Trang chủ Chính trị Bộ Công an cấp GPLX là trách nhiệm chứ không phải quyền...

Bộ Công an cấp GPLX là trách nhiệm chứ không phải quyền hạn

127
0

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, việc cấp, quản lý giấy phép lái xe liên quan đến hành vi của con người, nên cần được quản lý thống nhất. 

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, Nhiều điểm mới của dự án luật này nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Nhằm làm rõ hơn những vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), thành viên Ban soạn thảo Luật Bảo đảm ATGT đường bộ.

Bộ Công an cấp GPLX là trách nhiệm chứ không phải quyền hạn
Đại tá Đỗ Thanh Bình trả lời tại buổi trao đổi

BTV Như Quỳnh:Trước tiên xin được hỏi Đại tá, đâu là lý do căn bản nhất của việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao (TTATGT) thông đường bộ?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trước hết, căn cứ vào thực tiễn tình hình trật tự an toàn giao thông, theo thống kế tai nạn giao thông đường bộ chiếm 95% tổng số các vụ tai nạn. Việc này ảnh hưởng đến quyền con người và hình ảnh Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Một đất nước hòa bình nhưng một ngày có đến 20 người ra đi không trở về. Hậu quả xã hội là rất lớn.

Căn cứ vào chỉ đạo của Đảng, xác định bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Căn cứ vào công ước Vienna 1968 về giao thông đường bộ, trong đó xoay quanh vấn đề quan trọng nhất của công ước Vienne là đảm bảo an toàn cho người và phương tiện cho người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu luật pháp, tham khảo các nước tiên tiến thì Luật Bảo đảm TTATGT với mục đích chính là hạn chế tai nạn giao thông.

Với các yêu cầu đó, xây dựng luật chuyên ngành để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ là phù hợp thực tiễn, giải quyết các vấn đề thực tiễn và phù hợp với chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Chính phủ có nghị quyết thống nhất rất cao về xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT   trên cơ sở phạm vi điều chỉnh lấy con người làm trung tâm.

BTV Như Quỳnh:  Đại tá có thể cho biết việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ có làm ảnh hưởng việc xây dựng công trình giao thông, an toàn kỹ thuật phương tiện?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ xoay quanh con người, là người điều khiển, gồm kiến thức, kỹ năng và hành vi điều khiển khi tham gia giao thông, cùng chứng chỉ chúng ta quan tâm, đó là giấy phép lái xe. Điều chỉnh hành vi con người như thế là đầy đủ, vì không những giải quyết hậu quả nếu tai nạn giai thông xảy ra mà còn bao hàm cơ chế phát hiện các vi phạm để duy trì trật tự.

Đây là phạm vi rõ ràng, không ảnh hưởng đến xây dựng hệ thống đường xá. Chúng tôi đã thảo luận với các đồng nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải. Việc xây dựng đường có dựa trên quy tắc giao thông thì cũng luôn có sự tương thích giữa Luật Bảo đảm TTATGT và Luật giao thông đường bộ hiện nay cũng như Luật đầu tư cùng các luật khác trong một chỉnh thể.

BTV Như Quỳnh:Tại sao công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe lại giao cho lực lượng công an?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông có 3 yếu tố chính: Một là người điều khiển, chiếm 90%, hai là phương tiện mất an toàn, ba là hạ tầng mất an toàn.  Trong 3 yếu tố đó, yếu tố quản lý con người thuộc lĩnh vực quản lý an toàn của người điều khiển, thuộc lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, quản lý hành vi của con người. Điều này thuộc sự điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGT. Theo đúng chức năng, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và pháp luật đã xác định, giao cho ngành công an, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và người dân về vấn đề an toàn.

Chính phủ, các bộ ngành đã bàn luận, thống nhất đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe nằm trong Luật Bảo đảm TTATGT vì liên quan đến con người. Giao cho Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý về con người theo đúng tính khoa học của tổ chức bộ máy Nhà nước. Còn lại, phương tiện giao thông, hệ thống đường xá là lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và giao cho cơ quan có trách nhiệm về kinh tế kỹ thuật quản lý.

Tôi nói ở đây là sự gắn trách nhiệm chứ không phải là xem xét ngành nào làm tốt hơn ngành nào thì giao. Cụ thể hơn là tính khoa học trong tổ chức bộ máy, gắn  trách nhiệm của các ngành khi được giao nhiệm vụ đó.

BTV Như Quỳnh:Các giải pháp lớn của ngành Công an để thực hiện hiệu quả Luật khi Quốc hội thông qua, đặc biệt là nâng cao năng lực của Cảnh sát giao thông?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Bộ Công an đã và đang thực hiện mạnh mẽ đổi mới chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng, trong đó cảnh sát giao thông chúng tôi gắn với cái chung lực lượng công an, chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng. Ví dụ như trên vỉa hè tới đây, cũng sẽ cùng một lực lượng giải quyết, đảm bảo an toàn giao thông từ vỉa hè đến lòng đường là một lực lượng. Đó là quan  điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo ứng dụng CNTT mạnh mẽ trong lực lượng công an, phấn đấu các vi phạm giao thông đều được phát hiện qua hệ thống công nghệ. Quá trình tiếp xúc giữa lực lượng cảnh sát giao thông khi thực thi nhiệm vụ với người tham gia giao thông đều ghi lại qua hệ thống dữ liệu và chứng cứ điện tử.

Bên cạnh đó, nghiên cứu trên cơ sở thực tiễn tình hình, đặc biệt là nghiên cứu hành vi của người điều khiển để đưa ra lộ trình, trong đó có quản lý chặt chẽ quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe,  cùng với đó là quản lý sau cấp phép, hướng tới chuẩn chung của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tiếp đó là nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát giao thông, để lực lượng cảnh sát giao thông có thể phục vụ, bảo vệ nhân dân, song song với việc nâng cao năng lực ứng xử và trí tuệ, văn hóa khi thực thi nhiệm vụ.

Chúng tôi đẩy mạnh hợp tác quốc tế để có kinh nghiệm của các nước đi trước.

BTV Như Quỳnh:  Đơn vị nào sẽ giám sát nếu như Bộ Công an đứng ra chịu trách nhiệm toàn bộ từ việc cấp giấy phép lái xe đến xử lý vi phạm và thu hồi giấy phép?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Như tôi nói, đây là trách nhiệm chứ không phải là quyền. Hai là, nhân dân giám sát tất cả cơ quan quản lý Nhà nước, ba là ứng dụng công nghệ để công khai, minh bạch trong quản lý. Bốn là phát hiện vi phạm và cơ chế tự xác định trách nhiệm. Mọi người dân đều có quyền giám sát, đảm bảo công khai minh bạch, gắn tính chịu trách nhiệm về hành vi trong hoạt động của mình.

Với quan điểm như thế, với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, khách quan hóa toàn bộ quá trình hoạt động chính là quá trình tự giám sát mạnh mẽ nhất mà người dân mong muốn. Chính bản thân lực lượng công an, CSGT chúng tôi cũng mong muốn. Đó là giám sát mạnh mẽ nhất để chúng ta tự thấy được quyền hạn, chức năng của mình, làm đúng, làm trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

PV/VNN


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây