Trang chủ Chính trị Phải hình thành liên minh bảo vệ tác quyền báo chí

Phải hình thành liên minh bảo vệ tác quyền báo chí

210
0

Trước tình trạng vi phạm bản quyền báo chí trở thành vấn nạn không chỉ trong nước mà còn là vấn nạn xuyên biên giới, các cơ quan báo chí đề xuất hình thành một liên minh để bảo vệ tác quyền báo chí.

Sáng 5/11, Cục Báo chí phối hợp với Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” tại TP.HCM.

Báo chí phải có cơ chế tự bảo vệ mình

Tham dự và phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn và cho biết đây là một trong những hoạt động của Cục Báo chí, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, nhằm mục đích thực hiện đề án phát triển báo chí.

Phải hình thành liên minh bảo vệ tác quyền báo chí
Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại diễn đàn

Theo Thứ trưởng Bảo, báo chí hiện nay phát triển theo xu hướng công nghệ (báo điện tử), nên tình trạng vi phạm bản quyền trên báo điện tử rất nhiều, nhanh vì có ứng dụng công nghệ để làm việc này. Một lý do mà tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan là do chính bản thân các báo chưa nhận thức rõ vấn đề để có cơ chế tự bảo vệ mình.

Thứ trưởng Bảo cho hay “do thời gian đầu các trang điện tử mới ra, rất nhiều cơ quan báo chí tự nguyện cho không vì họ có ưu thế công nghệ. Cho nên, các báo cần rà soát lại đã từng ký kết với họ hay không, nếu không thì mới kết luận họ vi phạm để có phương án xử lý”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bảo cho biết vi phạm của các trang Web, trang điện tử trong nước không nhiều bằng các trang mạng, mạng xã hội bên ngoài, trong đó có Facebook, Google…

Theo đó, ông Bảo cho rằng để chiến đấu với các mạng xã hội bên ngoài, tập đoàn lớn thì các báo, trang thông tin điện tử và doanh nghiệp công  nghệ… phải liên kết với nhau, để chiến đấu bảo vệ quyền lợi của mình.

Cũng theo ông Bảo, từng cơ quan báo chí phải có cơ chế bảo vệ mình trước. Trong đó, phải hình thành bộ phận theo dõi, rà soát để phát hiện lưu vết, vi phạm, đối chiếu với các quy định để có phương án xử lý, bảo vệ chính mình. Nhưng để làm được như thế, trước hết các báo phải nghiêm chỉnh, không vi phạm bản quyền của nhau, thì mới đấu tranh được với vi phạm của các thế lực khác.

“Trước mắt, với lợi thế của mình, các báo, đài nên có các tuyến bài tuyên truyền về vấn nạn này, để tạo được áp lực dư luận, vừa bảo vệ mình, vừa hạn chế được vi phạm bản quyền”, Thứ trưởng nhận định.

Hình thành liên minh bảo vệ tác quyền báo chí

Trước đó, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm đã chủ trì hội nghị bàn tròn trao đổi về vấn đề vi phạm và bảo vệ tác quyền báo chí.

Phải hình thành liên minh bảo vệ tác quyền báo chí
Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm cho rằng phải hình thành liên minh bảo vệ tác quyền báo chí

Theo ông Lâm, vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ báo chí đối với trong nước không lo bằng xâm phạm xuyên biên giới.

Hầu hết, các trang web, điện tử không chính thống hiện nay do Google giới thiệu vì họ trả tiền cho Google. Google cũng thường cho chạy quảng cáo trên các trang có dấu hiệu vi phạm.

“Miếng bánh quảng cáo hiện do các trang web, trang điện tử chia nhau, vậy thì cơ hội nào còn cho các báo chính thống nếu không giữ được bản quyền tác phẩm”, ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, quảng cáo cùng với các quyền lợi khác xuất phát từ tác phẩm báo chí có được, nếu không có cơ chế bảo vệ tác quyền, để việc vi phạm tràn làn thì báo chí không chỉ mất quyền tác phẩm mà còn mất nhiều quyền và lợi ích khác.

Do đó, ông Lâm cho rằng đề xuất hình thành liên minh giữa các báo để bảo vệ lợi ích của nhau là điều nên làm, nhưng làm thế nào thì cần phải bàn bạc kỹ.

Theo ông Lê Quang tự Do, Cục phó Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), việc hình thành liên minh bảo vệ tác quyền giữa các báo là điều cần thiết. Nếu một cơ quan báo chí tự đi bảo vệ quyền tác phẩm của mình thì rất mất thời gian, lại không phù hợp với xu thế.

Do đó, ông Do đề xuất liên minh phải hình thành đầy đủ các thành phần như: báo chí, doanh nghiệp công nghệ và đại diện cơ quan Nhà nước. Khi đó, việc bảo vệ tác quyền báo chí mới có hiệu quả.

Ông Do ví dụ, rất nhiều cơ quan báo chí bị vi phạm tác quyền, làm đủ mọi cách từ nhắc nhở đến dọa kiện mà các trang web không hề lo ngại. Nhưng khi có một cuộc điện thoại từ Cơ quan quản lý thì họ chấp hành ngay. “Nói như vậy để thấy rằng, liên minh cần có đại diện cơ quan Nhà nước thì mới có hiệu quả”, ông Do cho biết.

Phải hình thành liên minh bảo vệ tác quyền báo chí
Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung phát biểu tại diễn đàn

Đồng quan điểm trên, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho hay việc lập một liên minh để bảo vệ tác quyền báo chí là cần thiết. Càng nhiều cơ quan báo chí tham gia, cùng với nhiều cơ quan liên quan khác và đại diện cơ quan Nhà nước thì sẽ có hiệu quả hơn.

“Chúng ta cứ hình thành một liên minh, các chi tiết hoạt động thế nào thì sẽ bàn kỹ hơn khi đã có liên minh. Còn trong khuôn khổ diễn đàn này nếu bàn chi tiết, cụ thể e rằng không đủ thời gian và chưa phù hợp”, ông Xuân Trung nhận định.

Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho biết ủng hộ hình thành liên minh, nhưng trước mắt cần những lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cơ quan báo chí hiểu rõ vấn nạn vi phạm tác quyền báo chí, hiểu rõ các giải pháp ứng xử với vấn nạn nói trên.

Trước đề xuất của các cơ quan báo chí về hình thành liên minh bảo vệ tác quyền báo chí. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng để liên minh có hoạt động hiệu quả hay không, cần phải hình thành một đơn vị, tổ chức mà Nhà nước cho phép. “Chúng ta phải bàn cụ thể hơn về hình thành liên minh thế nào, cơ chế hoạt động thế nào? Ngồi lại với nhau phải trên cơ sở bằng các hợp đồng, quy định chặt chẽ và có lợi ích đàng hoàng”, Thứ trưởng Bảo gợi ý.

Hồ Văn/VNN


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây