Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay (30/10), vấn đề thiên tai và các công tác phòng chống giảm thiểu thiệt hại được báo chí đặc biệt quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành đánh giá đợt thiên tai vừa rồi khốc liệt hơn đợt thiên tai lịch sử năm 1999, với 4 đợt bão liên tiếp từ cơn bão số 6 đến số 9.
Bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, với lượng mưa lớn kéo dài khiến nhiều điểm có lượng mưa lớn hơn cả đợt năm 1999. “Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và các địa phương thì thiệt hại chỉ bằng 1 phần nhỏ so với năm 1999” ông Thành cho biết.
Liệu hoạt động của con người có làm tăng thêm thiên tai hay không, Thứ trưởng TN&MT đã phân tích thêm nhiều điểm.
Theo ông, các chuyên gia về địa chất đánh giá nguyên nhân chính do miền Trung là khu vực đồi núi cao, phân cắt mạnh, địa chất có nhiều loại đất đá cổ, bị đập vỡ nứt nẻ, tạo ra lớp vỏ phong hóa dài, nhiều lớp đất sét. Đây là điều kiện bất lợi, nếu mưa lâu ngày thì nước chứa trong lớp phong hóa sẽ nhão, tạo ra lực kéo, trượt xuống phía dưới.
Trong các hoạt động dân sinh, chắc chắn cần phải mở đường, cần san ủi để có mặt bằng nhà ở, trường học, trong đó có cả các hoạt động thủy điện để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Việc cắt taluy, cắt mất chân sườn dốc là nguyên nhân kích hoạt thiên tai có thể xảy ra.
Ông Thành cho hay việc xảy ra thiên tai có nhiều nguyên nhân khác nhau và dẫn chứng thêm: “Mất rừng có phải là nguyên nhân hay không thì cần đánh giá từng trường hợp cụ thể. Năm 2018, chứng kiến kinh hoàng ở những khu vực là rừng nguyên sinh sạt lở như vết bổ cào trên sườn núi”.
Sự cố sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3 là do công trình đang xây dựng, đang cắt xẻ vào sườn núi nên xảy ra sự cố đáng tiếc này.
Thực tế vừa rồi mưa lũ đều lớn hơn năm 1999 nhưng các tỉnh Miền Trung đã vận hành quy trình liên hồ chứa, “cắt” được nhiều lượng nước. Nên vừa qua chỉ có một số điểm đạt mức lũ lịch sử. Ở hạ du, diện ngập và độ sâu thấp hơn đáng kể so với năm 1999.
Về tác động môi trường của các thủy điện nhỏ, các chuyên gia đánh giá có tác động đặc thù đến rừng, thảm phủ thực vật, đa dạng sinh học, dòng chảy tối thiểu.
Bộ TN&MT và các đơn vị tham mưu cho Chính phủ đã loại bỏ 472 quy hoạch thủy điện nhỏ, ngoài ra 213 điểm tiềm năng có thể xây dựng thủy điện cũng cần xem xét chặt chẽ, kỹ lưỡng để đảm bảo phát triển các khu vực bền vững, nhất là miền núi, tránh thiên tai.
Thuận thiên nhưng phải thích nghi
Trả lời thêm về công tác phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đợt thiên tai vừa qua tại miền Trung rất bất thường và dị thường.
“Chưa bao giờ trong 20 ngày, miền Trung chịu tới 4 cơn bão, lũ chồng lũ, bão chồng bão. Chúng ta có biết và cảnh báo rất sớm.
Tham khảo thêm
Tại hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai, bộ NN&PTNT và bộ TN&MT đã cảnh báo năm nay sẽ có khoảng 5,6 cơn bão vào miền Trung, trong đó có những cơn bão rất lớn. “Chúng tôi đã cảnh báo trước 15 ngày về trận lụt lịch sử tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa ThiênHuế”, ông Hiệp cho hay.
Thứ trưởng cho biết đã gửi nhiều lượt tin nhắn đến bà con miền Trung, hệ thống chính trị đã vào cuộc rất sớm.
Trong ứng phó, theo Thứ trưởng cần lực lượng mang tính chuyên nghiệp hơn, trang thiết bị đồng bộ hơn.
Ông Hiệp bày tỏ để bảo đảm cứu hộ nhanh, an toàn “rất mong muốn lực lượng này phải có trang thiết bị phù hợp” với mọi lực lượng địa hình và thời tiết.
Nói thêm về các sự cố vừa qua, Thứ trưởng cho hay hiện có 2 tàu vẫn không liên lạc được từ ngày 26/10. Hiện nay, thiệt hại về người chủ yếu do sạt lở đất.
“Việc sạt lở đất diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Ở trạm kiểm lâm 67, đoàn kinh tế 337 hay mới nhất ở huyện Nam Trà My, đây là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong bản đồ cảnh báo”, ông Hiệp thông tin.
Theo Thứ trưởng Hiệp, cần phải có ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn trong cảnh báo, hơn 10 tỉnh nguy cơ thiên tai cao đã có bản đồ về sạt lở. Nhưng bản đồ sạt lở tỷ lệ đang là 1/50.000, trên thực tế thì cần tối thiểu tỷ lệ 1/10.000, ít nhất thì phải 1/5.000, và để xây dựng các điểm cụ thể thì cần bản đồ tỷ lệ 1/500.
Trả lời câu hỏi, con người có tác động vào thiên tai hay không, Thứ trưởng NN&PTNT khẳng định là có.
“Mọi hoạt động của con người đều có tác động hoặc xấu, hoặc tốt đến mọi vấn đề, trong đó có thiên tai. Quan điểm của chúng tôi là phải thuận thiên, nhưng thuận thiên đối với Việt Nam là thích nghi có kiểm soát chứ không phải cứ để thế. Phải có giải pháp để thuận thiên”, ông Hiệp nói.
Không công trình nào chịu được lũ ống, lũ quét
Nêu các giải pháp về xây dựng nhà phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thì không có giải pháp công trình nào có thể đáp ứng được. Công trình định xây mới cần lựa chọn địa điểm tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hiện đã có bản đồ về cảnh báo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhưng tỉ lệ cao và cần phải đưa về tỉ lệ 1/500 để biết vị trí dễ xảy ra lũ.
Với công trình đã xây dựng thì phải lựa chọn điểm di dời và cần hướng dẫn người dân nhận biết các chỉ dẫn về địa chất, lượng mưa… có phương án di dời.
Trần Thường, Thu Hằng/VNN
Nguồn: Cánh cò