Trang chủ Đấu trường dân chủ Thủ đoạn tán phát ‘tuyên bố’, ‘kiến nghị’ chống phá phiên tòa...

Thủ đoạn tán phát ‘tuyên bố’, ‘kiến nghị’ chống phá phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm

1
0

Vụ án “giết người”, “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức được TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm từ ngày 7/9. Là một phiên toà hình sự, tuy nhiên các thế lực chống phá đã cố tình chụp mũ “khiếu kiện dân oan” để hướng lái, xuyên tạc bản chất vụ án, tạo điểm nóng miệt thị Đảng, Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngay trước thời điểm diễn ra phiên toà, trên mạng hải ngoại lan truyền bài viết được cho là của câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng (hội nhóm tự phát với sự tham gia của một số cá nhân bất mãn, chống phá Đảng, Nhà nước). 

Bài viết tiêu đề “Chính quyền từ sai lầm đến tội ác”, đưa ra 10 điểm, vu cáo chính quyền sai lầm về chính sách ruộng đất và quản lý đất đai; sai lầm về việc cố tình chiếm 59ha đất đồng Sênh của dân Đồng Tâm; sai lầm về công tác dân vận và thực thi pháp luật; sai lầm bịa đặt các kịch bản; quy kết thành “tội ác ép cung nhận tội trên tivi”; “tội ác ngăn cản sự cứu giúp nạn nhân và trợ giúp pháp lý”… 

Bài viết còn đánh lận bằng những câu từ xảo trá, bịp bợm như: “Nay nếu các nhà lãnh đạo cũng dũng cảm nhìn thẳng vào bản chất của vụ án Đồng Tâm để ứng xử như vậy thì cứu vãn được phần nào lòng tin của dân để cùng đoàn kết vì những mục tiêu lớn lao, cấp bách của đất nước. Còn nếu như Đảng cứ tiếp tục dùng cường quyền để thắng dân bằng mọi giá thì sẽ gây thêm tội ác, càng thêm nỗi đau đớn, hận thù trong lòng dân với Đảng mà thôi”.

Cùng với đó, một số trang mạng này còn lan truyền “Tuyên bố lên án tội ác Đồng Tâm” vốn được tung lên từ hồi tháng 2/2020, nay xới lại. Bản “tuyên bố” không nói của tổ chức nào nhưng liệt kê danh sách “ký tên” đến thời điểm này gồm 16 tổ chức (thực chất là các hội nhóm tự phát) và 440 cá nhân, cả trong và ngoài nước. 

Thủ đoạn tán phát 'tuyên bố', 'kiến nghị' chống phá phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm

29 bị cáo có mặt tại phòng xét xử sáng nay 7/9/2020

Nhìn danh sách, dễ dàng nhận thấy những hội nhóm “nhẵn mặt” về trò đội lốt dân chủ, nhân quyền để chống phá đất nước lâu nay. Người viết bài này từng thử bốc máy gọi một cá nhân trong danh sách 440 người được nói là “ký tên” vào bản tuyên bố kia, bất ngờ phía đầu dây nói gọn lỏn: “Họ đưa tên tôi vào như thế tôi biết đâu, có ký tá cái gì” rồi cúp máy.

Xem thế đủ hiểu thủ thuật của những “ngọn cờ chính trị” này xảo trá đến độ nào. Xem mặt bắt hình dong, thật nực cười khi những đối tượng rắp tâm làm tổn hại đất nước, gây hậu hoạ cho dân lại giở giọng “dạy đời”, đưa ra những phán xét, những yêu cầu vốn là phẩm giá, lương tri con người.

Sau khi xảy ra vụ giết người, chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng tại Đồng Tâm, trên mạng internet thông tin nhiễu loạn, trong đó rất nhiều thông tin giả mạo được tung ra nhằm gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội. 

Kẻ xấu lợi dụng, nhắm vào chỉ trích, miệt thị chính quyền, đả phá chế độ. Xuất hiện tràn lan những bài viết, bình luận rất lệch lạc, không phân biệt đúng sai, phải trái hoặc cố tình đánh lận, tạo ra luồng thông tin hỗn độn đẩy trạng thái người xem vào rối ren, hoang mang rồi bức xúc, phẫn nộ, mặc sức chửi bới, miệt thị…

>>Hình ảnh đầu tiên phiên xét xử vụ án ‘Giết người’ và ‘Chống người thi hành công vụ’ tại xã Đồng Tâm

Trong khi đó, các trang mạng thù địch ở hải ngoại đưa ra nhiều bài viết cổ suý hành động tội ác của Lê Đình Kình và nhóm đồng phạm, thậm chí còn tung hình ảnh với lời lẽ coi đối tượng phạm tội như… anh hùng! Từ đó phê phán, miệt thị chính quyền, phỉ báng chế độ, xuyên tạc Nhà nước “cướp đất của dân”, tấn công, trấn áp dân Đồng Tâm! Những hành động đó gây nhiễu dư luận, tạo cớ để các tổ chức hải ngoại nhân danh dân chủ, nhân quyền kiếm cớ can thiệp. 

Do đó, trong vụ án này, chúng ta cần nhận thức rõ các vấn đề sau:

Thứ nhất, về nguyên nhân gây khiếu kiện đất đai: Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều bài viết quy chụp “chính quyền cướp đất của dân”, cho rằng người dân bị lấy đất canh tác vô cớ, kiện cáo không được giải quyết, từ đó họ bị… đẩy đến đường cùng! 

Đây là kiểu thông tin đánh lận bản chất, sai lệch hoàn toàn. Thanh tra Chính phủ khẳng định, theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội giao cho các đơn vị quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng. Các hồ sơ, giấy tờ hiện có chứng minh rõ hiện trạng đất quốc phòng, không có sự mập mờ, khuất tất nào.

Thứ hai, việc giải quyết khiếu kiện của người dân và những tồn tại đặt ra. Nhiều thông tin nói rằng, chính quyền đã không chọn giải pháp đối thoại, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của dân mà lại “đối đầu”, từ đó chỉ trích cách hành xử của chính quyền, của Công an. Đây là kiểu suy diễn, bỏ qua thực tế. Chúng ta thấy rằng, vụ việc tại Đồng Tâm, đơn từ khiếu kiện cũng như các bức xúc đã diễn ra nhiều năm nay. 

Chính quyền từ huyện, thành phố đến Trung ương đã vào cuộc giải quyết, trong đó có nhiều cuộc thanh tra của TP Hà Nội, rồi Thanh tra Chính phủ. Như vậy, không thể nói chính quyền “phớt lờ đối thoại” hay không giải quyết khiếu kiện của người dân.

Trong giải quyết vấn đề khiếu kiện liên quan đất đai, chúng ta thấy rõ những phức tạp, khó khăn, nhất là việc đền bù thế nào cho hợp lý. Ở đây cần thấy, liên quan việc sử dụng đất quốc phòng tại địa bàn, do chính quyền tại đây buông lỏng nên xảy ra tình trạng thời gian dài, nhiều khu đất bị lấn chiếm trái phép, kể cả xây dựng nhà cửa. Khi giải quyết những tồn tại này, chính quyền TP Hà Nội đã có các mức tính toán đền bù phù hợp. 

Thanh tra Chính phủ kết luận nội dung về việc TP Hà Nội ban hành các quyết định giao đất tại các xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) cho đơn vị Quân chủng Phòng không – Không quân để tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân là đúng thẩm quyền, phù hợp với các quy định của pháp luật. 

Các cấp từ địa phương đến Trung ương dành nhiều thời gian giải quyết, bằng nhiều biện pháp khác nhau cho thấy sự quan tâm, lắng nghe, cầu thị, hoàn toàn không phải “thờ ơ, vô cảm” như một số thông tin rêu rao. Việc đưa ra những câu từ như “cướp đất của dân”, “chèn ép”… là luận điệu mang tính xảo trá, kích động.

Thứ ba, cần phân biệt rõ ranh giới giữa kiến nghị của người dân với hành vi lợi dụng, cố tình phạm tội. Lê Đình Kình từng là Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm giai đoạn 1981-1982, hiểu rõ nguồn gốc đất nhưng vì lợi ích của bản thân, gia đình nên đã quyết liệt chống đối đến cùng. Động cơ của đối tượng trong vụ án còn nhằm gây sự chú ý, nhận tài trợ của tổ chức khủng bố.

Từ năm 2013, một số đối tượng tại địa bàn xã Đồng Tâm do Lê Đình Kình, Lê Đình Công và Bùi Viết Hiểu cầm đầu đã thành lập “tổ đồng thuận” để lôi kéo, kích động khiếu kiện về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm. 

Hành vi của các đối tượng trong “tổ đồng thuận” và các đối tượng khác diễn ra trong thời gian dài khiến cho cán bộ chính quyền và nhân dân xã Đồng Tâm hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của cán bộ và nhân dân, tài sản của chính quyền cơ sở, cản trở nghiêm trọng việc thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao, dẫn tới hệ thống chính trị ở cơ sở bị tê liệt. 

Những đối tượng này đã kiếm sống bằng nguồn tiền phi pháp dựa trên vỏ bọc khiếu kiện đất đai. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, chỉ vì động cơ vụ lợi thấp hèn mà chà đạp lên pháp lý, đạo lý, biến mình thành con rối trong tay kẻ địch để phản dân, hại nước. Do đó, chúng ta không thể gọi từ nhân dân Đồng Tâm nói chung mà phải tách biệt nhân dân với những kẻ phạm tội, gây tội ác.

Thứ tư, về thực thi nhiệm vụ của lực lượng Công an: Trong nhiều bài viết hay “tuyên bố” nói trên, các đối tượng đã xuyên tạc việc thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật của lực lượng Công an thành “chiến dịch phi pháp”, “bạo lực nhà nước”, “trấn áp dân”, “giết người vô tội”, từ đó miệt thị lực lượng Công an, kích động chống phá. 

Đây là kiểu đánh tráo bản chất hết sức nguy hiểm, gây sự hiểu sai trong công luận. Về vấn đề này, cần thấy rõ: Trước tình hình diễn biến phức tạp tại xã Đồng Tâm, Công an TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch bảo đảm ANTT, ngoài nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho lực lượng tham gia xây dựng, Công an TP Hà Nội còn triển khai lực lượng để bảo vệ trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã; bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân.

Ngày 8/1/2020, Lê Đình Công biết thông tin về việc lực lượng Công an sẽ về thôn Hoành nên thông báo cho các đối tượng bàn bạc cách thức tấn công. Các đối tượng tập trung vũ khí tại tầng 2 nhà Lê Đình Kình, cùng ở lại nhà Lê Đình Kình đợi khi nào Công an đến sẽ đánh kẻng báo động, đồng loạt lên mái nhà tấn công. 

Để kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng và bảo đảm an toàn cho lực lượng thi hành nhiệm vụ, bảo vệ tính mạng, tài sản hợp pháp của người dân, tổ công tác gồm các đồng chí Nguyễn Huy Thịnh, Phó Trung đoàn trưởng E22, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Phạm Công Huy, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn – Công an TP Hà Nội; Dương Đức Hoàng Quân, cán bộ E22, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cùng một số CBCS khác tiến vào từ tầng 1 nhà Lê Đình Hợi, lên cửa sổ tầng 2 nhà Hợi để trấn áp, bắt giữ các đối tượng thì bị các đối tượng sử dụng bom xăng, dao phóng lợn, mìn… tấn công khiến 3 đồng chí hi sinh. 

Các tổ công tác đã bắt giữ các đối tượng cầm đầu, chống đối quyết liệt, một số đối tượng đến cơ quan Công an đầu thú. Hành vi của các đối tượng trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại sức khoẻ, tính mạng, tài sản của lực lượng thi hành nhiệm vụ và quần chúng nhân dân. Cáo trạng đã nêu rõ hành vi phạm tội của 29 đối tượng, trong đó có 25 bị can bị truy tố về tội danh “giết người”.

Nguyễn Thành (CAND)

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây