“Khen ai khéo vẽ cái đèn cù
Ngựa giấy voi giấy tít mù nó lại vòng quanh”
Câu ca về chiếc đèn cù (còn gọi là đèn kéo quân) – đồ chơi dân gian truyền thống đã từng gắn bó trong những dịp Tết Trung thu của nhiều thế hệ trẻ thơ. Đến ngày nay, chiếc đèn kéo quân vẫn là món đồ chơi yêu thích của nhiều trẻ em ở thành thị, cũng như ở nhiều vùng, miền khác nhau trên cả nước.
Chiếc đèn của lòng hiếu thảo
Gặp Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, khi ông đang bận rộn giới thiệu và hướng dẫn các bạn trẻ làm đèn kéo quân. Ở tuổi 82, nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Bàn tay ông vẫn thoăn thoắt cắt, cắt, dán dán… dưới bàn tay lành nghề của ông, chiếc đèn quân từng bước được hoàn thiện trong sự trầm trồ, thán phục của các bạn trẻ.
Nói về sự ra đời của chiếc đèn kéo quân, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền kể, khi ông còn nhỏ, cứ đến dịp Tết Trung thu, các cụ trong nhà lại làm đèn cho con cháu chơi. Vừa làm vừa hướng dẫn con cháu học làm theo, các cụ vừa nhân nha kể chuyện sự tích chiếc đèn kéo quân. Chuyện kể rằng, thời xa xưa, ông Lục Thức là một người con có hiếu, mồ côi cha từ nhỏ. Ông ở với mẹ già, vừa đi học, vừa phải đi làm kiếm sống. Thương mẹ già ốm yếu nằm ở nhà một mình cô quạnh, ông Lục Thức nghĩ đến việc làm ra cái đèn có gắn các con vật, đốt nến bên trong cho các con vật quay xung quanh, như vậy trong nhà lúc nào cũng có rối bóng chạy, để mẹ ông đỡ buồn hơn. Khi chiếc đèn làm xong, mẹ ông vui lắm, trẻ con trong xóm thấy vậy cũng thường đến nhà ông ngắm đèn, nên nhà ông lúc nào cũng đông vui.
Một ngày nọ, nhà vua vi hành đi qua làng, thấy trong ngôi nhà tranh vách nát nhưng lại đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, nhà vua tò mò hỏi thăm người dân trong làng. Nghe dân làng kể về tấm gương hiếu thảo của ông Lục Thức, nhà vua vào xem và thấy cái đèn được làm rất tinh vi nên rất cảm động. Để ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của ông Lục Thức, nhà vua lệnh cho nhân dân từ nay trở đi, đến rằm tháng Tám, đến Tết Nguyên đán hay Tết Nguyên tiêu… nên làm đèn kéo quân để trưng bày và biểu dương tấm gương hiếu thảo của ông Lục Thức cho đời. Từ đó, nhân dân ta bắt đầu làm và chơi đèn kéo quân. Các ông bố, bà mẹ mỗi khi làm đèn kéo quân cho con cháu chơi, đều kể cho con cháu nghe sự tích của chiếc đèn kéo quân với mục đích giáo dục lòng hiếu thảo cho con cháu.
Nặng lòng giữ nghề truyền thống
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền cho biết, để làm hoàn thiện một chiếc đèn kéo quân phải trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều rất cầu kỳ, tỉ mỉ, đòi hỏi tính kiên nhẫn của người làm. Đầu tiên là phải chọn những cây tre già, vót cẩn thận, sau đó dựng khung, làm tán, bên trong chính giữa chiếc đèn có chiếc trục thẳng đứng, trên trục là chiếc chong chóng bằng giấy, một vòng tròn ở giữa đèn, trên vòng tròn dán hình các con vật bằng giấy, bên dưới có chỗ để cắm nến. Xung quanh đèn dán giấy nến (hoặc giấy bản). Để tạo thêm thẩm mỹ, bên ngoài chiếc đèn dán thêm những họa tiết trang trí nhỏ để chiếc đèn nhìn sinh động, bắt mắt hơn. Khi đốt nến (hoặc đèn) bên trong, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong khiến không khí giãn nở và tăng thể tích, đồng thời khối lượng riêng của khí giảm. Khí nóng nhẹ bay lên đẩy chóng chóng bên trên quay và các con vật dán trên vòng tròn cũng quay theo, qua ánh sáng của đèn nến và nhìn qua giấy dán bên ngoài đèn, sẽ thấy bóng các con vật (các quân) cứ nối đuôi nhau chạy thành vòng tròn nhìn rất vui mắt.
Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, trước đây, các cụ làm đèn kéo quân cho trẻ em ngoài mục đích như một món đồ chơi, còn mang ý nghĩa truyền dạy lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Chính vì thế, những hình dán lên các thân mặt đèn kéo quân thường có hình ảnh các đoàn quân lính, ngựa xe, hành quân, xung trận. Đó cũng là lý do mọi người gọi đó là đèn kéo quân. Sau này, các “quân” bên trong có thể là những con vật quen thuộc như trâu, bò, lợn, gà, voi, hổ… hay có thể là những quân lính, hoặc hình người theo chủ đề sỹ nông công thương, ngư tiều canh mục… Sau này, các hình vẽ được dán lên đèn phong phú hơn, như hình các bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, hình chú Tễu, chú Cuội, chị Hằng Nga… nhiều trẻ em sáng tạo, mua đèn về rồi xé bỏ những con vật có sẵn, tự cắt hình các nhân vật hoạt hình yêu thích như Đôrêmon, Pikachu… có em còn cắt hình thầy trò Đường Tăng như trong phim Tây Du ký… để dán lên.
Hơn 70 năm làm đèn kéo quân, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đã chứng kiến những thăng trầm của cây đèn dân gian này. Cách đây khoảng 60-70 năm, đèn kéo quân rất thịnh hành ở vùng nông thôn. Hầu như nhà nào Tết Trung thu cũng làm đèn kéo quân cho con cháu chơi. Gia đình ông cũng vậy, bố ông làm để cho con cháu trong nhà chơi, bạn bè ai thích thì làm cho, ai mua thì bán chứ không có thị trường mua bán như bây giờ. Một thời gian, khi đồ chơi ngoại tràn ngập, đèn kéo quân nói riêng, đồ chơi truyền thống nói chung mai một dần, ngày càng ít người chơi. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Quyền vẫn giữ nghề, thường xuyên làm đèn cho con cháu chơi và ai mua thì bán. Những năm gần đây, nhiều gia đình, trong đó có nhiều người trẻ bắt đầu tìm về và khuyến khích con cái chơi đồ chơi truyền thống, họ tìm mua đèn kéo quân cho con chơi, đưa con đến để xem ông làm đèn… khiến ông vui lắm.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chia sẻ, trước đây, làng ông có nhiều nhà làm đèn kéo quân lắm, nhưng đến nay cả làng bỏ nghề vì làm đèn kéo quân công thấp. Mấy năm nay, trong làng chỉ có mình ông làm. Ông bảo, một chiếc đèn kéo quân rất kỳ công và mất đến hơn 8 tiếng, bán buôn được 100.000 đồng, bán lẻ được khoảng 150.000 đồng, nên nghề làm đèn không phải nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình. Chỉ có ông vì yêu nghề nên vẫn tỉ mẩn làm đến ngày nay. Trong gia đình ông, con cháu nhìn và biết làm cả, nhưng không có ai muốn theo nghề, vì làm cầu kỳ mà công lại rất thấp.
Ghi nhận công lao của ông trong việc gìn giữ đồ chơi truyền thống, năm 2019, ông Nguyễn Văn Quyền vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình Tri thức dân gian. Đây là nguồn động viên để ông tiếp tục niềm đam mê đèn kéo quân, gìn giữ nét chơi dân gian truyền thống.
Mùa Trung thu năm nay, dịch COVID-19 khiến các nơi cũng hạn chế tổ chức các hoạt động trong dịp Tết Trung thu, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền cũng phải hủy bỏ nhiều hợp đồng làm trò chơi, hủy bỏ lịch tham gia các sự kiện đón Rằm Trung thu như mọi năm “Tầm này năm ngoái, ông đã bán trên 300 chiếc, năm nay đến giờ mới được vài chục chiếc, coi như không tính”, ông Nguyễn Văn Quyền nói.
Chia sẻ về mong ước của mình, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền cho biết, ông đã 82 tuổi, nên cũng không biết còn làm nghề được bao lâu nữa, mong muốn lớn nhất của ông bây giờ là các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội và giới truyền thông, các mạnh thường quân chung tay cùng các nghệ nhân có kế hoạch để gìn giữ, phát triển những đồ chơi dân gian truyền thống này. “Nếu để nó mai một thì rất đáng tiếc”, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền bày tỏ.
Nguồn: Báo Tin tức