Thôn Hoàng Giáp nay là thôn Hoàng Dương, xã An Lâm, huyện Nam Sách (Hải Dương), từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm tò he tồn tại qua nhiều thế hệ.
Trước đây, người dân làm tò he quanh năm và đây cũng là nghề cho thu nhập chính của bà con. Những năm cao điểm, làng có trên 300 hộ gia đình làm nghề. Những con tò he được các gia đình đưa đi bán ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do quy trình làm tò he phải trải qua nhiều công đoạn từ ngâm gạo, giã bột, sàng, đồ, nặn, hấp… rất vất vả mà thu nhập không cao so với những ngành nghề khác, vì vậy người dân trong làng đã dần bỏ nghề, chuyển sang làm các nghề khác cho thu nhập cao hơn. Hiện cả thôn chỉ còn khoảng 20 hộ giữ được nghề này. Không những thế, những gia đình làm nghề chỉ làm để phục vụ trong dịp Tết Trung thu, còn những tháng khác hầu như không làm. Nghề làm tò he đang đứng trước nguy cơ mai một nếu không được bảo tồn và gìn giữ.
Ông Nguyễn Văn Cường, ở thôn Hoàng Dương, xã An Lâm, huyện Nam Sách, đã có nhiều đời theo nghề làm tò he. Với tình yêu ngành nghề truyền thống của dân tộc và những con tò he, gia đình ông đang cố gắng giữ nghề tuy chỉ là nguồn thu nhập thời vụ.
Ông Cường cho biết: Tò he là một món đồ chơi dân gian được nhiều em nhỏ yêu thích mỗi dịp Tết Trung thu. Quá trình làm ra những con tò he khá phức tạp và đòi hỏi nhiều công đoạn. Quan trọng nhất là khâu chọn gạo, gạo được chọn phải ngon, trắng sạch thì bột mới dẻo và đáp ứng tiêu chuẩn khi nặn ra những con tò he.
Gạo sau khi được ngâm trong 8 giờ, để khô rồi đưa vào cối giã. Vì yêu cầu độ mịn của bột, toàn bộ quy trình giã bột đều phải làm thủ công. Bột giã được sàng lọc cẩn thận, lấy bột mịn nhất sau đó cho lên bếp đồ như hấp xôi.
Trong quá trình đồ bột, người thợ phải thường xuyên theo dõi để nước, lửa và hơi phù hợp không để hỏng bột. Bột sau khi đồ được phối hợp với các phẩm màu tự nhiên để có màu sắc đẹp nhất khi đưa ra nặn tò he.
Khi nặn tò he, người nghệ nhân phải có bàn tay khéo léo, lấy bột vừa đủ để có những chú tò he vừa phải, không quá dày hoặc quá mỏng. Mỗi con tò he được nặn ra thể hiện tình yêu và tâm huyết của người thợ trong từng sản phẩm, tạo sự độc đáo riêng của mỗi con vật.
Tò he sau khi được nặn, người thợ tiếp tục cho lên hấp chín để giữ được màu sắc tự nhiên và lưu giữ được 1 năm. Những công đoạn này làm không đúng và đủ sẽ làm con tò he bị khô, nứt và gẫy rụng khi các cháu chơi.
Ông Phạm Văn Năm, người đã gắn bó với nghề được truyền qua nhiều đời chia sẻ: “Khi vào vụ, tôi phải huy động cả gia đình tham gia các công đoạn khác nhau mới cho ra những con tò he đẹp nhất. Tuy nhiên, hiện nay, làm tò he bán không được bao nhiêu trong khi công sức bỏ ra quá vất vả. Mỗi con tò he bán được 5 – 10 nghìn đồng, một ngày cả gia đình làm từ sáng đến tối mới được hơn 100 con. Chính vì muốn lưu giữ nghề của cha ông để lại, đồng thời mong muốn đem lại niềm vui cho trẻ em vào mỗi dịp Trung thu nên tôi vẫn tiếp tục làm”.
Ông Phạm Văn Nên, người trực tiếp làm tò he lại là cán bộ xã An Lâm, nhiều năm trăn trở với việc bảo tồn và gìn giữ nghề, cho biết: Chính quyền địa phương cũng đã đưa vào kế hoạch và xây dựng sơ đồ các hộ làm nghề trong toàn thôn; đồng thời đã nhiều năm đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm để bảo tồn nghề làm tò he. Tuy nhiên, để duy trì nghề truyền thống này đòi hỏi nhiều yếu tố như thời gian duy trì nghề, số hộ làm nghề, công tác bảo tồn và đào tạo các thế hệ kế cận… Nguồn kinh phí không có, trong khi đó lực lượng lao động làm nghề này ngày một ít, chủ yếu là thế hệ trung niên trở về trước, còn thế hệ trẻ hầu như không thiết tha với nghề nữa vì thu nhập thấp và rất vất vả.
Chính quyền cũng như các cơ quan chức năng trong xã cũng thường xuyên tạo điều kiện, động viên các gia đình cùng tham gia bảo tồn và gìn giữ nghề. Để nghề làm tò he được gìn giữ và phát triển cần sự chung tay của các cấp chính quyền, xây dựng kế hoạch cụ thể và có nguồn kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ kế cận trong nghề.
Có như vậy, làng nghề tò he đã tồn tại hàng trăm năm tại đây mới được bảo tồn và phát huy, tạo ra những con tò he đẹp nhất cho các thế hệ mai sau.
Nguồn: Báo Tin tức