Ít ai biết, một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất về chế độ Khmer Đỏ là “When Broken Glass Floats” từng nói Việt Nam là “một kẻ thù truyền kiếp”. Cũng trong cuốn sách đó, đã không ít lần, nói rằng Việt Nam đã từng và sẽ luôn lợi dụng Campuchia vì các mục đích chính trị và quan trọng hơn hết, hình mẫu Việt Nam – trong cuốn sách, được miêu tả như những kẻ xâm lược khát máu và bạo quyền.
Tháng 07/2014, tờ Phnom Penh Post đăng tải bài viết “Trong số 20 người bạn của tôi, có tới 17 người ghét Việt Nam”. Bài viết này nhanh chóng gây rúng động dư luận Campuchia và cả Việt Nam nữa. Bài viết này cho rằng những người Việt Nam đang có mặt tại Campuchia nhằm xâm lược Campuchia giống như quân đội Việt Nam đã đến đây vào năm 1979, nhằm đánh đuổi Khmer Đỏ và ở lại tận mười năm. Và dĩ nhiên, bài viết này, cũng như trong cuốn sách “When Broken Glass Floats”, đều có những ám chỉ rõ ràng rằng: “Việt Nam xâm lược Campuchia”.
Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, trên ứng dụng Tiktok xuất hiện trào lưu cà khịa, nếu muốn nói là sỉ nhục Việt Nam của một bộ phận giới trẻ Campuchia. Nói cà khịa và một bộ phận là còn nhẹ, vì những clip đó thể hiện nội dung bài Việt Nam, hạ nhục Việt Nam và chúng thu hút hàng triệu lượt xem, thậm chí còn được đề xuất lên xu hướng của Tiktok. Nhằm phản pháo lại trào lưu ấy, cư dân mạng Việt Nam cũng cho “ra lò” những clip tương tự, bên cạnh đó, cư dân mạng Việt Nam còn “dạy lịch sử” khi có những clip tóm tắt về cuộc chiến chống lại Khmer Đỏ, chia sẻ những clip cắt từ phim First They Killed My Father hay No Escape – những bộ phim nói về tính chính nghĩa của cuộc chiến chống Khmer Đỏ và giúp đỡ nhân dân Campuchia.
Nguồn gốc sâu xa mà nhiều người Campuchia thù ghét người Việt có lẽ khởi nguồn từ tận những năm tháng vào thế kỷ 15 khi mà đế quốc Khmer bị diệt vong. Người Campuchia rất tự hào về thời hoàng kim của đế quốc Khmer – một trong những đế quốc vĩ đại nhất lịch sử châu Á. Từng có thời điểm, vùng đất mà đế quốc Khmer sở hữu rộng tới hơn 1 triệu cây số vuông, tức là gấp 3 lần diện tích Việt Nam hiện nay. Đế quốc Khmer rơi vào thời gian thoái trào và sụp đổ là thời cơ để các quốc gia láng giềng tiến hành mở rộng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, Việt Nam tiến hành mở rộng lãnh thổ mạnh mẽ về phía Nam, đưa các vùng đất Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ vào lãnh thổ Việt Nam. Tờ Phnom Penh Post viết rằng vào thời vua Minh Mạng, Việt Nam từng xâm lược Campuchia, chiếm Phnom Penh, mãi đến khi Pháp xâm lược Việt Nam, Campuchia mới giành lại được quyền tự quyết của họ.
Người Campuchia vẫn ghi nhận rằng người Việt đã có những đóng góp to lớn vào việc giúp người Campuchia độc lập từ người Pháp. Nhưng cũng chỉ trích rằng Việt Nam đã “lợi dụng” đất đai của người Campuchia vào công cuộc chống Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Họ cũng biết ơn người Việt Nam vì đã cứu họ khỏi Khmer Đỏ, nhưng cũng ghét ra mặt khi ở lại tận chục năm sau. Nhưng đến tận thời gian gần đây, hành động đánh Khmer Đỏ, cứu nguy cho người dân Campuchia dần dần bị một bộ phận người dân Campuchia, đặc biệt là giới trẻ Campuchia “tẩy trắng”. Cũng chính tờ Phnom Penh Post, cho rằng “Việt Nam không xứng đáng được hoan nghênh”, và rất nhiều người Campuchia, cho rằng Khmer Đỏ chỉ là “công cụ tuyên truyền nhằm hợp pháp hóa việc xâm lược Campuchia của Việt Nam”.
Bên cạnh những lý do về lịch sử, còn có những lý do khác ở những khía cạnh kinh tế, chính trị. Như Thủ tướng Hunsen – vị thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Campuchia bị tố rằng “thân Việt Nam”, hay như Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia – chính đảng lớn nhất Campuchia cũng được lập ra nhờ công của những người Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt ở Campuchia rất nhiều, các doanh nghiệp Việt thường có xu hướng sử dụng lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, người gốc Việt ở Campuchia rất nhiều, trực tiếp cạnh tranh với người Campuchia.
Ít ai biết, tại Campuchia từng có một chính đảng chống Việt Nam ra mặt, đó là Đảng Cứu quốc Campuchia. Luận điệu của Đảng này nhắm vào việc chống đối Việt Nam, kích động lòng yêu nước cực đoan, kêu gọi tẩy chay các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, bài người Campuchia gốc Việt, kiện Việt Nam nhằm đòi lại chủ quyền của Phú Quốc, quần đảo Nam Du và các tỉnh Tây Nam Bộ, đòi xét xử Việt Nam vì Việt Nam đã xâm lược Campuchia tiêu diệt Khmer Đỏ.
Năm 2014, cộng đồng Khmer Krom tiến hành biểu tình tại Phnom Penh nhằm mục đích kêu gọi chính phủ Campuchia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tẩy chay hàng hóa Việt Nam và kiện Việt Nam ra tòa, đòi lại các vùng đất thuộc chủ quyền của người Khmer Krom, vẽ lại bản đồ phân định biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Cũng vào những năm 2012 – 2014, khu vực biên giới phía Tây Nam Tổ Quốc bị nhiều người Campuchia kéo đến kích động, phá rối. Mục đích của nhóm người này là đòi lại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng trong lịch sử, khu vực đồng bằng sông Cửu Long từng là một vùng đất của ruồi muỗi, hoang hóa, ngập lụt và gần như rất khó để sinh sống. Nửa sau thế kỷ 17, nhân dân và các tướng lãnh của chúa Nguyễn tiến hành khai phá vùng đất này và đến năm 1698, chúa Nguyễn tuyên bố vùng đất này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về vùng đất Hà Tiên, do một quan lại cũ của triều Minh là Mạc Cửu khai hoang, sau đó thần phục chúa Nguyễn. Con của Mạc Cửu nhiều lần cứu giá vua Khmer và được ban thưởng nhiều vùng đất đai. Năm 1759, toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện tại được quy về lãnh thổ của chúa Nguyễn. Tuy nhiên, sau khi Pháp đô hộ Đông Dương, có tiến hành cắt đất ở Hà Tiên về lại Campuchia, nay là tỉnh Takeo và Kampot.
Năm 2013 Sam Rainsy – một lãnh đạo của Đảng Cứu quốc Campuchia liên tục dùng từ “Yoen” (Youn) trong các bài diễn văn nhằm mục đích đả kích người Việt và bài trừ Việt Nam, kích động tư tưởng chống đối Việt Nam từ một bộ phận người dân Campuchia. Đến nay, từ này đã trở thành một từ mang màu sắc chính trị nhằm mục đích hạ nhục, phân biệt người Việt, người gốc Việt tại Campuchia. Bản chất của từ “Yoen” (Youn) không mang hàm ý phân biệt, nhưng cũng giống như những từ ngữ như Bắc Kỳ, dân Thanh Hóa… những người nói đã cố tình làm cho những từ ngữ này bị sai nghĩa đi vì những mục đích phân biệt rác rưởi.
Thậm chí, từng có một thuyết âm mưu không hề nhẹ diễn ra khi phía Campuchia tiến hành bắn đại bác trong những ngày lễ lớn. Các hàng đại bác được hướng về phía Đông – tức là phía Việt Nam. Nhiều người Campuchia cho rằng, tâm lý chống Việt Nam vẫn luôn âm ỉ trong xã hội Campuchia, mặc cho những gì mà người Việt Nam vì người dân Campuchia. Thậm chí, nhiều người Việt đã bỏ cả mạng sống, chịu bao nhiêu khổ cực, bao nhiêu chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Năm 2019, Thủ tướng Lý Hiển Long đã viết trên trang cá nhân cho rằng “Việt Nam xâm lược Campuchia” và “đe dọa hòa bình Đông Nam Á”. Tuyên bố này khiến cho phía Campuchia, cụ thể là Thủ tướng Hunsen, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tea Banh “sốc nặng” và phải lên tiếng cải chính ngay rằng Việt Nam không hề xâm lược hay chiếm đóng Campuchia. Tuy nhiên, phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long lại được những người Campuchia mang tâm tưởng chống đối Việt Nam tôn vinh, coi là “lí lẽ của sự thực”.
Sự thực là gì? Là việc Việt Nam đã dẹp yên Khmer Đỏ, chấm dứt nạn diệt chủng dù thời điểm đó, gần như tất cả các quốc gia trên thế giới quay lưng. Là việc đã, đang và sẽ đứng chung trong cái tên “Đông Dương”.
Và quan trọng hết, sự thực là mỗi người Việt hay người Campuchia, phải học cách chung sống hòa bình, vượt lên trên định kiến và gạt bỏ hiềm khích dân tộc.
Tifosi
Nguồn: Cánh cò