Trang chủ Bản tin Dân chủ Vài suy nghĩ về việc Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức...

Vài suy nghĩ về việc Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng bị cách chức

154
0

Vài suy nghĩ về việc Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng bị cách chứcÔng Lê Vinh Danh

Những ngày qua, báo chí, cộng đồng mạng đã tốn khá nhiều giấy mực để viết và nói về vụ việc liên quan đến trường Đại học Tôn Đức Thắng và cá nhân ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng nhà trường. Sự việc đã kết thúc nhưng có thể chưa ngã ngũ khi ngày 23/10 vừa qua, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố quyết định cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Vinh Danh bị cách chức do có nhiều sai phạm. Trước đó, hồi đầu tháng 8/2020, ông Lê Vinh Danh bị đình chỉ chức Bí thư Đảng uỷ trường. Đến ngày 18/9, ông bị Ban Thường vụ Đảng ủy khối Đại học, Cao đẳng TP HCM cách tất cả chức vụ trong Đảng. Sáu ngày sau, ông Danh bị Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đình chỉ công tác chức vụ hiệu trưởng.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM sau đợt kiểm tra Đảng ủy trường Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2015-2020, ông Danh có những khuyết điểm, vi phạm như chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế làm việc và các quy chế, quy định của trường có nội dung không đầy đủ, không bám sát quy định của Đảng, pháp luật.

Kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng chỉ ra, trong công tác tổ chức, cán bộ, ông Danh thực hiện chưa đúng quy định của Đảng, pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông Danh đã trực tiếp ký các văn bản thể hiện không chấp hành các chỉ đạo của Đảng Đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ của trường.

Ngoài ra, ông Danh còn bị cho là có nhiều vi phạm trong công tác quản lý tài chính, tài sản, phê duyệt dự án đầu tư… Hiệu trưởng này đã tự ký ban hành Nghị quyết kết thúc nhiệm kỳ Hội đồng trường và các Phó hiệu trưởng, tự gia hạn nhiệm kỳ cho Hiệu trưởng – trái quy định về nội dung, trình tự, thẩm quyền.

Kể từ khi ông Lê Vinh Danh bị đình chỉ chức vụ hiệu trưởng cho đến khi bị cách chức, đã có rất nhiều ý kiến lên tiếng bênh vực, bảo vệ cho ông. Không ít người ca ngợi và cho rằng, ông Lê Vinh Danh là người có công gây dựng và tạo nên tên tuổi của trường Đại học Tôn Đức Thắng như ngày nay. Có người thì ca ngợi rằng, ông Lê Vinh Danh là người tiên phong trong việc xây dựng mô hình trường đại học tự chủ ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác thì cho rằng, mọi việc đều phải có lý do của nó. Không dễ gì tự nhiên lại đi kỷ luật một người, không dễ gì lại đi cách chức một người.

Trên mạng xã hội lúc này một số người đang ra sức bênh vực, bảo vệ cho ông Lê Vinh Danh, nhưng số người đồng tình với quyết định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng không ít.

Cá nhân tôi thấy rằng, ông Lê Vinh Danh là một trong những người có công xây dựng trường Đại học Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên, ông cũng đã có nhiều sai phạm, những sai phạm này đã được kết luận. Như vậy, ông có công nhưng cũng có sai phạm. Nói cách khác, công và tội phải rất rõ ràng, không thể lẫn lộn. Có công thì vinh danh, có sai phạm phải bị xử lý.

Chúng ta hãy thử hình dung, lương của một hiệu trưởng như ông Lê Vinh Danh là 550 triệu đồng mỗi tháng, gấp 23 lần lương giảng viên. Với mức thu nhập như ở Việt Nam thì con số này không nhỏ một chút nào, nhất là với những người làm trong ngành giáo dục. Có người nói rằng, lương cao như vậy là xứng đáng với công sức người ta bỏ ra. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, lương bình quân tháng 8 của trường Đại học Tôn Đức Thắng, viên chức giảng dạy là 23,7 triệu đồng, viên chức hành chính 22,5 triệu đồng, lao động giản đơn 13,4 triệu đồng. Trong khi đó, lương của ông Lê Vinh Danh là 556 triệu đồng, trợ lý hiệu trưởng là 255 triệu đồng, người phụ trách trường 72,7 triệu đồng. Rõ ràng có sự chênh lệch khá lớn.

Cũng theo kết luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong công tác quản lý hành chính, ông Danh có nhiều vi phạm, như duyệt chi hơn 14 tỷ đồng không đúng quy định, sử dụng hơn 10 tỷ đồng tiền lãi từ nguồn cho vay của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trích lập các quỹ không đúng mục đích vay, không phản ánh đầy đủ thông tin trên sổ sách kế toán. Ông Danh còn chỉ đạo mua sắm tài sản gây thiệt hại cho trường 29 tỷ đồng.

Ông Lê Vinh Danh bị cách chức vì có nhiều sai phạm, đó là điều các kết luận thanh tra, kiểm tra đã chỉ rõ. Ông Danh có công nhưng cũng có không ít sai phạm. Bởi vậy, có nhân tôi thấy rằng, việc cách chức hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh là cần thiết, không có gì để bàn cãi nhiều. Chúng ta cần có cái nhìn khách quan và toàn diện về sự việc này.

Việt Nguyễn

Nguồn: Bản tin Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây