Lịch trình viếng thăm bất ngờ này của ông Pompeo cho thấy sự phát triển của quan hệ Việt Mỹ. Chuyến công du Việt Nam của ông Pompeo diễn ra sau khi ông tới thăm 4 nước châu Á.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, từ ngày 29-30/10, Ngoại trưởng Mỹ Michael Richard Pompeo thăm chính thức Việt Nam nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam Hoa Kỳ.
Một nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, chuyến viếng thăm Việt Nam lần này của ông Pompeo không nằm trong lịch trình có sẵn, mà rất đột ngột.
Lịch trình bất ngờ này của ông Pompeo cho thấy sự phát triển của quan hệ Việt Mỹ. Chuyến công du Việt Nam của ông Pompeo diễn ra sau khi ông tới thăm 4 nước châu Á, bao gồm: Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia.
Ngôi sao đang lên trong chính trường khu vực
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Indonesia luôn là đối tác được Hoa Kỳ coi trọng vì với vị thế chính trị cũng như thực lực quốc gia của mình, Indonesia luôn là “anh cả” của khu vực Đông Nam Á và khối ASEAN.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng được coi là “ngôi sao đang lên” trong chính trường khu vực. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vừa qua tạo được nhiều ấn tượng, cho dù trong diễn biến ảm đạm của Covid-19. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia đã kiểm soát thành công đại dịch.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc lên tiếng về vấn đề Biển Đông khi có những hành động đơn phương đe dọa hòa bình, ổn định trên vùng biển.
Khác với một Philippines dưới thời Tổng thống Duterte “ba sôi hai lạnh” trong vấn đề Biển Đông, chính sách của Việt Nam luôn ổn định và nhất quán. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy vấn đề Biển Đông trước các diễn đàn đa phương.
Trung tâm kinh tế khu vực
Phía Hoa Kỳ cũng đã công khai ý định muốn Việt Nam trở thành một “cường quốc tầm trung”, một trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á.
Hoa Kỳ đã tích cực thể hiện mục đích đó thông qua các hoạt động cụ thể. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương Thái Bình Dương mới diễn ra ở Hà Nội, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, Ann Marie Yastishock đã công bố Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II. Đây là chương trình thực hiện trong 5 năm với ngân sách 36 triệu USD và có mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một hệ thống năng lượng sạch.
Cũng trong sáng qua, tập đoàn Bechtel, General Electric, McDermott của Mỹ đã ký thỏa thuận cùng triển khai thiết bị trị giá 3 tỷ USD cho dự án nhà máy điện khí hoá lỏng Bạc Liêu.
Phát biểu theo hình thức trực tuyến tại Diễn đàn kinh doanh Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết: “Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ tạo điều kiện cho các đồng minh và đối tác phát triển mạnh mẽ… Chúng tôi luôn sát cánh cùng các đối tác Ấn Độ Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng, tự do và tình hữu nghị của các bên”.
Ông Pompeo cảm ơn Việt Nam đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đồng đăng cai Diễn đàn và chủ trì ASEAN trong một năm đầy thử thách như năm nay.
Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế (DFC) Adam Boehler cũng nhận xét: “Việt Nam là một người bạn tuyệt vời và là thị trường tăng trưởng mạnh mẽ. Tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về việc mở rộng đầu tư của chúng tôi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Chúng tôi vui mừng khi sử dụng nhiều phương thức phát triển kinh tế của Hoa Kỳ để thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước”.
Điểm chung chiến lược
Với mục đích của Hoa Kỳ như vậy, hai bên đã cùng tìm thấy những điểm chung trong lợi ích chiến lược. Mục tiêu lớn nhất của Việt Nam là phát triển kinh tế, điều này cũng phù hợp với mục tiêu của Hoa Kỳ.
Việt Nam cũng mong muốn một trật tự quốc tế tuân thủ luật pháp quốc tế, chính vì vậy, Việt Nam đã ủng hộ các quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông dưới góc độ này.
Vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ là một nội dung quan trọng trong cuộc trao đổi giữa lãnh đạo hai bên tại cuộc gặp sắp tới. Việt Nam luôn mong muốn Hoa Kỳ phát huy vai trò siêu cường của mình trong việc duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không theo các quy định của luật pháp quốc tế tại Biển Đông.
Việt Nam cũng mong muốn Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của họ thực hiện nỗ lực trong việc duy trì luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông, trước các tham vọng đi ngược với luật pháp quốc tế.
Việt Hoàng/VNN
Nguồn: Cánh cò