GS Phạm Tất Dong cho rằng xây dựng đất nước từ việc tạo điều kiện cho người dân học chữ, cải thiện kỹ năng là bài học “luôn đúng” của bình dân học vụ.
75 năm trước, những lớp bình dân học vụ đầu tiên ra đời để chống nạn mù chữ. Hồ Chủ tịch ra bản hiệu triệu đồng bào cùng tham gia học chữ, khuyên người chưa biết chữ phải thi đua đi học, những người đã biết phải thi đua dạy học; kêu gọi mọi người, kẻ giúp của, người giúp công để tiêu diệt giặc dốt.
Với sự quyết tâm của người dân cả nước cùng nhiều hình thức học độc đáo, những lớp học “có một không hai” ra đời, chỉ một năm (8/1945-8/1946), phong trào bình dân học vụ đã xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học. Sau 5 năm (đến 30/6/1950), gần 12,2 triệu người biết chữ. 10 tỉnh với 80 huyện, hơn 1.400 xã và 7.200 thôn được công nhận thanh toán nạn mù chữ. Số người mù chữ còn lại tập trung ở miền núi, vùng bị địch chiếm như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
GS Phạm Tất Dong, 86 tuổi, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, đánh giá bình dân học vụ đã để lại ba bài học vô cùng quý giá, còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Thứ nhất, bình dân học vụ theo đuổi mục tiêu đúng đắn là phải để mỗi người dân được tiếp cận với giáo dục bằng cách tạo cơ hội đi học. Đây là bài học đắt giá và quan trọng nhất mà đến nay khi triển khai xã hội hóa học tập, việc này vẫn là ưu tiên số một.
Thứ hai, giáo dục phải đi vào cộng đồng, quần chúng lao động. Nếu chỉ phục vụ cho những người có tiền, ở tầng lớp thượng lưu, giáo dục không trọn vẹn ý nghĩa. Để toàn dân có thể đi học, những trung tâm học tập cộng đồng, thường xuyên cần được thành lập. Những nơi này gần gũi với người dân, thuận tiện đi lại tương tự lớp bình dân học vụ xưa được tổ chức ngay tại làng, xã.
Thứ ba, giáo dục và các mục tiêu học tập cụ thể luôn cần gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Trước kia, việc xóa mù ngoài việc giúp dân biết chữ, có hiểu biết còn gắn với mục tiêu chính trị như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Ngày nay, bài học này thể hiện ở việc phát triển giáo dục gắn với yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, gắn với chương trình chuyển đổi số.
Ông Dong đánh giá, so với những ngày đầu cách mạng Việt Nam chống giặt dốt, xóa mù chữ cơ bản thì hiện nay người dân vẫn phải xóa mù chức năng. Điều này được hiểu là những kỹ năng không phù hợp hoặc thiếu sót với thời đại thì phải loại bỏ và học bổ sung, gọi khái quát là “xóa mù số”. Chuyển đổi số gắn liền với mọi lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giao thông… Xóa mù số hiện nay quan trọng như xóa mù chữ trước kia.
Nhắc về việc xã hội hóa giáo dục mà bình dân học vụ làm được, ông Nguyễn Thìn Xuân, 94 tuổi, Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO, chiến sĩ diệt dốt Nguyễn Văn Tố, gọi đó là kỳ tích. Ông Xuân đánh giá giá trị bình dân học vụ để lại thể hiện ngay ở cây trái dọc miền đất nước.
“Những người một thời học bình dân học vụ, sau là bổ túc văn hóa, có tri thức để trồng trọt, chăn nuôi và đẩy mạnh phát triển sản xuất. Nói vậy để thấy bình dân học vụ đóng vai trò nền tảng của giáo dục thường xuyên, bước đi chập chững đầu tiên để hôm nay chúng ta bước tiếp vững chắc hơn”, ông nói.
Ông Xuân cho rằng tại mỗi giai đoạn, Nhà nước sẽ có chính sách phát triển giáo dục khác nhau, chẳng hạn năm 2005 có kế hoạch xây dựng Việt Nam trở thành một xã hội học tập, năm 2020 có nghị quyết đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số quốc gia… Công cuộc xóa mù chữ không phải đã kết thúc mà mỗi giai đoạn sẽ gắn với mục tiêu phát triển riêng.
Với ông Nguyễn Phong Niên, 84 tuổi, nguyên Ủy viên thư ký Ủy ban Quốc gia Chống nạn mù chữ, thầy giáo trong phong trào bình dân học vụ những năm 1951-1953, nâng cao dân trí mãi là bài học đúng đắn ở mọi thời đại, chỉ là làm như nào để phù hợp với nhiều người ở các góc độ khác nhau.
Dẫn lại quan điểm “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Niên giải thích sức mạnh của đất nước không phải chỉ nằm ở đội ngũ trí thức mà ở toàn dân. Tương tự, sức mạnh khoa học kỹ thuật không chỉ có ở người sáng tạo mà quan trọng là giúp mọi người biết dùng kỹ thuật công nghệ đó.
“Giờ chúng ta không dựng lớp tại làng, tại nhà để dạy người già sử dụng Iphone, Ipad, cách làm phải khác, mới mẻ hơn. Tuy nhiên, tinh thần mà bình dân học vụ mang lại luôn đúng, đó là nâng cao dân trí, toàn dân cùng học và xây dựng đất nước lớn mạnh hơn”, ông Niên nói.
Thanh Hằng – Dương Tâm/VNN
Nguồn: Cánh cò