Mùa giải năm 2020 của Giải bóng đá vô địch Quốc gia (V.League) đầy biến động đã khép lại với chức vô địch thuộc về câu lạc bộ Viettel. Giải đấu đã phải tạm dừng hai lần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thay đổi thể thức thi đấu, nhưng đã kết thúc trọn vẹn, đầy kịch tính đến những phút cuối cùng.
Mùa giải đầy biến động
Trong mùa giải biến động chung của bóng đá thế giới, Giải bóng đá vô địch Quốc gia Việt Nam phải kéo dài và thay đổi thể thức thi đấu. Thay vì thi đấu lượt đi và về với 26 vòng đấu, Giải đã chuyển sang giai đoạn 1 với 13 vòng; sau đó phân nhóm A với 8 đội tranh chức vô địch và nhóm B với 6 đội tranh trụ hạng.
Theo nhận định của chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tốt trên thế giới, điều này giúp cho giải đấu được tổ chức một cách trọn vẹn, dù có gặp những khó khăn nhất định.
Thể thức thay đổi, thời gian tạm dừng giải đấu kéo dài (đợt đầu khoảng 3 tháng, đợt hai 2 tháng) khiến những tính toán cho cuộc đua của các đội trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là các đội bóng chuyên “đua đường dài”. Tuy nhiên, việc thay đổi thể thức đã tăng kịch tính khi cuộc đua vô địch và trụ hạng phải đến những phút cuối cùng mùa giải mới xác định được.
Các đội phải nỗ lực để giành thứ hạng cao ngay từ giai đoạn 1 để tránh rơi xuống nhóm B trong giai đoạn 2. Trong 3 vòng đấu cuối mùa giải, có tới 4 câu lạc bộ có khả năng cạnh tranh chức vô địch và các đội này cũng phải đối đầu trực tiếp với nhau. Phải đến vòng đấu cuối cùng từng nhóm, Giải mới xác định được được đội vô địch Viettel và đội xuống hạng Quảng Nam.
Dù vậy, mùa giải năm nay vẫn tồn tại một số hạn chế. Do tính chất căng thẳng, lãnh đạo một số câu lạc bộ không kiềm chế được nên phát sinh những vấn đề đáng tiếc, buộc Ban tổ chức phải đưa ra án kỷ luật. Ngoài ra, công tác trọng tài cũng là vấn đề nổi cộm, dẫn đến những sai sót, ảnh hưởng đến kết quả trận đấu.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, những sai sót của trọng tài có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến từ sự căng thẳng và ảnh hưởng đến giải đấu. Nam Định là đội chịu nhiều thiệt thòi nhất do các sai sót của đội ngũ trọng tài. Việc này khiến họ bị mất 8 điểm trong các trận đấu trên. Vì vậy, phải đến vòng đấu cuối cùng, Nam Định mới trụ hạng thành công nhờ hơn Quảng Nam chỉ số phụ.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2, nhóm A có 8 đội cạnh tranh chức vô địch, nhưng thực tế chỉ 4 đội cạnh tranh hết sức mình, những đội còn lại thi đấu “vật vờ”, chưa tôn trọng khán giả, Ban tổ chức. Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng, nếu mùa giải 2021, dịch bệnh vẫn phức tạp và phải áp dụng thể thức thi đấu như năm nay, Ban tổ chức cần có chế tài để các đội thi đấu tích cực hơn, ví dụ thi đấu không hết mình (đủ cơ sở đánh giá) thì trừ điểm cho mùa giải 2022.
Viettel xứng đáng “ngôi vương”
Mùa giải khép lại với việc Viettel vượt qua Hà Nội FC để lần đầu tiên lên ngôi vô địch V. League, trong khi “hiện tượng” Sài Gòn FC cũng xứng đáng với vị trí thứ ba chung cuộc.
Các chuyên gia đều thừa nhận, mùa giải này, cả Hà Nội FC hay Viettel vô địch đều xứng đáng vì họ có bộ khung khá tốt với nhiều cầu thủ đội tuyển Quốc gia, cùng lối chơi được định hình rõ ràng. Hai đội đều có màn “bứt tốc” ấn tượng trong giai đoạn 2, cùng có 6 trận thắng và 1 trận hòa (trận hòa duy nhất là cuộc đối đầu giữa hai đội). Nếu Viettel có hàng phòng ngự vững chắc, thì Hà Nội FC lại là đội có hàng công mạnh, ghi nhiều bàn thắng.
Trong những vòng đầu tiên, Viettel thi đấu còn thiếu ổn định, tuy nhiên càng về sau, họ có những điều chỉnh về lối chơi, cách tiếp cận trận đấu, đặc biệt xem trọng khâu phòng ngự. Trong 7 trận giai đoạn 2, Viettel thắng tới 6 và hòa 1 trận, trong đó có tới 5 trận thắng với cùng tỉ số 1 – 0. Đặc biệt, họ là đội duy nhất đánh bại được chủ nhà Sài Gòn FC trên sân vận động Thống Nhất, trong trận đấu cuối cùng mùa giải.
Huấn luyện viên Trương Việt Hoàng (Viettel) chia sẻ, cả mùa giải có rất nhiều áp lực, nhưng áp lực lớn nhất là những phút cuối cùng trong trận gặp Sài Gòn FC và các cầu thủ Viettel đã vượt qua thử thách để vô địch xứng đáng.
Thực tế, Viettel có đủ nhân tố để thực hiện điều này, với nhiều cầu thủ xuất sắc, như thủ môn Nguyên Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Đức Chiến, Hoàng Đức… và cầu thủ ngoại chất lượng. Về mặt bằng chung cầu thủ, Viettel được đánh giá ngang bằng với Hà Nội FC trong mùa giải năm nay.
Viettel tận dụng được tất cả những yếu tố về thể thức thi đấu để có những điểm số tốt nhất cho chức vô địch. Với kết quả này, Hà Nội FC không còn là “bá chủ” trong bóng đá Việt Nam. Viettel vô địch sẽ làm cho Giải bóng đá vô địch Quốc gia sau này hấp dẫn hơn vì có nhiều đối trọng, nhiều sự cạnh tranh cho ngôi vô địch. Với bóng đá Việt Nam, đây là điều rất tốt.
Tư tưởng “một ông bầu nhiều đội bóng” ảnh hưởng đến tâm lý của những người làm bóng đá cũng như người hâm mộ trong suốt thời gian qua. Do vậy, việc Viettel vô địch giúp đa phần người hâm mộ phấn khích, thấy sự sòng phẳng, công bằng trong bóng đá Việt Nam, đồng thời giúp sức hấp dẫn của giải đấu tăng hơn và các đội bóng khác có niềm tin hơn.
Trong khi đó, Sài Gòn FC là nét mới, tích cực trong mùa giải năm nay. Họ không được đánh giá quá cao trong mùa giải này nhưng đã dẫn đầu bảng xếp hạng phần lớn thời gian giải đấu. Vị trí thứ ba đạt được là hoàn toàn xứng đáng. Họ không có nhiều ngôi sao, nhưng có sự ổn định lực lượng, đấu pháp “biết người biết ta” và cặp tiền đạo Pedro Paulo và Geovane Magno thi đấu xuất sắc.
Dù có những hạn chế nhất định, nhưng Giải bóng đá vô địch Quốc gia năm 2020 được xem là kết thúc tốt đẹp, trọn vẹn. Khán giả đến sân theo dõi các trận đấu đông và cuồng nhiệt trên các khán đài. Tính cạnh tranh giải đấu tăng cao, nhất là các vòng đấu cuối cùng. Thành công này đến từ công tác tổ chức giải đấu, nhưng đó cũng là nỗ lực chung trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của cả nước, để bóng đá Việt Nam là một trong những điểm sáng trong năm 2020 của bóng đá thế giới.
Nguồn: Báo Tin tức