Một trong những giải pháp được đa số các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đề cập đến nhiều nhất trong Hội thảo “Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng” do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 15/10, tại Cần Thơ, là cần hài hòa lợi ích các bên: “Thương hồ – nhà nông – du khách – nhà nước” trong chiến lược bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch chợ nổi Cái Răng.
Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm nhấn du lịch của thành phố Cần Thơ. Năm 2016, chợ nổi Cái Răng đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hầu hết du khách đến Cần Thơ đều tham gia tour tham quan chợ nổi trên sông độc đáo này. Tuy nhiên, du lịch chợ nổi Cái Răng chưa phát triển đúng tầm, cũng như đang đứng trước nguy cơ mai một…
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, chợ nổi Cái Răng chứa đựng giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện trong tập quán sinh hoạt, phương thức mua bán trao đổi hàng hóa rất đặc trưng của người dân địa phương Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng. Do đó, khi bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch chợ nổi, cần đặt lợi ích của thương hồ lên hàng đầu. Có thương hồ thì mới có chợ nổi. Từ góc nhìn này, gợi ý cho các nhà quản lý đề ra những giải pháp hỗ trợ thiết thực để thương hồ bám ghe, bám chợ…
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Khánh Tùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ năm 2016, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ thương hồ chợ nổi Cái Răng ổn định sinh kế, gia tăng thu nhập, như: hỗ trợ vốn vay, tổ chức thu gom rác trên sông bảo vệ môi trường, hỗ trợ nước sạch và trợ giá cho người dân chợ nổi… Trong đó, ưu tiên duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa bản địa như: tập huấn cho thương hồ các kiến thức và cách biểu diễn những bài đờn ca tài tử, kiến thức về các mô hình ghe, tàu để giao lưu, nói chuyện về văn hóa với du khách, duy trì mô hình trình diễn đờn ca tài tử định kỳ vào cuối tuần trên chợ nổi…
Ngoài ra, thành phố đang nghiên cứu các mô hình tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ. Việc tái hiện phải đúng với chất gốc chợ xưa, hòa trong bối cảnh chợ nổi ngày nay. Đồng thời, có thể thử nghiệm mô hình du lịch đường sông Cần Thơ, gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm, như một cách làm kinh tế đêm trên sông nước…
Đối với lợi ích của nhà nông, cụ thể là các nhà vườn cung cấp hàng nông sản để thương hồ buôn bán tại chợ nổi, thành phố đã chỉ đạo xây dựng các mô hình chợ đầu mối nông sản, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản, trái cây sạch cung cấp cho chợ nổi. Về vấn đề này, ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ cho rằng, cần hỗ trợ nhà vườn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là công đoạn thu hoạch. Có như vậy mới giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, cung ứng được các sản phẩm nông sản chất lượng, thời gian bảo quản dài… đến du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.
Đề cập đến lợi ích của du khách, ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng thông tin, thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận đã tiến hành nhiều giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tại chợ nổi Cái Răng, như: xây dựng quầy hàng nổi trên sông, nhà vệ sinh công cộng trên sông, niêm yết giá bán thống nhất, công bố bộ quy tắc ứng xử trong du lịch…
Ở tầm quản lý nhà nước, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố đã xây dựng và triển khai Đề án “Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng”. Ðề án có 2 giai đoạn 2016-2018 và 2019-2020; với tổng cộng 13 hạng mục công trình trọng điểm như: xây dựng hệ thống phao tiêu phân luồng giao thông, duy trì các hoạt động mua bán trên sông, trạm dừng chân, cầu tàu chợ nổi, du thuyền, nhà hàng nổi ven sông…
Công trình tuyến kè sông Cần Thơ hiện đang được gấp rút hoàn thành. Trong đó đoạn kè đi qua chợ nổi Cái Răng sẽ được đặc biệt chú trọng thiết kế phù hợp với đặc thù hoạt động của mô hình “trên bến dưới thuyền” ở chợ nổi; tạo điều kiện để việc vận chuyển, lên xuống hàng hóa dễ dàng kể cả đảm bảo mỹ quan, có thể dành cho du khách đứng trên bờ ngắm cảnh.
Chợ nổi Cái Răng là một trong ít chợ nổi ở Việt Nam còn duy trì các hoạt động mua bán tương đối nhộn nhịp, nơi đây không chỉ mua bán hàng hóa nông sản mà còn là sản phẩm du lịch đặc thù của Cần Thơ. Hiện nay, có khoảng 250-300 ghe tàu mua bán sỉ hàng nông sản trên chợ nổi; khoảng 30 ghe nhỏ mua bán trái cây, ẩm thực địa phương. Hằng ngày, vào giờ cao điểm có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách du lịch tham quan. Qua đó tạo điểm nhấn, thu hút đầu tư các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vui chơi giải trí phát triển.
Nguồn: Báo Tin tức