Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008 “về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.
Thẳng thắn mà nói, Nghị định 64 ra đời cách đây hơn 10 năm, mặc dù đã phát huy được những giá trị thiết thực trong quá trình tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đến nay điều kiện kinh tế phát triển, đạo đức xã hội cũng thay đổi theo thời gian. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội khiến sức lan tỏa tình yêu thương từ những cá nhân, nghệ sĩ, những người có uy tín trong xã hội được cộng hưởng với mạng xã hội nên việc huy động, vận động, tiếp nhận tiền, hàng từ thiện có thể mở rộng ra đối với các tổ chức, cá nhân ngoài các tổ chức đã được quy định trong Nghị định 64.
Một đất nước thường xuyên bị thiên tai, các tỉnh miền Trung bị “trời hành cơn lụt mỗi năm”, thì hoạt động từ thiện là chuyện thường xuyên diễn ra. Trên thực tế hoạt động tài trợ, thiện nguyện những năm qua do các cá nhân thực hiện không bị các cơ quan quản lý nhà nước hỏi đến, nhất là không hề bị dư luận xã hội phản ứng, mà còn rất đồng tình. Hiện đã có cả một hệ thống pháp luật để phòng chống những hành vi phạm tội, người lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm đã có những quy định pháp luật cụ thể để xử phạt các hành vi cố ý làm trái cũng như xử lý rồi. Điều đó chứng tỏ Nghị định 64 đã không còn phù hợp với bối cảnh tình hình hiện tại. Cho nên, phải có Nghị định thay thế Nghị định 64 để khuyến khích cả cộng đồng tham gia hoạt động từ thiện xã hội.
Có thể thấy, sự chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thay thế Nghị định 64 là một quyết định kịp thời, nhận được sự ủng hộ và đồng tình từ phía dư luận. Điều này cho thấy, Thủ tướng đã hành động kiến tạo vì người dân, lắng nghe ý kiến đóng góp từ phía người dân và các chuyên gia. Không vì sự máy móc, cứng nhắc trong các văn bản, quy định lỗi thời mà “làm chết” đi hay cản trở những con người, những hành động thiện nguyện từ trái tim đáng quý.
Giờ đây, câu hỏi Thủy Tiên nói riêng và các nghệ sĩ, cá nhân nói chung vận động, quyên góp để hỗ trợ đồng bào miền Trung đang oằn mình gánh chịu bão lũ có vi phạm quy định hay không đã có câu trả lời. Và hơn hết, hành động của Thủ tướng đã chấm dứt những tranh cãi không cần thiết trong hoạt động từ thiện, không những thế, còn khơi dậy tình yêu nước, lòng yêu thương con người, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” mỗi khi đồng bào gặp thiên tai, hoạn nạn.
Còn nhớ rằng, ngay sau khi nhậm chức, ngay từ đầu nhiệm kỳ, đích thân Thủ tướng đã rất nhiều lần nhắc đến cụm từ “Chính phủ kiến tạo” – được dân chúng hiểu rằng đây sẽ là một nhiệm kỳ của sự sáng tạo, sự xây dựng những cái mới trên nền tảng của những điều tốt đẹp của các nhiệm kỳ trước để lại, cũng như sự bứt phá tiến lên dỡ bỏ những rào cản, những bất cập. Và người dân đã và đang nhìn thấy sự thay đổi diễn ra trong suốt nhiệm kỳ này. Văn bản, thông tư nào vướng mắc, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thì sửa đổi, bổ sung; quy định, Nghị định nào lạc hậu thì xem xét, xóa bỏ và thay thế.
Quay trở lại với việc Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64, thiết nghĩ, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định mới, thì ngay lúc này các cơ quan chức năng ở các địa phương cần nhanh chóng sắp xếp nhân, vật lực để hỗ trợ các đơn vị, cá nhân đến từ thiện cho bà con. Đồng thời, chủ động trong việc lên danh sách phân loại các gia đình bị thiệt hại, để từ đó phân chia nguồn tài trợ sẽ đảm bảo đến đúng người.
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò