Ngày 24/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 71 điều nhằm điều chỉnh chuyên sâu các nội dung về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Dự án Luật có 10 ưu điểm nổi bật trong đảm bảo TTATGT.
Cụ thể như sau:
1. Tách bạch lĩnh vực: “Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” với lĩnh vực “Xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ”
Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng hiện nay đang được điều chỉnh trong cùng Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dẫn đến không thể quy dịnh đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Việc phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa 2 Luật sẽ đảm bảo đảm cả 2 lĩnh vực quản lý Nhà nước được thực hiện hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, giải quyết được 2 vấn đề lớn và cấp bách mà thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đó là bảo đảm an toàn, làm giảm tai nạn giao thông và phát triển hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Trên cơ sở tách bạch hai lĩnh vực “Trật tự an toàn giao thông đường bộ” với “Xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ”,dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ quy định rõ về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cấp theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, ngành, địa phương một cách rõ ràng, rành mạch, đúng quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước, trong đó xác định Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Hệ thống báo hiệu và Quy tắc giao thông đường bộ được nội luật hóa Công ước Viên năm 1968 và bổ sung một số quy định mới phù hợp với nhiều quốc gia trên thế giới và tình hình thực tiễn tại Việt Nam
Trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc cụ thể hóa các quy định của Công ước Viên năm 1968 chưa đầy đủ và chưa sát thực tiễn tình hình giao thông Việt Nam.
Trên cơ sở luật hóa các quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ đang được quy định tại văn bản cấp thông tư, bổ sung quy định phù hợp với Công ước Viên 1968 về biển báo – tín hiệu, thuyết minh, giải thích rõ hơn ý nghĩa của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch sơn trên mặt đường, hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ được xây dựng trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ giúp người dân dễ nhận thức, từ đó chấp hành luật tốt hơn, phòng ngừa tai nạn giao thông.
Trong dự thảo Luật có bổ sung loại biển báo tạm thời nhằm tổ chức giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, các tình huống về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, sự cố giao thông,… Đồng thời, có quy định cụ thể về hiệu lực của biển báo hiệu và vị trí đặt biển báo hiệu, đây là điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ cũng luật hóa cụ thể quy định về tốc dộ và khoảng cách an toàn đối với xe cơ giới tham gia giao thông, các trường hợp phải giảm tốc độ.
3. Bổ sung quy định chi tiết về giao thông trên c
So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ quy định bổ sung nội dung hướng dẫn cụ thể cho các phương tiện đang chạy trên đường cao tốc gặp sự cố kỹ thuật tại khoản 5 Điều 31. Đồng thời, bổ sung quy định tốc độ tối đa, tối thiểu của phương tiện khi tham gia giao thông trên đường cao tốc; tốc độ của một số loại phương tiện có trọng tải lớn trên đường cao tốc; khoảng cách an toàn giữa các xe tương ứng với tốc độ và điều kiện mặt đường thời tiết, địa hình để đảm bảo an toàn giao thông.
4. Cụ thể hóa quy định về công tác giải quyết tai nạn giao thông đường bộ
Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ quy định về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ tại Chương V gồm 7 điều về các nội dung như: nguyên tắc giải quyết tai nạn giao thông; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông; trách nhiệm của ngành Y tế, trách nhiệm của ngành Công an, trách nhiệm của cơ quan bảo trì, khai thác đường bộ, trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm, UBND các cấp trong giải quyết tai nạn giao thông.
Đây là những nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ 2008 để bảo đảm việc giải quyết tai nạn giao thông được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức; khắc phục kịp thời hậu quả các vụ tai nạn giao thông; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong vụ tai nạn giao thông.
5. Bổ sung quy định về tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ
Đây là các nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để lực lượng chức năng có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ khi tổ chức thực hiện; gồm 5 điều quy định cụ thể các nội dung trong tổ chức giao thông; giải quyết những vấn đề bất cập về tổ chức giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông; về nguyên tắc và các biện pháp phân luồng giao thông; tiêu chí xác định ùn tắc giao thông, nguyên tắc giải quyết ùn tắc giao thông, biện pháp giải quyết ùn tắc giao thông trong các trường hợp cụ thể.
6. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định chi tiết, cụ thể hơn
Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ quy định rõ hơn về nội dung, hình thức, kinh phí tuyên truyền và trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức,… trong việc tuyên truyền, ngày một nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông “văn minh, an toàn”.
7. Quy định về quản lý người điều khiển phương tiện giao thông là quản lý hành vi của con người, cụ thể là quản lý việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông
Hiện nay, việc quản lý giấy phép lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông. Trong dự thảo luật đã bổ sung quy định về điểm giấy phép lái xe với tổng là 12 điểm. Khi người điều khiển phương tiện vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ, giấy phép lái xe sẽ bị trừ điểm; dữ liệu về điểm trừ sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe không còn hiệu lực và phải thi sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe không còn hiệu lực.
Dự luật cũng quy định cụ thể về 10 hành vi và nhóm hành vi của người tham gia giao thông bị phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe và 28 hành vi và nhóm hành vi bị phạt tiền và trừ điểm giấy phép lái xe.
8. Quản lý phương tiện tham gia giao thông thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự
Dự thảo Luật đã ràng buộc trách nhiệm pháp lý của chủ xe cơ giới đối với phương tiện thuộc sở hữu của mình, phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe cho cơ quan đăng ký xe trong trường hợp chuyển quyền sở hữu xe, xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng, bị phá hủy không sử dụng được.
Dự thảo Luật cũng đa dạng các hình thức cấp biển số xe cơ giới được thực hiện ngẫu nhiên (như hiện nay), thông qua đấu giá hoặc thu phí theo sở thích. Một số trường hợp không được cấp đăng ký và biển số xe như: xe có tranh chấp dân sự; xe có vị trí lắp đặt biển số gây khó khăn cho việc quan sát và không đúng các quy định của pháp luật; xe vi phạm về an ninh trật tự (tự ý thay đổi màu sơn, kẻ vẽ quảng cáo, lắp đặt thiết bị trên xe, thay đổi tính năng sử dụng của xe không đúng quy định)…
9. Bổ sung quy định về thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên tuyến giao thông đường bộ
So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật bổ sung quy định về thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm tại Chương VI, gồm 6 điều về các nội dung: tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên tuyến giao thông đường bộ; kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; tiếp nhận thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp; tiếp nhận kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp; giám sát việc thực thi pháp luật.
Đây là những nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm; cải cách căn bản phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại hóa, tiết kiệm chi phí cho nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao hiệu lực và tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức và trách nhiệm của các chủ thể trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.
10. Quy định về trách nhiệm pháp lý
Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ lần đầu tiên quy định đầy đủ, chi tiết về trách nhiệm pháp lý của người tham gia giao thông, của chủ phương tiện trong xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và của cá nhân, tổ chức gây cản trở, mất an toàn giao thông đường bộ.
Việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đã luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về trật tự an toàn giao thông; ưu tiên ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại trong giám sát, chỉ huy, điều hành giao thông, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm; xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quản lý.
Dự kiến dự án Luật sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Phương Thủy/CAND
Nguồn: Cánh cò