Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 13 khóa XII của Đảng bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, đồng chí PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ đã có bài viết riêng cho Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.
1. Vượt khó khăn, thử thách, phục hồi và phát triển KT-XH
1.1. Ngăn chặn dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai
Năm 2019 là năm đất nước ta và cả thế giới gặp nhiều khó khăn, thử thách to lớn, nhất là sự xuất hiện và bùng phát dữ dội của đại dịch Covid-19. Đến tuần đầu tháng 10 năm 2020, đã có gần 36 triệu người trên toàn cầu nhiễm bệnh, hơn 1 triệu người đã tử vong. Đại dịch đã đẩy kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng về y tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội và tác động đến trật tự kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu. Hầu hết các nền kinh tế lớn, các nước trong khu vực tăng trưởng âm rất sâu. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng; các đợt dịch COVID-19xuất hiện hai đợt ở một số địa phương (từ tháng 1 đến tháng 4 và tháng 7 đến tháng 8) đã tác động tiêu cực đến tình hình KT-XH đất nước. Nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, vận tải, hàng không, du lịch… Hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là lũ lụt, sạt lở, giông lốc ở các tỉnh miền núi phía Bắc; nắng nóng, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống.
Trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước về phía trước. Cả nước đồng lòng, chung sức thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm thực hiện cho được “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển KTXH, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Các lực lượng tuyến đầu chống dịch nhanh chóng vào trận: y tế, quân đội, công an, ngoại giao và các địa phương nắm chắc phương châm “4 tại chỗ”, tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch ở mức cao hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Xây dựng các kịch bản ứng phó, xử lý linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả các tình huống phát sinh; kiên trì cách ly tập trung, cách ly linh hoạt, kiểm soát dịch xâm nhập qua các tuyến biên giới, khoanh vùng dập dịch triệt để và áp dụng biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt ở phạm vi, quy mô phù hợp. Đẩy nhanh sản xuất thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời; chủ động hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong phòng, chống dịch. Chúng ta đã đón gần 40 nghìn công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước an toàn; thực hiện sớm các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân mất việc hoặc thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu; triển khai kịp thời các giải pháp về tài khóa, tiền tệ, tín dụng, an sinh xã hội.
1.2. Phục hồi và phát triển kinh tế; giữ vừng quốc phòng-an ninh
Chính phủ tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 03 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh. Phát huy tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 36, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đẩy mạnh hợp tác quốc tế bằng các phương thức phù hợp trong bối cảnh đối phó với dịch bệnh rất cam go; hỗ trợ tài chính, vật tư y tế cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế; tiến hành 32 cuộc điện đàm với nguyên thủ quốc gia các nước; góp phần xây dựng hình ảnh và ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Phát động phong trào thi đua, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm, kỷ luật và lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp, nhất là trong phòng, chống dịch của chế độ ta.
Nhờ các nỗ lực và giải pháp quyết liệt, đúng đắn, sáng tạo, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KT-XH. Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thế giới suy thoái nghiêm trọng. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 2,12%; cả năm ước đạt 2 đến 3%; Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là nước duy nhất tăng trưởng dương ở khu vực Đông Nam Á, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh. Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay, đến cuối năm có thể cán mốc lịch sử 95 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,85%, ước cả năm tăng 3,5 đến 3,9% (mục tiêu là dưới 4%). Bảo đảm cân đối NSNN cho phòng chống dịch bệnh, thiên tai và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác; bội chi NSNN cả năm ước khoảng 5% GDP, nợ công khoảng 57,4% GDP, nợ chính phủ khoảng 51,2% GDP. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn; tăng trưởng nông nghiệp cả năm ước đạt 2,6% (năm 2019 tăng 2,01%); tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 41 tỷ USD (năm 2019 đạt 40,5 tỷ USD). Cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách rõ nét, thực chất và hiệu quả. Năm 2020, nước ta đã triển khai xây dựng 12 nhà máy chế biến quy mô lớn, hiện đại với tổng vốn đầu tư ngoài nhà nước đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng. Xây dựng nông thôn mới và đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đạt kết quả tốt.
Sản xuất công nghiệp dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 2,5%. Cơ cấu nội ngành và giữa các ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, trong đó có các ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, dược, vật tư y tế, chế biến thực phẩm, hóa chất, chế biến gỗ… An ninh năng lượng được đảm bảo; phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo. Vai trò của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là khu vực kinh tế tư nhân được phát huy, làm một động lực tăng trưởng quan trọng của toàn ngành công nghiệp. Xuất khẩu tăng, xuất siêu 9 tháng đạt 17 tỷ USD, mức cao nhất trong 10 năm qua, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, khu vực trong nước xuất khẩu tăng hơn 20%. Giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt; huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh. Vốn đầu tư từ NSNN thực hiện 9 tháng đạt 60%, cao nhất trong những năm gần đây. Công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện nhiều dự án giao thông trọng yếu được đẩy mạnh. Vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 4,8%, đạt 34,7% GDP; trong đó, vốn đầu tư của khu vực nhà nước tăng 13,4%, khu vực ngoài nhà nước tăng 2,8%. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng với tổng số vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần đạt 21,2 tỷ đô la. Nhiều tập đoàn công nghiệp, năng lượng và công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.
Cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Rà soát, xử lý những bất cập trong các quy định pháp luật, ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần nghị quyết Trung ương.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng nhanh với bối cảnh dịch bệnh. Chúng ta đã nuôi cấy và phân lập thành công Virut SARS-CoV-2 và đã sản xuất được máy thở, bộ KIT, sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam duy trì xếp hạng cao, năm 2020 xếp thứ 42/131 Quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 nền kinh tế cùng mức thu nhập.
Chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được nâng lên. Bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và khai giảng năm học mới. Khoảng 1,5 triệu lao động có việc làm trở lại trong 9 tháng. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo được chú trọng, số lượt hộ thiếu đói giảm hơn 75%. Công tác dân tộc, tôn giáo, người cao tuổi, bình đẳng giới, chăm sóc và bảo vệ trẻ em và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, thông tin truyền thông có nhiều khởi sắc.
Công tác bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và quản lý tài nguyên ngày càng tiến bộ. Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai được triển khai tích cực, nhất là chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành chú trọng; số vụ khiếu kiện đông người giảm hẳn.
Chủ động, kiên quyết, kiên trì, bản lĩnh, tài trí trong đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an toàn thông tin, an ninh mạng. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
Đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đảm nhiệm thành công các trọng trách tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là vai trò Chủ tịch ASEAN 36 và Chủ tịch AIPA 41, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh; tích cực triển khai Hiệp định CPTPP; tạo bước mới, thực chất hơn với việc phê chuẩn các Hiệp định EVFTA và EVIPA, mở ra cơ hội lớn đối với thị trường EU.
2. Chặng cuối năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021
Trong thời gian còn lại của năm 2020 và năm 2021, các cấp, các ngành cần tiếp tục chủ động đổi mới cách làm, nâng cao năng lực, tranh thủ thời cơ, quyết liệt hành động, phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” đã đề ra theo các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.
2.1. Mục tiêu tổng quát của nước ta năm 2021
Tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh; phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm. Phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết nghiêm minh khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
2.2. Mười hai chỉ tiêu chủ yếu
Để thực hiện mục tiêu tổng quát nêu trên, theo Báo cáo của Chính phủ trình Trung ương và Quốc hội dự kiến có 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển KTXH năm 2021; trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6 đến 6,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 5%; sản lượng lương thực đạt khoảng 43 triệu tấn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 đến 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 đến 1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%…
2.3. Mười nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
2.3.1 Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phục hồi, phát triển KTXH, vừa sẵn sàng phòng chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng.
2.3.2. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng gắn với thực thi nghiêm túc pháp luật; rà soát các chính sách, quy định, khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô; thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ mở rộng, phù hợp để vừa kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các ngành, lĩnh vực trọng yếu, thúc đẩy tăng trưởng; vừa bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA.
2.3.3. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu, khả năng thích ứng của nền kinh tế dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và cả đầu tư của khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thúc đẩy phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết, bảo đảm hiệu quả và an ninh lương thực vững chắc.
Tập trung cơ cấu lại và phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ.
2.3.4. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng KTXH trọng điểm; thực hiện tốt Luật Quy hoạch, nâng cao hiệu quả liên kết vùng, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 33,8% GDP. Phát huy nội lực của nền kinh tế, đồng thời thu hút có chọn lọc các nguồn lực từ bên ngoài, tận dụng hiệu quả cơ hội, thu hút mạnh mẽ các luồng vốn FDI dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng.
2.3.5. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KTXH. Thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Phát triển mạnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến. Hoàn thiện khung khổ pháp lý và triển khai hiệu quả các chương trình, đề án phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
2.3.6. Bảo đảm tốt an sinh xã hội, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, thanh niên, bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ, trẻ em; phát triển mạnh thể dục, thể thao và tăng cường phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.
2.3.7. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Phòng, chống có hiệu quả thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở các địa bàn trọng yếu, nhất là tại miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
2.3.8. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết tốt hơn khiếu nại, tố cáo.
2.3.9. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước. Theo dõi, nắm chắc tình hình, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống phức tạp trên biển. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trên các tuyến biên giới, biển đảo, địa bàn chiến lược, trọng điểm. Đẩy mạnh phòng chống, trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Chủ động thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, ASEAN, các đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Nâng tầm đối ngoại đa phương; tham gia tích cực chủ động, có trách nhiệm trên các diễn đàn quốc tế, khu vực. Tiếp tục đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và phát huy tốt vai trò tích cực, đi đầu trong ASEAN.
2.3.10 Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác báo chí, truyền thông, công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Thông tin tuyên truyền đúng, kịp thời, sắc bén về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn, các nhiệm vụ quan trọng, nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10. Cổ vũ, nêu gương, góp phần nhân rộng gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh. Phản bác kịp thời, hiệu quả các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, thông tin xấu độc, xử lý nghiêm các vi phạm. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2021 và nhiệm kỳ 2021 – 2026 theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ
Nguồn: Cánh cò