Trang chủ Chính trị Không để đói cơm lạt muối sau bão lũ

Không để đói cơm lạt muối sau bão lũ

113
0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương tiếp nhận các nguồn viện trợ cần công khai, minh bạch, “có tiền đến đâu, hỗ trợ nhanh người dân đến đó”; không để người dân sống cảnh màn trời chiếu đất; đói cơm lạt muối sau lũ

Chiều 1-11, tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành và 4 địa phương gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định về công tác khắc phục hậu quả sau bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Thiệt hại quá nặng nề

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 9 là cơn bão lịch sử trong 20 năm. Với sức tàn phá của cơn bão có cường độ rất mạnh và thời gian lưu bão rất dài, 6-7 giờ, mặc dù đã chuẩn bị ứng phó quyết liệt, khẩn trương, căn bản, song cơn bão và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại rất lớn.

Cụ thể, bão số 9 đã làm 80 người chết và mất tích (29 người chết, 51 người mất tích), trong đó 45 người chết và mất tích do sạt lở đất; 727 nhà sập hoàn toàn (Quảng Ngãi 325 nhà, Quảng Nam 288 nhà), 176.797 nhà bị hư hỏng (Quảng Ngãi 140.033 nhà, Quảng Nam 27.649 nhà). Thiệt hại ước tính 10.000 tỉ đồng.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định báo cáo sơ bộ cơn bão số 9 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản ở địa phương. Hiện nay, tại tỉnh Quảng Nam còn ít nhất 22 người mất tích do sạt lở núi, tại tỉnh Bình Định còn 23 ngư dân chưa được tìm thấy.

Không để đói cơm lạt muối sau bão lũ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị thương trong vụ sạt lở ở xã Trà Leng đang nằm viện

Ngoài TP Đà Nẵng có thể “tự lo được”, 3 địa phương còn lại đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở, tai biến địa chất tại Quảng Nam với tỉ lệ lớn hơn để có thể đưa ra cảnh báo về tình trạng sạt lở đất. Ông Thanh cũng đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu cây trồng thay thế cây keo vì việc trồng, khai thác ngắn hạn như cây keo gây ảnh hưởng thảm thực vật.

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – đề xuất Thủ tướng, Bộ NN-PTNT quan tâm đầu tư khu neo đậu tàu thuyền tránh bão vì địa phương này có số lượng tàu thuyền lớn nhưng mùa mưa bão không có chỗ trú tránh, phải sang tỉnh bạn để trú nhờ. Ông Dũng cũng nêu lo lắng trên địa bàn có 26 hồ, đập đã xuống cấp, có nguy cơ bị vỡ. Do đó, tỉnh kiến nghị tiếp tục tham gia dự án của Ngân hàng Thế giới để có kinh phí sửa chữa.

Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu bằng mọi biện pháp phải khẩn trương xử lý khắc phục hậu quả mưa lũ và bão số 9. Cần tính đến những biện pháp về lâu dài bảo đảm ứng phó với bão lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Theo Thủ tướng, trước khi bão số 9 đổ bộ, Chính phủ đã cùng với các địa phương thực hiện nhiều biện pháp, trong đó sơ tán hơn 1,3 triệu dân đến nơi an toàn, nhờ đó đã giảm thiểu rất nhiều thiệt hại. Dù vậy, hoàn lưu bão số 9 gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản. Hiện nay, nhiều nơi vẫn còn cảnh màn trời chiếu đất, trẻ em chưa được đến trường; nhiều nơi chưa tiếp tế được lương thực thực phẩm, dịch bệnh có thể xảy ra. Khó khăn phía trước là rất lớn nhưng Đảng, Nhà nước tin tưởng rằng người dân miền Trung sẽ mạnh mẽ vượt lên.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình đưa ra các giải pháp giúp người dân. Trong đó, phải tập trung nguồn lực tìm người đang mất tích ở Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Bình Định; đồng thời tích cực điều trị người bị thương. Thủ tướng lưu ý tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh quan tâm chăm sóc từ ăn ở, đi lại miễn phí, hỗ trợ người từ Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) xuống điều trị, tiếp tục chăm sóc gia đình người bị nạn kịp thời hơn nữa.

Về việc tiếp tế, ứng cứu người dân, Thủ tướng quán triệt chỉ đạo các địa phương tiếp nhận các nguồn viện trợ cần công khai, minh bạch, “có tiền đến đâu, hỗ trợ nhanh người dân đến đó”.

“Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Không được để người dân sống cảnh màn trời chiếu đất, đói cơm lạt muối sau lũ. Vận dụng mọi biện pháp để con em có trường lớp đến trường sớm hơn. Yêu cầu các địa phương tiếp nhận các nguồn viện trợ công khai, minh bạch, tiếp nhận đến đâu triển khai lên đó. Cả hệ thống chính trị, nhất là quân đội, công an hỗ trợ lực lượng làm lại nhà cho dân tốt hơn, kiên cố hơn, tìm nơi thuận lợi, an toàn hơn để dựng lại nhà cho người dân vùng sạt lở” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

TRẦN THƯỜNG/NLD


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây