Ngày 13/10, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về tình hình công tác đối ngoại, công tác di sản văn hóa UNESCO trên địa bàn tỉnh.
Ông Huỳnh Văn Nam, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng, cho biết, những tháng đầu năm 2020, mặc dù hoạt động đối ngoại của tỉnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên việc mở rộng, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc được tăng cường, tiếp tục xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Việc xuất nhập khẩu hàng hóa được thực hiện qua cửa khẩu Tà Lùng và Trà Lĩnh, các cửa, lối mở khác tạm thời bị dừng lại.
Tỉnh đã hoàn thiện thủ tục nội bộ nâng cấp cửa khẩu Trà Lĩnh – Long Bang lên thành cửa khẩu quốc tế; mở lối mở Nà Đoỏng – Nà Ráy. Tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý, trình Chính phủ xem xét phê duyệt nâng cấp cửa khẩu Lý Vạn – Thạc Long lên thành cửa khẩu quốc tế; mở lối mở Bản Khòng – Nham Ứng thuộc cặp cửa khẩu Lý Vạn – Thạc Long; đấu nối giao thông tại lối mở Nà Đoỏng – Nà Ráy. Tỉnh cũng bố trí 150 tỷ đồng để triển khai thực hiện Dự án Cầu đường bộ II Tà Lùng – Thủy Khẩu. Ngoài ra, Cao Bằng đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực về quản lý lao động qua biên giới, du lịch nông nghiệp, giáo dục, y tế…
Đối với việc thực hiện công tác bảo vệ di sản văn hóa UNESCO, sau hơn 2 năm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đi vào hoạt động, tỉnh Cao Bằng đã triển khai tốt công tác xây dựng, phát triển và quản lý ba tuyến du lịch Công viên địa chất; thực hiện hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, in ấn, xuất bản tài liệu tuyên truyền quảng bá về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác giáo dục về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO trong trường học. Bên cạnh đó, Cao Bằng tích cực tham gia các hoạt động của Mạng lưới Công viên toàn cầu UNESCO và Hợp tác quốc tế với Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO…
Để thực hiện tốt công tác đối ngoại, công tác di sản văn hóa UNESCO, tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương có cơ chế cho Cao Bằng sử dụng nguồn ngân sách thu được tại các cửa khẩu của tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh; xem xét cân đối ngân sách, bố trí vốn cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu du lịch thác Bản Giốc theo quy hoạch được phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị hỗ trợ quảng bá, giới thiệu địa phương, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đến các nước, khu vực trên thế giới…
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đánh giá cao hoạt động đối ngoại, công tác quản bá, bảo vệ di sản văn hóa và UNESCO trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác đối ngoại; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Tỉnh cần tiếp tục coi trọng, tăng cường cơ chế hợp tác, phối hợp đã có giữa các cơ quan đảng, chính quyền và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc; tập trung đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng vào khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của tỉnh.
Cao Bằng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong triển khai Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc; sớm thí điểm đưa khách du lịch qua lại khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc). Cùng với đó, tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng, phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng theo khuyến nghị của UNESCO và các nhiệm vụ xây dựng, phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng năm 2020…
Nguồn: Báo Tin tức