“Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị ở TP.HCM sẽ tạo sức bật mới cho thành phố trong vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, trở thành hạt nhân kinh tế vùng”.
Kỳ vọng này được đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM) chia sẻ với Zing ngay sau khi Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị ở TP.HCM được Quốc hội thông qua.
“Việc Quốc hội thông qua nghị quyết với tỷ lệ cao là sự động viên rất lớn đối với Đảng bộ và nhân dân TP.HCM”, ông Khuê nói đây là thời điểm chín muồi, phù hợp với mong mỏi của cử tri thành phố từ nhiều năm nay.
Chọn lọc, bố trí cán bộ là mấu chốt
Theo ông Khuê, sau khi Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị ở TP.HCM được thông qua, TP.HCM cần nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, đó là làm sao thực hiện được mô hình chính quyền quản lý đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng sự tin tưởng của Quốc hội và mong mỏi của người dân.
“Không tổ chức HĐND ở quận và phường thì phải làm sao để quyền đại diện, quyền dân chủ của dân được bảo đảm”, ông Khuê nói.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh phải xem xét, chọn lọc cán bộ để thể hiện tốt nhất vai trò công bộc của dân, lắng nghe tiếng nói, tiếp xúc thường xuyên với dân, từ đó có cơ sở rà soát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố.
“Chất lượng cán bộ cùng với việc sàng lọc, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ là việc mấu chốt để chính quyền đô thị phát huy tốt nhất theo yêu cầu của nghị quyết”, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.
Nhìn nhận việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị ở TP.HCM không phải sự ưu ái cho thành phố, mà là sự động viên lớn, ông Khuê khẳng định TP.HCM cần thể hiện tốt nhất để phát huy hiệu quả của mô hình này.
Là nơi tiên phong áp dụng mô hình chính quyền đô thị mà không cần thí điểm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM khẳng định thành phố không áp lực vì đã có quá trình dài trải nghiệm thí điểm, đúc kết được nhiều kinh nghiệm cả về ưu điểm và hạn chế. Từ đó, TP.HCM xác định giải pháp xây dựng phát triển với tinh thần vì cả nước và cùng cả nước.
Ông Khuê kỳ vọng nghị quyết của Quốc hội sẽ mở đường, tạo sức bật mới cho TP.HCM phát triển trong vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. Đồng thời, tạo xung lực để TP.HCM phát huy, trở thành hạt nhân của kinh tế vùng.
Còn PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) nhận định mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp TP.HCM tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước tốt hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng sự phát triển của một thành phố năng động.
Vấn đề hiện nay, theo ông Ngân, là cần hành động ngay để triển khai nghị quyết. Đặc biệt, trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cần sắp xếp, tổ chức bố trí cán bộ cho hợp lý. Đồng thời, khi thực hiện chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND thành phố cần phân cấp, ủy quyền cụ thể cho chủ tịch UBND các quận, huyện.
Nhận định lợi thế của TP.HCM là có nền tảng tốt về công nghệ thông tin, đô thị thông minh và chính quyền điện tử, ông Ngân cho rằng khoảng cách giữa người dân và lãnh đạo thành phố là rất gần, người dân có thể kịp thời phản ánh tiếng nói với các cấp chính quyền.
Về vai trò giám sát khi không tổ chức HĐND quận, phường, TS Trần Hoàng Ngân khẳng định “không có gì khó khăn, chỉ cần tăng cường đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các đơn vị hành chính quận, phường với người dân; tăng cường giám sát thông qua MTTQ, của các cơ quan báo chí”.
Giảm biên chế, giảm đầu mối trung gian
Là người có gần 2 nhiệm kỳ giữ cương vị Chủ tịch HĐND TP.HCM và trải nghiệm cả 2 giai đoạn thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường và tổ chức HĐND quận, phường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết bà có đủ cơ sở thực tiễn để so sánh hai mô hình này.
Theo bà Tâm, mô hình nào trong hoạt động cũng có mặt ưu điểm và hạn chế.
Mô hình hiện tại gồm nhiều tầng nấc trung gian sẽ làm hạn chế tính kịp thời trong các quyết định của thành phố, hạn chế sự phối hợp, liên thông giữa các địa phương với nhau. Từ đó, hạn chế hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của chính quyền, lợi ích người dân được hưởng thụ ít hơn.
Trong khi đó, mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đô thị có mật độ dân cư cao, khắc phục được tầng nấc trung gian, hướng tới chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ dân tốt hơn, giải quyết công việc nhanh hơn, giúp TP.HCM phát triển, cũng có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.
Đề án thực hiện chính quyền đô thị được TP.HCM ấp ủ từ năm 2007 sau khi nghiên cứu mô hình của nhiều nước tương đồng. Theo bà Tâm, từ Quốc hội khóa XIII đã tính tới hành lang, cơ sở pháp lý để mở đường cho mô hình chính quyền đô thị. “TP.HCM đã có gần 7 năm thí điểm, nay hành lang pháp lý cho phép nên đây là thời điểm chín muồi để thực hiện”, bà Tâm nhấn mạnh.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM đánh giá “không phải hoạt động của HĐND quận, phường không hiệu quả”, mà chức năng, nhiệm vụ của HĐND quận, phường trùng lặp nhiều với HĐND thành phố, làm chậm quy trình giải quyết công việc.
“Nếu không tổ chức HĐND quận, phường, sẽ không mất thời gian chờ cơ quan quyền lực cấp đó quyết những việc có thể triển triển khai ngay của thành phố. Thành phố chỉ cần cơ chế này”, bà Tâm nhấn mạnh.
Về chủ trương sắp xếp cán bộ khi không tổ chức HĐND phường, quận, bà Tâm nói từ khi có chủ trương này, thành phố đã làm công tác tuyên truyền, động viên và sắp xếp cán bộ. Thông qua chính sách trợ cấp, thành phố giúp cán bộ nghỉ việc có thể đi tìm việc khác, ổn định ban đầu.
Lần này, TP.HCM cũng có quá trình chuẩn bị trước đại hội. Nay đã tổ chức đại hội xong sẽ tiếp tục sắp xếp lại để khi Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực, thành phố sẽ triển khai được một cách êm xuôi, không vướng mắc.
“Nếu nói không có diễn biến gì về tư tưởng thì không đúng. Anh em băn khoăn chứ, vấn đề là ta làm sao cho hợp tình hợp lý, thỏa đáng, quan tâm, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ, của nhân dân để bố trí đội ngũ cho tốt”.
Bà Tâm nhận định vì không tổ chức HĐND quận, phường, nhiệm vụ của HĐND thành phố rất nặng nề, đặc biệt là đại biểu chuyên trách. Vì vậy yếu tố mang tính chất quyết định là công tác cán bộ.
“Đại biểu chuyên trách HĐND phải toàn tâm toàn ý, phải có đam mê với công việc. Quyết định của HĐND phải bắt nguồn từ cuộc sống, không phải UBND trình gì thì quyết cái đó. Muốn vậy phải gần dân, sát dân”, nữ đại biểu nhấn mạnh. Nếu không thành công và có nhiều bất cập, Quốc hội sẽ cho dừng chủ trương này và TP.HCM trở lại với mô hình cũ.
Vì vậy, thành phố phải cố gắng triển khai thành công để đem lại tác động xã hội một cách tốt nhất, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, thể hiện đây là mô hình chính quyền ưu việt của một đô thị lớn.
Hoài Thu/ZN
Nguồn: Cánh cò