Ngày 13/10, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội.
Cùng dự Đại hội có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương; nguyên lãnh đạo tỉnh Hậu Giang-Cần Thơ qua các thời kỳ và 349 đại biểu chính thức đại diện hơn 33.000 đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020 nêu rõ, Đảng bộ và nhân dân của tỉnh Hậu Giang đã không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, nỗ lực thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành và vượt hầu hết các mục tiêu của nghị quyết đề ra.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chỉ đạo thực hiện toàn diện, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên.
Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng; từng bước xây dựng chuỗi giá trị nông sản và hình thành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng bình quân 9,87%/năm, trong đó, ngành công nghiệp chế biến giữ vai trò trụ cột; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được chú trọng đầu tư.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,3%/năm. Quy mô kinh tế tỉnh tăng gần 1,5 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 năm qua đạt 4.879 triệu USD, vượt hơn 13% chỉ tiêu nghị quyết. Tổng thu ngân sách cả nhiệm kỳ đạt gần 43 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội có nhiều cố gắng, với khoảng 90.000 tỷ đồng, tăng bình quân 7,6%/năm.
Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Phạm Minh Chính chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, cho rằng, từ một tỉnh thuần nông, có xuất phát điểm thấp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường; được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Trung ương; sự hợp tác, hỗ trợ của các địa phương; cùng sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang đã phát huy mọi nguồn lực để khắc phục khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.
Đặc biệt, Hậu Giang đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Việc quản lý biên chế và tinh giản biên chế được tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, góp phần tạo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2020-2025.
Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được chú trọng. Công tác dân vận có sự đổi mới, sáng tạo theo hướng gần dân, sát cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các phong trào tại địa phương.
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế-xã hội của Hậu Giang, đồng thời, gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Một là, Đảng bộ Hậu Giang cần tiếp tục giữ gìn, củng cố, dày công chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp nhân dân. Cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để khơi dậy mạnh mẽ mọi tiềm năng, nguồn lực và khát vọng, chuyển hóa được truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa của Hậu Giang thành nguồn lực để phát triển.
Hai là, tiếp tục xác định và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Coi trọng và tập trung thực hiện thật tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp, thực hiện tốt chức năng giám sát và quyết định những vấn đề lớn của địa phương.
Ba là, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những hạn chế của địa phương trong mối tương quan của khu vực và cả nước để cụ thể hóa thành mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho phù hợp trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế xã hội, trong đó chú ý các giải pháp huy động các nguồn lực để phát triển, trọng tâm là 3 đột phá chiến lược: hoàn thành xây dựng và thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tần nhìn đến năm 2050, tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trọng điểm, nhất là giao thông kết nối liên vùng và hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Bốn là, giữ gìn và xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững. Trong đó, hết sức coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng; gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa độc đáo bao đời nay trên vùng đất Hậu Giang.
Năm là, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an toàn cho hợp tác và phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện phương châm bảo đảm an ninh, an toàn và an dân trên khắp mọi miền trong tỉnh.
Sáu là, nhận thức đầy đủ, sâu sắc những yếu tố tác động, tận dụng được cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa tỉnh nhà tiếp tục có bước phát triển mới. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra của nhiệm kỳ tới, đòi hỏi từng cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang có quyết tâm chính trị phải cao; nỗ lực phải lớn; hành động phải quyết liệt, hiệu quả; tổ chức thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm; không cầu toàn, nhưng cũng không nóng vội, chủ quan, duy ý chí…
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 14 tiếp tục diễn ra đến hết ngày 14/10.
Ngọc Minh/ND
Nguồn: Cánh cò