Tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sáng 6/11/2020, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, nguyên văn như sau:
“Hiện nay dư luận hết sức bất bình, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết là công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán các thứ. Tôi đã thảo luận ở tổ và đề nghị đồng chí thực hiện biện pháp gì để cho anh em không làm chuyện này nữa, để tránh ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ngành công an”.
Phải khẳng định ngay rằng, vào dịp lễ tết thì ở một vài nơi có hiện tượng gợi ý các doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ một số đơn vị công an cấp cơ sở là có thật, thậm chí có đơn vị còn gửi cả công văn đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ.
Việc làm trên dù được ngụy trang bằng những mỹ từ nào đi nữa thì về bản chất là “Xin tiền doanh nghiệp” và cho dù các đơn vị công an không bắt buộc, và các doanh nghiệp có “tự nguyện” đi chăng nữa thì nó vẫn là việc làm phản cảm, gây bức xúc cho xã hội, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ngành công an.
Ảnh chụp màn hình kết quả tra cứu Hiện tượng xin tiền doanh nghiệp
Hiện tượng này dù là có thật, nhưng không phải là phổ biến và càng không phải chủ trương của ngành công an.
Thực tế, trong những năm vừa qua ngành công an đã nghiêm cấm các đơn vị công an cơ sở làm việc này và cũng đã có những biện pháp xử lý khá mạnh tay.
Trở lại câu hỏi của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. Đây là câu hỏi đề cập tới vấn đề nóng mà cử tri đang quan tâm, có liên quan đến danh dự, uy tín của ngành công an và với trách nhiệm của một địa biểu, ông Lưu Bình Nhưỡng chất vấn là cần thiết.
Tuy nhiên, thái độ người hỏi cách hỏi cũng cần phải lưu ý nếu không dư luận sẽ hiểu sai bản chất vấn đề bởi tầm ảnh hưởng của một vị ĐBQH là rất lớn.
Câu hỏi ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng có 2 ý: (1) “Hiện nay dư luận hết sức bất bình, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết là công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán các thứ và (2) Đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã và sẽ thực hiện biện pháp gì để cho anh em không làm chuyện này nữa, để tránh ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ngành công an”. Tôi sẽ chủ yếu bàn đến (1) mà không bàn sâu đến (2).
#1
Với câu hỏi (1), người đọc sẽ đương nhiên hiểu rằng, cứ “vào dịp lễ, Tết là công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán các thứ”. Điều này đồng nghĩa với việc, tất cả các đơn vị công an cơ sở trong toàn quốc sẽ đi thu tiền của bà con buôn bán. Cách hỏi này là rất nguy hiểm, nó làm sai lệch những hiện tượng tiêu cực của ngành công an trên thực tế. Nó biến những hiện tượng nhỏ lẻ thành phổ quát. Nói thẳng ra là quy chụp.
Là một Tiến sĩ luật, nhẽ ra ĐB Lưu Bình Nhưỡng phải cẩn trọng hơn khi đặt câu hỏi tại một diễn đàn có sức ảnh hưởng cả bề rộng lẫn chiều sâu như thế này mới phải. Ông có thể chất vấn: “Hiện nay dư luận hết sức bất bình, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết là ở một số nơi, công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán các thứ. Đề nghị đồng chí cho biết, đã và sẽ thực hiện biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng trên?”.
Với câu hỏi như tôi gợi ý, người nghe sẽ cảm thấy đúng là ĐB Lưu Bình Nhưỡng hỏi trên tinh thần xây dựng mà không phải quy chụp và càng không phải “chọc ngoáy”. Quan trọng hơn cả, nó phản ánh đúng thực tế là “Không phải tất cả các đơn vị công an cơ sở đều có hành động xấu xí ấy” và các cử tri sẽ không thể hiểu sai bản chất vấn đề.
Trả lời ĐB Lưu Bình Nhưỡng về phản ánh này, chiều cùng ngày Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: “Nếu có cũng chỉ là trường hợp hết sức cá biệt”. Ông Tô Lâm nêu rõ quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết xử lý các sai phạm tiêu cực, thực hiện nghiêm phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm của cán bộ, chiến sỹ, không bao che bất kỳ trường hợp nào. Bộ Công an đã triển khai một số giải pháp chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong lực lượng công an cũng như công an cấp cơ sở; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong công an nhân dân với quan điểm danh dự là điều thiêng liêng cao quý. Đồng thời, gắn trách nhiệm thủ trưởng đơn vị quản lý cán bộ, chiến sỹ, nếu cán bộ, chiến sỹ có sai phạm thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Thêm nữa, ngành cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong công an nhân dân.
Đây là câu trả lời thỏa đáng.
#2
Theo quy định tại các điều 79, 80 và 82 của Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với cử tri và Nhân dân thì ĐBQH không chỉ có trách nhiệm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà còn phải tham gia đóng góp ý kiến xây dựng luật, tham gia quản lý nhà nước, và thực hiện các chức năng giám sát. Với tinh thần đó, thì ngoài việc lắng nghe và chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri tới Quốc hội thì ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng còn có trách nhiệm giám sát các hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo thẩm quyền.
Với quy định này, tôi tự hỏi, khi phát hiện hoặc khi nghe cử tri phản ánh các tiêu cực nêu trên của lực lượng công an cấp cơ sở, thì tại sao ĐB Lưu Bình Nhưỡng không trực tiếp thực hiện việc ngăn chặn hoặc ít nhất là phản ánh ngay cho các lãnh đạo ngành công an để kịp thời xử lý, ngăn chặn? Tại sao phải tích cóp lại, đợi đến khi chất vấn tại Quốc hội mới nói ra? Lý do im lặng ở đây là gì? Như thế thì ĐB Lưu Bình Nhưỡng đã hoàn thành trách nhiệm của mình chưa?
Với tư cách là một công dân tôi cho rằng, ĐB Lưu Bình Nhưỡng chưa hoàn thành nhiệm vụ của một ĐBQH. Xin lưu ý thêm, theo Hiến pháp, “Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn” nhưng chưa phải là tất cả. Nhiệm vụ của một ĐBQH không phải chỉ tiếp thu phản ánh của cử tri rồi trình bày, hay hỏi nguyên xi trên nghị trường. Nói cách khác, trách nhiệm của ĐBQH không phải chỉ để hỏi.
Về điểm này, tôi có suy nghĩ tương đồng như Bộ trưởng Tô Lâm. Đề nghị ĐB Lưu Bình Nhưỡng và các đại biểu, các cử tri khác, nếu phát hiện ra công an có tiêu cực, sai phạm thì báo ngay cho các lãnh đạo ngành công an để xác minh, xử lý kịp thời và Bộ công an sẽ có trách nhiệm có thông báo rộng rãi.
Cuteo@
Nguồn: Tre làng