Từ một tài liệu là băng ghi âm gửi Tổng LĐLĐVN, ông Lê Vinh Danh đã không đặt lòng tin vào mục tiêu và định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy, trong vai trò là một đảng viên, là Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông Lê Vinh Danh đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Suy thoái về tư tưởng chính trị
Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII ban hành ngày 30.10.2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu cụ thể 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
9 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị được Nghị quyết 04 chỉ ra, trong đó có: Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái; nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong quá trình làm rõ những sai phạm của lãnh đạo, thường trực Đảng uỷ trường Tôn Đức Thắng và cá nhân ông Lê Vinh Danh trong vai trò Bí thư Đảng uỷ, từ phản ánh của một cán bộ của trường cùng băng ghi âm gửi Tổng LĐLĐVN cuộc nói chuyện với ông Lê Vinh Danh, đã cho thấy điều đó. Tại cuộc nói chuyện này, khi nghe người cán bộ bày tỏ nguyện vọng làm nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế – chính trị, ông Lê Vinh Danh đã bộc lộ sự thiếu lòng tin vào định hướng của Đảng.
Xin trích ra đây một phần cuộc nói chuyện, là giọng của ông Lê Vinh Danh (đã được cơ quan có thẩm quyền giám định): “…Chứ còn chủ nghĩa xã hội theo kiểu của Việt Nam mình không có thật trong cuộc sống thì nghiên cứu cái gì về đó”… Trong đoạn đối thoại, ông Lê Vinh Danh nhắc đi nhắc lại về việc “niềm tin nội tâm” cho rằng “chủ nghĩa xã hội theo kiểu của Việt Nam mình không có thật”.
Có thể nhận thấy sự “tự diễn biến” của ông Lê Vinh Danh là sự thay đổi về nhận thức chính trị- xã hội, thay đổi về quan điểm, tư tưởng, hành động xa rời, thậm chí đi ngược lại chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm tư tưởng của Đảng.
Ông Lê Vinh Danh là hiệu trưởng một trường đại học, là Bí thư Đảng uỷ mà trong tư tưởng không tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự tồn tại, phát triển của chế độ xã hội chủ nghĩa thì định hướng đào tạo, nghiên cứu cho sinh viên và cán bộ, đảng viên như thế nào? “Tự diễn biến” của cá nhân có thể dẫn đến sự thay đổi của tập thể, tổ chức và “tự diễn biến” sẽ dần thành “tự chuyển hoá” nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Vi phạm các quy định của Đảng
Qua tìm hiểu các tài liệu, có thể nhận thấy, ông Lê Vinh Danh trong vai trò là Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng đã có những vi phạm trong việc xây dựng và thực hiện các quy chế của Đảng uỷ trường, Hội đồng trường theo b,c khoản 1 điều 7: “…thiếu trách nhiệm trong đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ”, “… không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng”, điểm a, đ điều 8: “… thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và Nhà nước” theo quy định 102- QĐ/TW ngày 15.11.2017 của Bộ Chính trị.
Cụ thể, ông Lê Vinh Danh đã xây dựng, ban hành quy chế làm việc nhiệm kỳ 2015-2020 không bám sát các quy định số 97-QĐ/TW ngày 22.3.2004 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp; ban hành quy chế làm việc của Ban kiểm tra Đảng uỷ trường nhưng không thông qua tập thể Đảng uỷ. Thậm chí còn sửa cả nghị quyết theo ý mình, không đúng nội dung diễn biến của cuộc họp như các số báo trước đã đưa tin. Ngoài ra, ông Lê Vinh Danh trong vai trò là lãnh đạo nhà trường đã ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường Tôn Đức Thắng nhưng không quy định chế độ làm việc của Ban giám hiệu, không quy định quan hệ giữa trường với cơ quan chủ quản với cơ quan cấp trên cũng như các đơn vị trực thuộc. Năm 2019, ông Lê Vinh Danh ban hành Nghị quyết mời Đoàn Chủ tịch và các trưởng ban chuyên đề của Tổng LĐLĐVN đến đối thoại với toàn thể đảng viên, cán bộ, giáo viên và toàn bộ sinh viên của trường mà không rõ vấn đề và nội dung đối thoại và yêu cầu “lãnh đạo đảng viên đoàn kết, đấu tranh đến cùng” có dấu hiệu lôi kéo, kích động gây sức ép với Tổng LĐLĐVN và phản đối chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.
Với nhiều sai phạm, ông Lê Vinh Danh đã phải nhận hình thức kỷ luật “Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng” từ Ban Thường vụ Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TPHCM. Ngoài ra, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TPHCM cũng kết luận: Kỷ luật bằng hình thức “Khiển trách” đối với một số cán bộ, lãnh đạo TDTU.
Còn nhiều dấu hỏi cần làm rõ
Trong đơn xin lỗi và rút đơn tố cáo, ông Nguyễn Ngọc Sơn (người trước đây viết nhiều đơn thư tố cáo Tổng LĐLĐVN và lãnh đạo Tổng LĐLĐVN gửi lãnh đạo Đảng nhà nước và các cơ quan Trung ương) đã viết “… trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2019 nhiều giảng viên, viên chức của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã bị kêu gọi, kích động để thực hiện việc gửi đơn thư đến các cơ quan Đảng, nhà nước Trung ương để phản ánh một số nội dung, đặc biệt liên quan đến Tổng LĐLĐVN và cá nhân đồng chí Chủ tịch Tổng LĐLĐVN”, “tôi được biết một số thông tin và khẳng định thông tin đó không chính xác”, thậm chí “tố cáo theo một nội dung chưa từng xảy ra, chưa từng được biết đến”, “là sự vu khống”, “ Ngoài ra hiện nay, cá nhân thầy Danh, cô Huyền vẫn tiếp tục có những kế hoạch đưa thông tin dưới nhiều hình thức về Tổng LĐLĐVN và về cá nhân các đồng chí nguyên hoặc/và đang là lãnh đạo Tổng LĐLĐVN”, “các giảng viên, viên chức nếu có ký đơn cũng bị ép buộc hoặc lôi kéo hoặc bị đưa thông tin không chính xác”. Phải chăng Phạm Đình Quý bị bắt về tội vu khống cũng là sản phẩm của quá trình này? Rất cần cơ quan chức năng làm rõ sự thật.
Thêm vào đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam, chức danh giáo sư phải do hội đồng giáo sư nhà nước phong, trong khi đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tự phong chức giáo sư cho giảng viên, viên chức của nhà trường. Chưa hết, gần đây, Báo Thanh Niên đã có bài viết về xếp hạng quốc tế của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, song thực chất các giáo sư viết bài ghi danh trường phần lớn ở ngoài trường, không dạy tại trường, vậy xếp hạng đó có thực chất không? Phải chăng để đánh bóng tên tuổi?
Thiết nghĩ môi trường giáo dục thì sự liêm chính của thầy cô giáo là cực kỳ quan trọng, là tấm gương để sinh viên noi theo, tiếc thay như lời ông Nguyễn Ngọc Sơn nêu trên (“vu khống”, “đưa thông tin không chính xác” ngụy tạo, nói sai sự thật, “ép buộc, lôi kéo giáo viên, viên chức nhà trường” làm những việc không đúng) thì quả thật nhân cách một người thầy, một hiệu trưởng trường đại học, một Bí thư Đảng uỷ cần phải được cơ quan chức năng xem xét, làm rõ.
Nhóm PV (Báo Lao động)
Nguồn: Đấu trường Dân chủ