Tối 9/10, tại Chùa Trấn Quốc, Hà Nội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Lễ hội Hoa đăng quảng chiếu cầu nguyện quốc thái, dân an, nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long, Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, nhưng đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam luôn chung sức chung lòng, dựng nước và giữ nước, giữ gìn hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong suốt thời gian ấy, Thăng Long – Hà Nội vẫn là cái nôi, là trung tâm Phật giáo của cả nước, là trung tâm của Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam.
Qua gần 40 năm hoạt động, Phật giáo Việt Nam ngày nay đã định vị vững vàng trong lòng dân tộc, góp phần xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, củng cố hòa bình thế giới để chúng sinh an lạc.
Lễ hội Hoa đăng quảng chiếu nhằm mục đích nêu cao truyền thống uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ tiền nhân đã có công xây dựng đất nước, Thủ đô Thăng Long – Hà Nội văn hiến và cầu nguyện nhân dân no ấm, giàu mạnh, an lạc, Quốc gia thịnh trị phú cường, thế giới hòa bình”.
“Chúng ta càng tự hào bao nhiêu, lại càng cần có trách nhiệm bấy nhiêu để phát huy tinh thần của người Việt Nam, Phật giáo Việt Nam trong việc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết.
Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội Phạm Tiến Dũng khẳng định: Phật giáo Thăng Long đã đưa Phật giáo Việt Nam đến đỉnh cao chủ nghĩa yêu nước chân chính. Những giá trị tốt đẹp của giáo lý Phật giáo đã thấm nhuần trong đời sống đông đảo người Việt Nam, góp phần hun đúc nên những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.
Tư tưởng Phật giáo đã củng cố hơn nữa truyền thống vị tha, nhân bản, bác ái của người Việt Nam. Mái chùa che chở hồn dân tộc, là nơi dung hợp giữa Phật giáo với Nho giáo, Đạo Giáo và các hình thức tín ngưỡng dân gian trong xu thế “hòa nhi bất đồng”. Chính điều này khiến đạo Phật ở Việt Nam trở thành điển hình của tính khoan dung tôn giáo và tư tưởng.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, trong lễ hội, tại các ngôi chùa ở Thăng Long – Hà Nội, tín ngưỡng Phật giáo luôn hòa đồng với các hình thức tín ngưỡng và truyền thống văn hóa dân gian như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng nông nghiệp, đề cao truyền thống đánh giặc cứu nước, tinh thần thể thao, truyền thống văn hóa và tinh thần hòa hiếu, đoàn kết. Ngày nay, Phật giáo Thủ đô luôn phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc, phục vụ nhân dân với tinh thần “Phục vụ chúng sinh tức là cúng dàng chư Phật”.
Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội Phạm Tiến Dũng cho rằng, từ khi được thành lập (năm 1981) đến nay, công tác hoằng dương Phật pháp, bài trừ mê tín hủ tục và các tệ nạn xã hội ngày càng được đẩy mạnh. Phật đản Phật lịch 2564 – dương lịch 2020 năm nay đúng vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới. Nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục, trong đó có tôn giáo bị trì hoãn, đình trệ. Nhưng khó khăn cũng là lúc yêu thương được lan tỏa, nghĩa cử và trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, đất nước và thế giới được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.
Lễ hội Hoa đăng quảng chiếu cầu nguyện quốc thái dân an có ý nghĩa rất lớn, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp trong giáo lý của Đức Phật, truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, để Thăng Long – Hà Nội mãi mãi là Thủ đô của văn hiến và hòa bình.
Nguồn: Báo Tin tức