yếu sau: Khởi nghĩa Nam Kỳ – bước chuyển quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, cuộc tập dượt lịch sử tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Khởi nghĩa Nam Kỳ – sự kiện lịch sử tỏa sáng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam với nhiều bài học kinh nghiệm quý báu như sau: kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; kết hợp giữa đấu tranh ở đô thị và đấu tranh ở nông thôn; đồng loạt tiến công địch trong không gian rộng lớn nhưng có trọng điểm.
Tiếp đó là bài học về phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, khởi nghĩa Nam Kỳ đã giúp Đảng ta rút ra bài học quan trọng về thời cơ cách mạng: Phải dự báo chính xác về thời gian xuất hiện và hình thái lộ diện của thời cơ; chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ, không nóng vội khi thời cơ chưa tới.
Phát huy cao độ tinh thân chủ động sáng tạo, đồng thời phối hợp chặt chẽ và phát huy sức mạnh của phong trào cách mạng cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hào khí Khởi nghĩa Nam Kỳ hội tụ và tiếp tục lan tỏa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thắng 80 năm qua, hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa vẫn luôn không ngừng được hun đúc và tỏa sáng qua các thế hệ, trở thành nguồn sức mạnh miền to lớn góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng miền Nam và cả nước, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Chúng ta có trách nhiệm lan tỏa tinh thần, ý chí và hào khí đó trở thành khát vọng phát triển quê hương, đất nước; phát huy những giá trị văn hoá, tinh thần yêu nước và truyền thống anh hùng của Nam Bộ thành đồng nói chung, Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn nói riêng, trở thành động lực và nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội; biến sự kiên cường, thông minh, gan dạ trong chiến đấu trở thành bản lĩnh kiến trì, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất, kinh doanh; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, hết mực trung thành với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Trường Hoàng/NLD
Nguồn: Cánh cò