Trong ngày làm việc thứ ba của phiên tòa sơ thẩm xét xử các đối tượng trong vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội sáng 9-1-2020. Tại phần trình bày bản luận tội và đề nghị mức án với từng bị cáo, căn cứ hành vi phạm tội, thái độ hợp tác, đặc biệt là mức độ thành khẩn của các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố quyết định thay đổi tội danh truy tố với 19 bị cáo.
19 bị cáo được thay đổi tội danh từ tội “Giết người” (Điều 123 – Bộ luật Hình sự năm 2015) sang tội “Chống người thi hành công vụ” (Điều 330 – Bộ luật Hình sự năm 2015) gồm: Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Thị Nối, Trần Thị La, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Xuân Điều, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Thị Đục, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Trung.
6 bị cáo còn lại, gồm: Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Tuyển, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội quyết định giữ nguyên tội danh “Giết người” như cáo trạng đã truy tố.
Tại sao Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội lại quyết định thay đổi tội danh truy tố với 19 bị cáo? Phải chăng việc truy tố tội danh “Giết người” với 19 bị cáo này không đủ căn cứ? Lý giải về vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa cho biết, nhóm 19 bị cáo (được đề nghị thay đổi tội danh) đã tích cực chuẩn bị công cụ, phương tiện, các loại hung khí nguy hiểm, hoạt động theo sự phân công của Lê Đình Kình và Lê Đình Công. Hành vi của 19 bị cáo này đều đồng phạm giúp sức cho các bị cáo khác về tội “Giết người” như cáo trạng đã truy tố là có căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi đánh giá lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra và lời khai tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhận thấy: Hầu hết bị cáo là nông dân bị Lê Đình Kình, Lê Đình Công và Bùi Viết Hiểu lôi kéo và kích động nhằm thực hiện những hành vi phạm pháp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an tại địa phương. Cũng do bị lôi kéo, kích động nên từng bị cáo đã tham gia thực hiện tội phạm ở từng giai đoạn với mức độ nhất định. Các bị cáo phạm tội lỗi gián tiếp nên được đề nghị áp dụng tội danh nhẹ hơn.
Do vậy, Viện Kiểm sát đã vận dụng chính sách pháp luật hình sự, đường lối khoan hồng nhân đạo của Nhà nước, để áp dụng tội danh nhẹ hơn và theo đó áp dụng hình phạt nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với một số bị cáo.
Có thể thấy rằng, hành vi của 19 bị cáo trên đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, như Viện Kiểm sát đã nhận định, hầu hết các bị cáo là nông dân, phạm tội do bị kích động, lỗi gián tiếp và đặc biệt là ăn năn, hối lỗi, muốn làm lại cuộc đời. Vì vậy, trên tinh thần nhân đạo và thực hiện chính sách khoan hồng của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các bị cáo thực tâm phục thiện có cơ hội làm lại cuộc đời, cải tạo để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội… Viện Kiểm sát đã quyết định thay đổi tội danh. Điều này không trái với các quy định của pháp luật.
Pháp luật luôn nghiêm minh nhưng cũng rất nhân đạo với những người ăn năn, hối lỗi, thực sự muốn làm lại cuộc đời. Một xã hội hiện đại cần phải thượng tôn pháp luật. Những với truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc Việt Nam, pháp luật Việt Nam vẫn luôn tạo những cơ hội, điều kiện để người phạm tội làm lại cuộc đời. Đó là chính sách khoan hồng của Nhà nước và cũng chính là sự nhân văn của Đảng, Nhà nước ta.
Việt Nguyễn
Nguồn: Bản tin Dân chủ