Sau 6 ngày diễn ra công khai, minh bạch phiên tòa xét xử 29 đối tượng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng diễn ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, hội đồng xét xử đã tuyên án: 2 mức án tử hình dành cho Lê Đình Công, Lê Đình Chức; 1 mức án chung thân dành cho Lê Đình Doanh; Bùi Viết Hiểu nhận mức án 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến nhận mức án 13 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển nhận mức án 12 năm tù…
Những ai từng theo dõi suốt thời gian qua đều nhận rõ bản chất của vụ án Đồng Tâm. Hầu như tất cả các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình. Gần 20 bị cáo gồm Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu… đã xin lỗi và mong được khoan hồng của nhà nước. Trường hợp ngoại lệ là của Bùi Thị Nối “con nuôi” của Lê Đình Kình, bị cáo này vẫn rất hung hăng trước Toà, có những hành động coi thường pháp luật, bộc lộ bản chất côn đồ, lưu manh. Khi được Hội đồng xét xử hỏi lần thứ ba với câu hỏi “mua xăng để làm gì” thì bà ta trả lời là “Mua xăng để thiêu chết bọn chúng (ám chỉ Cảnh sát)”; “Công an lừa bắt bố Nối (ám chỉ ông Kình), Nối phải giết gấp mười lần trả thù cho bố Nối”; “Phải dùng bom xăng để bảo vệ nhân loại”. Có thể thấy, hành động man rợ của những kẻ thủ ác hết sức tàn độc, không một ai, không một lý do nào có thể bao biện cho hành vi phạm tội của các đối tượng.
Từ việc điều tra, truy tố, xét xử đến thời điểm tòa tuyên án, cho chúng ta thấy là tất cả đều diễn ra một cách khách quan, minh bạch, giúp nhân dân hiểu rõ về vụ án; bảo đảm công tâm, đúng người đúng tội và đúng pháp luật. Hai bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức (con ông Lê Đình Kình) trực tiếp ra tay giết hại 3 chiến sĩ công an bằng cách đổ xăng, châm lửa… không thể tìm thấy lý do nào để có thể khoan hồng, trường hợp này phải tử hình để loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội. Đối với những kẻ bị cha con ông Kình và đám cầm đầu lôi kéo, dẫn dắt, kích động để phạm tội thì thay đổi tội danh là hợp lý. Bởi về bản chất, các bị cáo này đều không phải là những đối tượng chống đối quyết liệt, tham gia có mức độ, phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp và đặc biệt là không trực tiếp thực hiện hành vi dẫn đến hậu quả làm 3 cán bộ công an tử vong. Pháp luật Việt Nam không chỉ có tác dụng răn đe, mà còn có tính chất giáo dục, sẵn sàng mở đường cho những kẻ lầm đường lạc lối để làm lại cuộc đời. Riêng với Lê Đình Doanh (xét thấy ông nội là Lê Đình Kình đã chết, bố đẻ là Lê Đình Công, chú là Lê Đình Chức đều nhận mức án tử hình) kẻ tự khai nhận góp tiền mua xăng, chuẩn bị tuýp sắt, tham gia tích cực ném bom xăng, gạch đá cùng Lê Đình Chức trực tiếp giết hại 3 chiến sĩ công an, được nhận mức án tù chung thân đã cho thấy sự khoan hồng của nhà nước Việt Nam.
Chỉ có pháp luật Việt Nam mới đưa ra bản án nhân đạo như vậy, chứ như lời Luật sư gốc Việt tại Mỹ, Hoàng Duy Hùng cho biết rằng “ở Mỹ không cần tòa tuyên án, với hành động khủng bố của Tổ đồng thuận thì không chỉ có mỗi ông Kình bị bắn một viên đạn thôi đâu mà ngay cả những kẻ đồng phạm và người nhà của ông Kình cũng lãnh đạn ngay tại chỗ luôn rồi. Chống người thi hành công vụ là tội phải xử nghiêm minh. Mỹ đã làm từ mấy trăm năm nay”. Còn ở Đức không cần phải nói nhiều, cứ cầm hung khí tấn công lực lượng chức năng, không cần biết dao hay súng đã bị bắn.
Quay trở lại với bản án mà Tòa tuyên ra đối với 29 kẻ thủ ác, có thể thấy cuối cùng cũng đến ngày pháp luật được thực thi, và tội ác của đám vô thiên vô pháp ở Đồng Tâm đã phải trả cái giá thích đáng. Dư luận dù biết tất cả đều là một gia đình nhưng đều bày tỏ sự đồng tình cao với mức án mà tòa đưa ra bởi tội ác mà những kẻ này gây ra quá lớn. Đây cũng là bài học đắt giá, cảnh tỉnh cho những kẻ đang có ý định sống trên pháp luật và thách thức pháp luật.
Còn với những kẻ trong “làng dân chủ” chắc chắn đã chuẩn bị rất nhiều kịch bản, thuyết âm mưu nhằm quốc tế hóa vụ án hình sự này. Điển hình như mới đây, tổ chức Việt Tân đã kêu gọi “biểu tình phản đối bản án phi lý của Chính quyền Việt Nam với 29 người dân Đồng Tâm tại Nhật Bản”. Thế nhưng, hãy ngưng bấu víu vào vụ việc để kêu gọi các tổ chức quốc tế, nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam đi. Bởi không một quốc gia, tổ chức nào có tư cách, quyền can thiệp công việc nội bộ và yêu cầu một quốc gia có chủ quyền như Việt Nam phải làm theo những đòi hỏi phi lý được cả.
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò