Trang chủ Chính trị Chân dung hai vị thị trưởng Hà Nội mà người dân vô...

Chân dung hai vị thị trưởng Hà Nội mà người dân vô cùng biết ơn

123
0

Bác sĩ Trần Văn Lai là thị trưởng Việt Nam đầu tiên của Hà Nội. Trước cụ là 49 viên thị trưởng người Pháp. Bác sĩ Lai là thị trưởng Hà Nội trong chính phủ Trần Trọng Kim nên chỉ làm 100 ngày. Cụ là trí thức, lại là nhà cách mạng chống Pháp, rất điềm đạm nhân hậu.

Chân dung hai vị thị trưởng Hà Nội mà người dân vô cùng biết ơn
Cụ sinh năm 1894 trong một gia đình làm nghề khảm trai có tiếng ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường Y Đông Dương, cụ làm việc tại Nhà thương Phủ Doãn. Sống trong ngõ Tức Mặc, gần ga Hàng Cỏ, cụ cũng lập phòng khám tư và hay khám, cho thuốc miễn phí cho dân nghèo. Cụ được bầu là Phó Hội trưởng Hội Tế sinh do bà Cả Mọc thành lập. Năm 1938 cụ được bầu vào Viện Dân biểu thời đó, nhưng cụ đã từ chối làm việc vì nhận ra đây chỉ là nghị viện bù nhìn. Cụ là đảng viên Đảng Xã hội Việt Nam và vì tham gia các hoạt động chống Pháp, cụ từng bị người Pháp bắt giam cuối năm 1943 tại nhà tù Hỏa Lò, rồi đày lên nhà tù Sơn La, đến đầu năm 1945 mới được thả. Tính ra cụ làm thị trưởng HN ngắn nhất, nhưng tên hàng loạt đường phố Hà Nội trở lại như xưa (như phố các loại Hàng như Hàng Bè, Hàng Bông, Hàng Than…) thay vì tên Pháp và tên các phố mang danh các vị anh hùng lịch sử dân tộc cũng là do cụ đặt.

Thị trưởng Hà Nội lâu nhất chính là bác sĩ Trần Duy Hưng, 23 năm tại vị. Ông sinh ra ở phố Hàng Bông Nhuộm và tốt nghiệp trường Y khoa Hà Nội cùng thời bác sĩ Tôn Thất Tùng. Ông thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung. Ông tích cực tham gia các phong trào xã hội và có uy tín trong giới thanh niên, nhân sĩ, trí thức thời đó. Ông là lãnh tụ của phong trào Hướng đạo sinh Bắc Kỳ dưới sự dẫn dắt của huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy. Năm 1937, lụt tràn hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Cùng với Hội Tế sinh do cư sĩ Thiều Chửu và cụ Cả Mọc (chị cụ Hoàng Đạo Thuý) thành lập, các ông Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng hàng ngày đem thuốc, tiền, quần áo đi tới từng nhà nạn nhân giúp cho đến khi họ sống được. Đợt cứu tế kéo dài ba tháng liên tục cho đến lúc lúa chín.

Ông cũng là một thành viên của nhóm Thanh Nghị. Vào tháng 5 năm 1945, ông và các thành viên của nhóm Thanh nghị thành lập Hội Tân Việt Nam với tôn chỉ ủng hộ công cuộc độc lập của nước nhà. Ngày 15/6/1945 (tại Sắc số 65) Vua Bảo Đại thành lập Hội Đồng Thanh Niên với Hoàng Đạo Thúy- chủ tịch; hai phó chủ tịch là Trần Duy Hưng và Tạ Quang Bửu.

Sau 1945, bác sĩ Trần Duy Hưng làm thị trưởng Hà Nội. Nhất là thời gian từ 1954-1977 kéo dài 23 năm. Ông có tiếng là người giản dị, liêm khiết, luôn tận tụy với dân trong cả một thời gian dài chiến tranh gian khổ. Ngày thường, nếu không quá bận, ai cần cũng có thể gặp bác sĩ Hưng. Ông có một cuốn sổ ghi lại hầu hết những cuộc gặp với từng người dân và những nguyện vọng của họ với những ký hiệu đánh dấu về những trường hợp đã hoặc chưa giải quyết.

Hồi những năm 60, nhiều đêm, bác sĩ Hưng cùng cụ Hồ Đắc Điềm – phụ trách bình dân học vụ – đạp xe đến từng lớp học xem người ta dạy và học thế nào. Trừ những lúc tiếp khách, lễ lạt đặc biệt, ông Hưng vẫn tự lái xe đi làm. Trong thời gian Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá, nhiều lần khi khói bom còn chưa tan hết, người ta đã thấy bác sĩ Trần Duy Hưng có mặt, cùng các bác sĩ, y tá băng bó cho những người bị thương. Khi bom Mỹ ném bom trúng Lãnh sự quán Pháp, nhận được điện, ông Trần Duy Hưng gọi lái xe đi ngay, ông đã kịp thời có mặt khi các nhân viên sứ quán còn chưa lên khỏi hầm trú ẩn. Nhiều dân Hà Nội sống suốt thời gian này rất biết ơn và quý trọng thị trưởng Trần Duy Hưng. Nay ở Hà Nội có đường Trần Duy Hưng.

Thế hệ của những trí thức yêu nước và có đức độ, chân thành và tử tế như cụ Trần Văn Lai và Trần Duy Hưng thật hiếm có. Những con người này làm gì cũng nghĩ tới dân tới nước dù làm việc cho thời nào cũng vậy.

Nguyễn Thị Bích Hậu


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây