Để có được nhân tài trị quốc, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thực hiện chế độ lương thưởng hậu hĩnh cho các quan chức tài giỏi.
Ông Lý Quang Diệu khẳng định, để có được những người tài giỏi, tận tụy, chính trực, liêm chính và sẵn sàng cống hiến giai đoạn sung sức nhất của cuộc đời và dám vượt qua tiến trình bầu cử đầy rủi ro, chúng ta không thể trả lương thấp cho các vị bộ trưởng. Theo ông, phần thưởng duy nhất họ được hưởng là sự đóng góp cho lợi ích chung.
Cắt giảm lương lãnh đạo do hiệu quả kinh tế không tốt
Từ những năm đầu thập kỷ 1970, lương bộ trưởng và công chức cấp cao Singapore được tăng nhiều lần để thu hẹp khoảng cách với mức lương ở khu vực tư nhân, các lần tăng lương lần lượt vào năm 1973, 1979, 1982 và 1994.
Tháng 10/1994, Singapore ra “Sách trắng về chế độ lương cạnh tranh vì một chính phủ có năng lực và trong sạch”. Sách trắng quy định mức lương của bộ trưởng và công chức cao cấp tương đương lương trung bình của 4 người hưởng lương cao nhất trong 6 ngành nghề của khu vực tư nhân là kế toán, ngân hàng, kỹ sư, luật, doanh nghiệp chế tạo trong nước và công ty đa quốc gia.
Mức lương của bộ trưởng và công chức cao cấp được xem xét và điều chỉnh thường xuyên để bảo đảm tính cạnh tranh với khu vực tư nhân nhằm giữ chân người tài giỏi làm việc cho chính phủ.
Mức lương của quan chức chính phủ được điều chỉnh theo hiệu quả kinh tế của Singapore được đo GDP. Do vậy, năm 2009, lương của Tổng thống và Thủ tướng bị cắt giảm 19%, bộ trưởng cắt giảm 18%, các nghị sĩ quốc hội cắt giảm 16% do hiệu quả kinh tế Singapore không tốt.
Hiện nay, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là nhà lãnh đạo có mức lương cao nhất thế giới với 1.610.000 USD/năm trong khi lương của Tổng thống Mỹ là 400.000 USD/năm, lương Thủ tướng Anh gần 200.000 USD/năm.
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào
Cùng với trả lương hậu hĩnh, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tin tưởng rằng việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào vừa giúp ngăn chặn những kẻ cơ hội chui vào bộ máy công quyền, vừa thu hút được những người tài giỏi và sáng giá nhất gia nhập đội ngũ lãnh đạo đất nước. Bởi vậy, Singapore thực hiện việc tuyển chọn lãnh đạo đất nước vô cùng nghiêm ngặt và kỹ lưỡng.
Đảng Nhân dân hành động luôn chủ động tìm đến những thủ lĩnh tài giỏi ở các lĩnh vực khác nhau để mời họ vào đảng. Họ là những người được đồng nghiệp đánh giá thông minh, có năng lực lãnh đạo, kỹ năng quản lý xuất chúng, có nhiều thành tựu trên thực tế và đã được công chúng biết đến.
Sau khi được mời vào đảng, những người xuất sắc nhất được chọn tham gia ứng cử vào Quốc hội. Khoảng 2 năm trước cuộc bầu cử, các ứng viên trải qua quá trình đánh giá sàng lọc với nhiều vòng phỏng vấn căng thẳng bởi vài hội đồng đánh giá. Các hội đồng này theo cấp bậc cao dần, bởi vậy khi vượt qua được vòng trước để đi tiếp vào vòng tiếp theo, ứng viên đối mặt với một hội đồng gồm các nhân vật cao cấp hơn và bị “soi” dữ dội hơn. Sau đó, những người xuất sắc nhất được chọn tham gia ứng cử Quốc hội. Tiếp đó, họ còn phải chứng tỏ được khả năng làm việc với các lãnh đạo cơ sở nơi dự kiến tranh cử.
Khi đã thắng cử trở thành nghị sĩ, họ tiếp tục phải trải qua quá trình đánh giá sàng lọc. Chỉ những người giỏi nhất mới được chọn vào nhóm những người có tiềm năng làm bộ trưởng, họ phải luân chuyển qua nhiều lĩnh vực khác nhau trong một thời gian ngắn. Trong quá trình luân chuyển, một vài bộ trưởng có thể bị đánh giá không có khả năng đảm nhiệm chức vụ thủ tướng và do vậy, không được cất nhắc thêm nữa.
Nhờ nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của lãnh đạo, chế độ lương hậu hĩnh, tuyển chọn nghiêm ngặt, Singapore luôn có được nhiều người tài giỏi dẫn dắt đất nước từ một làng chài nghèo đói vươn lên thành con rồng châu Á. Cũng vì đảng Nhân dân hành động chiêu mộ hết nhân tài, nên các đảng đối lập ít có cơ hội có được nhân tài. Đó cũng chính là lý do tại sao đảng Nhân dân hành động luôn thắng cử, liên tục cầm quyền suốt từ năm 1959 đến nay.
Cấp học bổng để có công chức ưu tú
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu chú trọng chế độ trọng dụng nhân tài, nhất quyết phải có được những “người giỏi và sáng giá nhất” vào bộ máy công quyền. Kinh nghiệm khi làm tư vấn pháp luật cho nhiều tổ chức công đoàn ở Singapore trong thập niên 1950 đã cho ông thấy rõ rằng sở dĩ ông dễ dàng thắng kiện chính quyền thực dân là vì các luật sư của chính quyền yếu kém và hưởng mức lương bèo bọt.
Để có những người giỏi và sáng giá nhất làm việc cho bộ máy hành chính, Singapore áp dụng chế độ cấp học bổng cho những sinh viên xuất sắc nhất tu nghiệp ở những đại học hàng đầu của những nước có nền giáo dục đại học tiên tiến. Hàng năm, sinh viên phải cạnh tranh rất khốc liệt để được học bổng của chính phủ, căn cứ thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa và khả năng lãnh đạo.
Sau khi tốt nghiệp, họ phải trở về nước làm việc cho bộ máy công quyền trong một thời gian xác định tùy theo thời gian học và được hưởng mức lương xứng đáng. Họ gia nhập đội ngũ công chức hành chính, bộ phận tinh hoa và tinh nhuệ nhất trong đội ngũ công chức Singapore, đảm nhiệm việc xây dựng và thực thi chính sách quốc gia, tư vấn, tham mưu cho chính khách, họ được thử thách, rèn luyện, bồi dưỡng để trở thành những lãnh đạo hàng đầu trong nền công vụ. Những người giỏi nhất có thể trở thành thứ trưởng hay còn gọi là thư ký thường trực bộ, thậm chí có thể là bộ trưởng nếu là nghị sĩ quốc hội.
Thứ hai, phải kể đến chế độ lương thỏa đáng cho công chức. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cho rằng trả lương thấp cho cán bộ là cực kỳ nguy hiểm, dù đó là một cảnh sát, nhân viên di trú hay hải quan, vì như vậy họ buộc phải bằng mọi cách khác nhau để “kiếm” thêm cho đủ nuôi gia đình. Hơn nữa, nếu lương làm cho nhà nước thấp hơn, sẽ có xu hướng “chảy máu” người tài ra khu vực tư nhân trả lương cao.
Ông đưa ra minh chứng rằng các luật sư giỏi kiếm được 2 triệu đôla Singapore một năm trong khi thẩm phán được trả ít hơn 300.000 đôla Singapore. Nếu không cải cách chế độ lương thưởng, làm sao có được những luật sư giỏi nhất vào bộ máy tư pháp. Chính phủ không có người tài, bộ máy không tinh nhuệ và chính nhân dân, đất nước lĩnh hậu quả chứ không phải ai khác.
Bởi vậy, từ tháng 3/1972, công chức được hưởng tháng lương thứ 13. Lương công chức được điều chỉnh theo sự phát triển kinh tế đất nước. Năm 2009 mức lương khởi điểm của công chức khoảng 2.000 đôla Sing. Định kỳ 2 năm một lần, chính phủ khảo sát mức lương khu vực công và khu vực tư nhân để điều chỉnh lương của khu vực công tương ứng với khu vực tư nhân. Ngoài lương, công chức được thưởng tùy thành tích, mức đóng góp của mỗi người.
Ngoài ra, từ năm 1989, Singapore áp dụng chế độ thăng tiến nhanh để giữ chân những người tài giỏi. Theo đó, các công chức có thể thăng tiến kịch khung khi 45 tuổi thay vì 50 tuổi như trước.
Chính nhờ biết trọng dụng nhân tài, Singapore đã vượt lên nghịch cảnh, nhanh chóng hóa rồng. Không ngủ quên trên những thành công đó, ngày nay, Singapore vẫn nổi tiếng là có một đội ngũ lãnh đạo tài ba và trong sạch dẫn dắt một quốc gia xanh sạch đẹp, một đội ngũ công chức ưu tú vận hành nền công vụ ưu việt bậc nhất thế giới. Singapore vẫn là bến đỗ của nhiều nhân tài nước ngoài, trong đó có không ít người Việt Nam và do vậy, ngôi sao Singapore vẫn tiếp tục tỏa sáng trong một thế giới nhiều mây đen.
TS Phạm Mạnh Hùng (Viện Kinh tế và chính trị thế giới)
Nguồn: Cánh cò