Dù ngày càng có nhiều loại cà phê được bán trên thị trường ở Malaysia, song loại cà phê được chế biến theo phương pháp cổ xưa từ cách đây khoảng 9 thập kỷ vẫn được ưa chuộng tại quốc gia Đông Nam Á này.
Xưởng Antong được cho là cơ sở chế biến cà phê lâu đời nhất ở Malaysia và hiện vẫn sản xuất cà phê bằng phương pháp gia truyền.
Thian Boon Chung, chủ xưởng chế biến cà phê trên tại thị trấn Taiping ở Malaysia, cho biết ông muốn những thế hệ sau này biết được các cơ sở chế biến cà phê của thời điểm cách đây 50 năm hay 100 năm như thế nào, và muốn họ được thưởng thức loại cà phê được chế biến theo phương pháp cổ xưa.
Xưởng Antong được người ông của Thian Boon Chung và 2 người khác xây dựng vào năm 1933. Đây là xưởng chế biến cà phê được dựng lên bằng gỗ có mái nhà bằng kẽm. Trong xưởng có máy rang cà phê, tách vỏ và trộn chúng với đường. Thậm chí, xưởng chế biến cà phê nhỏ này vẫn sử dụng những máy móc hoạt động từ khi được xây dựng, dù động cơ cũ đã được thay thế. Nhân viên của xưởng này còn tận dụng củi gỗ thừa từ các công trình xây dựng và những căn nhà bỏ hoang để rang cà phê nhằm tạo ra hương vị khói đặc trưng.
Thian Boon Chung cho rằng cà phê rang củi có mùi vị hấp dẫn hơn các phương pháp chế biến khác. Sau khi rang, tách vỏ, và đổ vào một nồi đường nóng chảy, cà phê được sấy khô và nghiền thành bột trước khi được đóng gói và bán cho các nhà hàng và nhiều khách hàng khác.
Xưởng rang xay cà phê Antong có thể sản xuất lên đến 2 tấn cà phê thành phẩm mỗi ngày, với nguồn cung một nửa là cà phê Malaysia, số còn lại là nhập khẩu. Loại cà phê có đường được chế biến tại xưởng Antong đã nổi tiếng từ lâu tại Malaysia, nơi có nhiều người thích cà phê ngọt, và thường được phục vụ tại các nhà hàng.
Nguồn: Báo Tin tức