Những ngày qua, cộng đồng mạng bức xúc và không ngần ngại dành những lời lẽ phê phán, chỉ trích thói “ăn cháo đá bát” của bệnh nhân 17 khi cô gái này được nhắc đến trên tờ tạp chí của Mỹ, trong bài viết chia sẻ về những “nỗi khổ” của 2 nhân vật này trong thời gian chữa bệnh tại Việt Nam.
Trong bài viết, The New Yorker đưa thông tin “bệnh nhân 17” đã bị tổn thương khi phải hứng chịu những sự chỉ trích, kỳ thị trên mạng xã hội. Bài báo cho rằng trường hợp của bệnh nhân 17 được công khai với dư luận khiến cô này nhận nhiều chỉ trích.
Bệnh nhân số 17
Chẳng có gì làm lạ khi trong hàng trăm bệnh nhân nhập cảnh về nước mà dư luận biết và nhắc đến nhiều nhất là bệnh nhân số 17. Và em Nhung có biết rằng, khi biết em mắc Covid 19 nhưng lại cố tình dấu để khiến cho cả xã hội đảo lộn, gần như cả Hà Nội đã không ngủ khi phát hiện ca bệnh 17 sau đêm 6/3, vì thời điểm đó, cả đoạn dài phố Trúc Bạch đã bị phong tỏa và Bệnh viện Hồng Ngọc cũng phải tạm dừng hoạt động, nhiều y, bác sỹ bị cách ly, đây cũng là lần đầu tiên người dân Hà Nội cảm thấy bất an vì nỗi lo Covid 19.
Sau đó tại cộng đồng là chuỗi ngày, lực lượng y tế các đơn vị trên địa bàn Hà Nội phải tập trung điều tra truy vết các trường hợp F1, F2, F3 theo lịch trình di chuyển dày đặc của bệnh nhân số 17, mà bệnh nhân ấy đã không khai báo ngay từ đầu. Cùng với đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc điều trị cũng khẩn trương và tận tâm cho bệnh nhân số 17 cùng như những người bị lây, điển hình là người bác từng nhiều lần nguy kịch. Sau đó, cả bệnh nhân số 17 và người bác đều đã khỏi bệnh, được xuất viện.
Lẽ thường tình, trước một thông tin gây sốc như vậy, cộng với việc số “anh hùng bàn phím” góp “gió thành bão” nên em Nhung (17) lại càng trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những ngày sau đó, chúng ta cảm nhận rõ sự bao dung của người dân Việt Nam khi có những thông cảm, chia sẻ với cô gái “ham chơi” còn non trẻ về nhận thức.
Thế nhưng, sau sự việc lần này thì chắc chẳng ai còn giữ được sự khoan dung đó nữa khi cô gái này đã đăng dòng trạng thái thể hiện rõ sự ích kỷ, vô ơn với chính quê hương đất nước, nơi đã cưu mang và cứu chữa cô. Nếu như còn ở Anh thì không biết những điều tội tệ nào có thể đến với cô gái trẻ này. Chắc vì Nhung sống ở trời Tây quá lâu, quen lối sống tự do buông thả và quên mất câu “uống nước nhớ nguồn”, sống vị kỷ cá nhân nên mới buông lời dại dột để tha hồ nhận gạch đá như vậy.
Liên quan đến việc tên tuổi và địa chỉ của cô gái nhanh chóng được lan truyền trong cộng đồng mạng thì chẳng có gì làm lạ. Vì như đã nêu trên, sau ngày 6/3 Hà Nội đã thực sự không ngủ yên, sự nổi tiếng đó của Nhung khiến cho dư luận từ lo lắng đến tò mò và thật chẳng khó khăn gì khi cả phố Trúc Bạch biết về trường hợp của bệnh nhân số 17, nên thông tin về Nhung đã sớm lan truyền.
Còn theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), bệnh nhân mắc Covid-19 số 17 được xác định là ca dương tính đầu tiên ở Hà Nội, phát hiện vào ngày 6/3/2020. Bệnh nhân có địa chỉ tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.
Trước đó, bệnh nhân số 17 đã đi tới nhiều quốc gia trong đó có Anh, Pháp, Italy, tuy nhiên khi về nước đã khai báo không trung thực. Đối với việc xác định tên tuổi, địa chỉ, lịch trình đi lại chi tiết của trường hợp bệnh nhân số 17, bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nêu rõ, việc này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các Nghị định, văn bản có liên quan.
Đồng thời, trong các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19 đều có yêu cầu phải truy vết từng trường hợp nhiễm bệnh để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch.
Thực hiện theo quy định của Luật, việc thông tin đối với các ca mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, lịch trình chi tiết để phục vụ cho việc truy vết, phòng chống lây nhiễm.
Với danh tính của các bệnh nhân, kể cả ca bệnh số 17 khi truyền tải ra, đăng tải trên báo chí đều được viết tắt, sau đó, đánh số bệnh nhân và sử dụng số này chứ không nêu tên.
Các hình ảnh của bệnh nhân nếu có cũng là hình minh hoạ hoặc che toàn bộ mặt để đảm bảo quyền nhân thân. Do đó, việc cho rằng quá trình phòng chống dịch, điều trị đã thông tin quá kỹ về danh tính, lịch trình kỹ quá làm lộ thông tin cá nhân là hiểu không đúng”.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cho hay, đối với địa chỉ, nơi đi, đến, ở của bệnh nhân cần phải thông tin chi tiết, để chính quyền địa phương có ngay biện pháp khoanh vùng, xử lý dịch và người dân xung quanh nắm được, có sự phối hợp trong phòng, chống dịch.
Đại diện CDC Hà Nội cũng đề nghị, các bệnh nhân cần có sự nhìn nhận khách quan, tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để thông tin, tránh suy nghĩ lệch lạc gây lo lắng, hoảng sợ cho những người khác.
Như vậy, điều quan trọng nhất là phải truyền tải thông tin chính xác. Điều này sẽ tránh cho sau này khi chẳng may có trường hợp khác cũng nhiễm bệnh nhưng đọc ý kiến không chính xác như bệnh nhân số 17 đưa ra lại sợ, hoang mang rồi giấu, không khai báo sẽ rất nguy hiểm.
Mã Phi Long
Nguồn: Bản tin Dân chủ