Tháng 9-2020, Tòa án nhân dân tại Việt Nam đã tổ chức hai phiên tòa thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước, đó là phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 bị cáo trong vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra ở xã Đồng Tâm (Hà Nội), phiên tòa sơ thẩm xét xử 20 bị cáo trong vụ án liên quan tổ chức khủng bố “triều Đại Việt” với tội danh khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ.
Diễn biến hai phiên tòa cho thấy các bị cáo đều thành khẩn thú nhận tội lỗi, tỏ ra ăn năn, hối hận và đó là cơ sở để bản án dành cho các bị cáo vừa bảo đảm sự nghiêm minh, vừa thể hiện tính nhân văn, lượng khoan hồng của cơ quan đại diện cho quyền tư pháp.
Trò hề của làng đấu tranh dân chủ về ‘Báo cáo Đồng Tâm’
Nhưng trước sự thật đã quá rõ ràng đó, vẫn có một số người tảng lờ sự hy sinh của ba chiến sĩ công an, tảng lờ việc một số người ở Đồng Tâm chuẩn bị vũ khí để chống người thi hành công vụ, tảng lờ cả tuyên bố hung hăng “nếu không diệt từ 300 đến 500 thằng sẽ không nhìn thấy đồng bào cả nước”, tảng lờ tài sản của Nhà nước bị phá hoại,… mà qua mạng xã hội và một số địa chỉ truyền thông nước ngoài họ đưa ra đủ thứ “lý lẽ” kỳ quặc để biện hộ cho người phạm tội. Gần đây nhất, sau khi phiên tòa xét xử 20 bị cáo trong vụ án liên quan tổ chức khủng bố “triều Đại Việt” kết thúc, một vị luật sư bào chữa miễn phí cho hai trong số 20 bị cáo, nói với BBC “các bị cáo hành động như vậy vì mục đích cá nhân, do họ nhận được tiền gửi về chứ không vì mục đích chống phá hay khủng bố. Họ cũng làm theo yêu cầu một cách miễn cưỡng. Cụ thể là khi chế tạo và đặt bom, nhóm này đã cố gắng làm giảm thiểu rủi ro tối đa mức độ nguy hiểm. Không có thiệt hại về người”! Nói như vậy quả là kỳ quặc, bởi vụ nổ bom không gây thiệt hại về người là hoàn toàn ngoài ý muốn của những kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố “triều Đại Việt” và tòng phạm. Thêm nữa, chắc chắn trên thế giới này không có tòa án nào lại chấp nhận thứ “lý lẽ” cho rằng thủ phạm “miễn cưỡng” nhận tiền để mua vật liệu chế tạo bom, đặt bom, cho nổ bom tại trụ sở cơ quan công quyền! Và vì “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” là một tội hết sức nguy hiểm nên theo khoản 5 Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015, người chỉ chuẩn bị phạm tội này cũng đã có thể bị phạt tù từ một năm đến 5 năm.
Trong bối cảnh đó, việc ngày 25-9-2020, 64 dân biểu ở Quốc hội châu Âu ký bức thư gửi các ông Cao ủy Thương mại của Liên hiệp châu Âu (EU), Đại diện cấp cao phụ trách an ninh, chính sách đối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề nghị “EU có những biện pháp gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền” là điều rất không bình thường. Vì trong thỉnh nguyện thư này, 64 vị dân biểu đã có nhận định rất sai sự thật khi cho rằng người dân Đồng Tâm phải chịu “bạo lực, tra tấn hoặc bị đối xử tàn tệ, các phiên tòa diễn ra nhanh chóng không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về công bằng và độc lập”! Nhận định đó cho thấy có hai khả năng: hoặc 64 vị dân biểu nắm bắt thông tin không đầy đủ nên nhận định không khách quan, hoặc là họ cố tình xuyên tạc sự thật để vu cáo Việt Nam, qua đó cản trở quan hệ đang diễn ra tốt đẹp giữa EU và Việt Nam? Và khả năng nào thì cũng rất đáng trách, đơn giản vì, dù nhân danh bất cứ vai trò xã hội nào cũng không thể biện hộ cho tội phạm giết người và khủng bố!
Tư Nguyên (TN)
Nguồn: Đấu trường Dân chủ