“Chúng tôi khẳng định, không thể coi người nghiện ma tuý là người bệnh. Những nước hợp pháp hoá ma tuý thì Chính phủ nhập ma tuý để cung cấp cho con nghiện. Liệu chúng ta có thể làm được không? Tôi khẳng định ngay là không có ngân sách để làm việc này. Vì nếu coi là người bệnh thì phải điều trị bệnh. Quan điểm của chúng ta là có biện pháp nghiêm khắc đối với người sử dụng ma tuý” – Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Chiều 2/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi). Các đại biểu đã tập trung thảo luận về công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý; nguồn lực phòng chống ma tuý, quản lý, xử lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý; ngăn chặn nguồn ma tuý thẩm lẩu vào trong nước; sửa đổi các quy định nhằm phòng chống ma tuý hiệu quả hơn.
Sửa Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Đại biểu Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhất trí với việc cần phải sửa đổi Luật Phòng chống ma tuý nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn với công tác phòng chống ma tuý hiện nay, thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng…về phòng chống ma tuý.
“Uỷ ban đã tổ chức nhiều buổi thảo luận, lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các tổ chức Quốc tế, công tác phòng chống ma tuý được xã hội rất được quan tâm” – đại biểu nêu ý kiến và khẳng định, công tác đấu tranh phòng chống ma tuý rất gian nan vất vả nên quan điểm là phát huy kết quả, thành tích đã đạt được đấu tranh mạnh mẽ hơn với tội phạm này. Đặc biệt là tăng cường nhận thức của cán bộ, công chức, người dân về tác hại của ma tuý để thực hiện công tác phòng ngừa.
“Về công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý, qua báo cáo của Chính phủ và các báo cáo tổng kết, đánh giá tác động của Bộ Công an rất tốt nhưng pháp luật hiện nay có nhiều quan hệ mới, nhiều vấn đề mới chưa có quy định phù hợp như: quy định về người sử dụng trái phép ma tuý, cai nghiện…Chính vì vậy, cần sửa Luật để tạo hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp trong quá trình điều tra, tổ chức đấu tranh phòng chống ma tuý trong các lực lượng, cai nghiện, điều trị nghiện… làm thế nào để đáp ứng yêu cầu đặt ra.” – đại biểu nêu ý kiến.
Không coi người nghiện là người bệnh
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, hành vi sử dụng ma tuý rất nguy hiểm cho xã hội. Nhiều đối tượng sau khi sử dụng ma tuý đã gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, quy định hiện nay mới chỉ phạt tiền 500 ngàn -1 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe. “Tôi đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ, quy định cụ thể về nội dung này theo hướng tăng cường xử lý hành vi sử dụng ma tuý, xử lý người nghiện nghiêm chứ không coi là người bệnh”. – đại biểu Thu Trang nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cho biết, dự thảo luật đã khắc phục được nhiều tồn tạ, hạn chế của Luật Phòng chống ma tuý hiện nay. Đại biểu tán thành nhiều nội dung quy định tại Điều 6, cần quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong công tác quản lý người nghiện ma tuý. “Gia đình là nơi trực tiếp quản lý đầu tiên đối với các đối tượng nghiện ma tuý. Mỗi con người tự chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình quản lý chặt chẽ con em mới ngăn chặn được nguy cơ nghiện ma tuý dẫn đến phạm tội” – đại biểu nhấn mạnh. Đại biểu Nguyễn Văn Luật bày tỏ lo ngại việc các lái xe sử dụng ma tuý, tiềm ẩn gây ra TNGT nghiêm trọng.
“Tôi đề nghị quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải, các chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm đối với lái xe do mình quản lý, đặc biệt giao phương tiện là nguồn nguy hiểm cao độ cho người sử dụng ma tuý thì nguy cơ tai nạn rất cao” – đại biểu kiến nghị.
Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định không thể coi đối tượng nghiện ma tuý là người bệnh. “Hiện nay, có một số nước hợp pháp hoá ma tuý. Việc này đang tác động đến nhiều nước khác. Ở nước ta, trước đây chúng ta coi người sử dụng ma tuý là người bệnh, phải chữa bệnh, không coi là tội phạm. Nhưng trên thực tế, người nghiện tăng lên rất nhiều dẫn đến chúng ta trở thành điểm có nhu cầu về sử dụng ma tuý nên nguồn cung sẽ tập trung về nước ta. Chúng ta đã chặn những đường dây hàng nghìn bánh heroin nhưng vì trong nước có nguồn cầu nên ma tuý vẫn lọt vào. Chính vì vậy, chúng ta xử lý người nghiện tức là giải quyết nguồn cầu” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng chia sẻ việc có nhiều người đã trực tiếp nhắn tin, gọi điện cho ông cầu cứu vì lo sợ con em mình bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập. “Các đối tượng tổ chức ma tuý lôi kéo, cho sử dụng miễn phí dẫn đến việc bị nghiện ma tuý. Như thế rất đáng lo”. – Bộ trưởng cho biết.
Chính vì vậy, chúng tôi khẳng định, không thể coi người nghiện ma tuý là người bệnh. Những nước hợp pháp hoá ma tuý thì Chính phủ nhập ma tuý để cung cấp cho con nghiện. Liệu chúng ta có thể làm được không? Tôi khẳng định ngay là không có ngân sách để làm việc này. Vì nếu coi là người bệnh thì phải điều trị bệnh. Quan điểm của chúng ta là có biện pháp nghiêm khắc đối với người sử dụng ma tuý” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Ma tuý là tội phạm của mọi tội phạm
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an xác định lực lượng ma tuý là tội phạm của mọi tội phạm, là nguyên nhân gây ra hầu hết các tội phạm khác nên đấu tranh mạn mẽ với tội phạm này. “Từ nghiện ma tuý sinh ra trộm cắp, cướp tài sản, thậm chí giết người, cướp; sử dụng ma tuý gây ảo giác giết cả gia đình… Mới đây nhất vụ giết nữ sinh viên Học viện Ngân hàng cũng do đối tượng nghiện ma tuý gây ra vì khi nghiện, chúng không điều khiển được hành vi, không chấp hành pháp luật, không còn đạo đức, ít nhất cũng không có lối sống thông thường. Chính vì vậy, phải tính toán xử lý hành vi sử dụng ma tuý” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, sử dụng ma tuý không chỉ ảnh hưởng đến trước mắt mà còn lâu dài, trong các trại giam có hơn 50% phạm nhân là đối tượng liên quan đến ma tuý.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, trong công tác hợp tác quốc tế, tất cả các bộ trưởng ASEAN đều thống nhất quan điểm, lập trường nhất quán của ASEAN không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy đồng thời thống nhất cao về vai trò thiết yếu của cơ quan lập pháp và cơ chế hợp tác trong khu vực trong công cuộc ứng phó với ma túy.
“Chúng ta không chấp nhận có ma tuý, không hợp pháp hoá ma tuý, những hành vi liên quan đến ma tuý đều bị xử lý” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và nhấn mạnh thêm trong Chỉ thị 36, Bộ Chính trị đã xác định vai trò của lực lượng Công an chủ trì trong phòng chống ma tuý. “Đấu tranh chống ma tuý không chỉ trong nước, trong khu vực biên giới mà còn phối hợp với nước ngoài để đấu tranh. Mục tiêu là ngăn ngừa ma tuý từ nước ngoài vào, trong nội địa phải ngăn chặn nguồn cầu. Từng xã, phường, khu dân cư đến gia đình phải quản lý người nghiện, tham gia tổ chức cai nghiện. Điều quan trọng nhất là bảo vệ quyền đảm bảo an toàn cho đại đa số người dân” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Cũng khẳng định quan điểm này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý áp lực với ma tuý rất lớn, kể cả đường bộ, đường không, đường thuỷ đều phải đương đầu với ma tuý. Trong khi việc xử lý người nghiện ma tuý lại chưa được coi là tội phạm dẫn đến số người nghiện tăng nhanh. Số người nghiện này đã gây ra hàng nghìn vụ án.
Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị việc sửa đổi Luật phòng chống ma tuý lần này đặt vấn đề sẽ xử lý mạnh tay hơn, nghiêm khắc hơn.
Phương Thuỷ/CAND
Nguồn: Cánh cò