Những ngày vừa qua, người dân miền Trung đối mặt với vô vàn khó khăn do mưa bão, lũ lụt gây ra. Sự việc này thu hút rất nhiều sự chú ý, quan tâm của cộng đồng quốc tế. Để giúp việt Nam khắc phục hậu quả do thiên tai ở miền Trung, các tổ chức quốc tế và một số quốc gia đã thông báo các gói hỗ trợ.
Cách đây vài tháng, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, với tinh thần nhân đạo quốc tế cao cả, trên cơ sở nguồn nội lực sản xuất trong nước, Việt Nam đã dành tặng hàng triệu chiếc khẩu trang, hàng trăm ngàn bộ đồ bảo hộ, hỗ trợ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 đến rất nhiều các quốc gia ở các châu lục trên thế giới. Cụ thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã trao tượng trưng số vật tư y tế hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ và nhân dân Việt Nam tặng chính phủ và nhân dân 8 nước. Đây là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam tại Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương, gồm Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Số hàng hỗ trợ bao gồm khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, bộ đồ bảo hộ phòng dịch và sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất với tổng trị giá 420.000 USD.
Cũng trên tinh thần đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, chung tay cùng các nước và cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam tiếp tục trao tặng cho các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh bao gồm 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn do Việt Nam sản xuất. Đối với Nhật Bản, Việt Nam đã trao tặng khẩu trang và các vật tư y tế với tổng trị giá lần lượt là 100.000 USD và cũng như gửi đến Mỹ 200.000 khẩu trang. Những hành động hỗ trợ tích cực, kịp thời dành cho các nước trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao bởi nó giúp Chính phủ các nước có thêm phương tiện để bảo vệ sức khỏe cho người dân, nhanh chóng khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Gần đây, khi người dân Trung Quốc chịu ảnh hưởng của động đất và lũ lụt, Việt Nam đã không ngần ngại ủng hộ 100.000 USD. Tất cả những hành động kể trên đều xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái nhưng tại thời điểm đó có khối kẻ “đâm bị thóc chọc bị gạo” bảo “Việt Nam nghèo mà chơi trội”, “lo chuyện bao đồng”.
Nhưng hôm nay, khi miền Trung Việt Nam oằn mình hứng chịu thiên tai, người dân rơi vào cảnh mất nhà cửa, tài sản, sinh kế, thậm chí mất người thân thì những hành động đẹp trước đây của Việt Nam đã được đền đáp. Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, nhân dân trong nước thì cộng đồng quốc tế cũng ủng hộ Việt Nam rất nhiệt tình. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thông báo sẽ chi các gói hỗ trợ với tổng trị giá gần 5 triệu USD. Trong đó, EU thông báo sẽ hỗ trợ 1,3 triệu Euro (gần 1,54 triệu USD), đây là gói cung cấp các yếu phẩm cần thiết tới những gia đình bị ảnh hưởng nặng nhất ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, giúp họ giải quyết được những nhu cầu căn bản và duy trì cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, Mỹ ủng hộ trước mắt 100.000 USD, Hội chữ thập đỏ Trung Quốc quyên góp 100.000 USD, trong khi Hàn Quốc viện trợ nhân đạo 300.000 USD. Đặc biệt nhất, trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết Nhật Bản quyết định cung cấp vật tư hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm ứng phó, khắc phục thiên tai hiệu quả hơn. Những tình cảm của các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới đã phần nào chứng minh được mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp của Việt Nam bấy lâu nay.
Việt Nam đang đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực của Liên Hợp quốc và Chủ tịch ASEAN, những gì chúng ta “cho đi” trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, đó chính là “gieo hạt”, gieo niềm tin, sự tích cực, trách nhiệm thúc đẩy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng về tương thân, tương ái, cùng kề vai vượt qua khó khăn. Và ông bà ta nói không sai “gieo nhân nào gặt quả ấy”, khi người dân miền Trung gặp khó khăn, họ “nhận lại” những “quả ngọt”. Mà nếu trước đây Việt Nam không “cho đi” thì hôm nay, chúng ta chắc gì đã “nhận lại”; nếu không có tấm lòng hào hiệp trước kia thì bây giờ liệu có xứng đáng nhận những hỗ trợ trên? Tất nhiên, không phải sự “cho đi” nào cũng mưu cầu được “nhận lại” nhưng chí ít trong trường hợp lần này, chúng ta đã thấy được những gì mình làm là đúng. Thông qua hỗ trợ mà chúng ta thấy được vị thế, giá trị của đất nước mình và một sự thật là Việt Nam đã chiếm được lòng tin và tình cảm của cộng đồng quốc tế.
Đặng Trường
Nguồn: Cánh cò