Đại hội thi đua yêu nước Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ III đã diễn ra chiều 10/11, tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham dự Đại hội.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiều đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; xúc tiến, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển thể dục thể thao, nhất là thể thao thành tích cao lên một tầm cao mới.
Về công tác thi đua, khen thưởng, Phó Chủ tịch nước ghi nhận Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời gian qua đã tham mưu và ban hành nhiều nghị định, đề án, văn bản tổ chức và hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành. Đặc biệt, Bộ tham gia tích cực 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và hướng dẫn, tổ chức xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước, giải thưởng thuộc thẩm quyền. Trong giai đoạn 2015-2020, Bộ đã xét và kiến nghị Chủ tịch nước tặng: 186 danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; 687 danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú; 1.240 Nghệ nhân; 18 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 95 Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát huy thành tựu, những bài học kinh nghiệm đạt được trong 5 năm qua, tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bộ đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành, tập trung vào thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao, du lịch và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2020-2025.
Phó Chủ tịch nước yêu cầu đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh trong mỗi địa phương, từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; cần đấu tranh, loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, định hướng xóa bỏ các tập tục văn hóa lạc hậu, tiêu cực trong đời sống xã hội; quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cả văn, thể, mỹ; phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu.
Về hoạt động thể dục, thể thao, Phó Chủ tịch nước lưu ý, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong hệ thống chính trị và toàn xã hội để góp phần nâng cao sức khỏe, phát triển toàn diện con người Việt Nam. Đồng thời, Bộ tăng cường đầu tư và triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam tại khu vực và quốc tế; đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp thể dục thể thao.
Đối với lĩnh vực du lịch, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa một cách chuyên nghiệp, văn minh. Trước mắt, ngành tiếp tục tâp trung khắc phục các tác động tiêu cực của dịch COVID-19; xây dựng và triển khai kế hoạch đồng bộ các giải pháp để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch nhanh và bền vững.
Chia sẻ tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Đại hội thi đua yêu nước Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ III là một dấu mốc quan trọng, tạo bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong những năm qua, đề ra phương hướng, mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2020-2025. Đại hội cũng là dịp tôn vinh các tập thể, cá nhân và các gương điển hình tiên tiến, chọn cử các cá nhân tiêu biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Trong 5 năm qua, với tinh thần “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ra sức thi đua để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch công tác của Bộ, xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, hệ thống văn hóa cơ sở không ngừng được đổi mới; chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở được nâng cao, góp phần vào kết quả chung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác quản lý lễ hội có nhiều tiến bộ rõ rệt; di sản văn hóa tiếp tục được bảo tồn và phát huy, nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng; đã tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại. “Văn hóa đọc”, thư viện, bảo tồn bảo tàng, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt được nhiều thành tựu và đổi mới đáng kể. Công tác phòng, chống bạo lực, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc được triển khai thực hiện tích cực và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực sự chuyển biến tích cực; hơn 90% hộ gia đình và hơn 70% làng, bản, khu dân cư được công nhận đạt chuẩn văn hóa.
Trong lĩnh vực thể dục – thể thao, thể dục thể thao quần chúng phát triển sâu rộng trong cả nước, thu hút sự tham gia của các đối tượng, lứa tuổi. Thể thao thành tích cao có nhiều chuyển biến tích cực, một số môn thể thao đạt trình độ châu Á và thế giới. Nhiều vận động viên tiêu biểu như Hoàng Xuân Vinh (môn bắn sung), Nguyễn Thị Ánh Viên (môn bơi), Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu (môn bóng đá nam) và hàng ngàn vận động viên ưu tú khác là niềm tự hào của thể thao Việt Nam.
Trong lĩnh vực du lịch, 5 năm qua, lĩnh vực du lịch đã có bước phát triển mạnh cả về cơ sở lưu trú, khách du lịch và doanh thu; đã thu hút lực lượng lớn lao động, đóng góp tỷ trọng cao vào tăng trưởng GDP của cả nước, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Tổng thu từ du lịch chiếm trên 9,2% GDP cả nước. Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp đứng thứ 6 trong 10 quốc gia thu hút khách quốc tế hàng đầu thế giới.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trao tặng Huân chương Lao động và Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị điển hình xuất sắc của ngành.
Nguồn: Báo Tin tức