Việc ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và ông Đinh La Thăng bị “ngã ngựa”, lâm vào vòng lao lý là một ví dụ được các chuyên gia, nhà khoa học nêu ra khi thảo luận về trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Lộ ra bao chuyện sau khi bị bắt
Sáng 4/9, Ban Nội chính T.Ư phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư tổ chức Tọa đàm khoa học: “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng – Vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Tại cuộc tọa đàm, cú “ngã ngựa” của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và ông Đinh La Thăng – người đã từng là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhiều đại biểu nêu ra thảo luận và làm dẫn chứng.
PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, suy cho cùng là người đứng đầu có làm hay không, có thực hiện hay không là vấn đề quan trọng.
Như vụ việc ông Nguyễn Đức Chung vừa bị bắt mới đây, bây giờ mới lộ ra việc sân trước, sân sau và có liên quan đến người thân gia đình nữa. Hay như việc ông Đinh La Thăng lúc làm Bộ trưởng GTVT lại cho cơ chế để Út Trọc thu phí cao tốc Trung Lương.
“Hiến pháp có rồi, luật đầy đủ rồi, nghị quyết của Đảng đầy đủ phụ thuộc cuối cùng vào một nhân vật đó là người đứng đầu có làm hay không? Nếu người đứng đầu làm từng ấy quy định, nghị quyết tôi tin sẽ không có chuyện Ban Nội chính vất vả tham mưu, Ban Chỉ đạo PCTN họp liên tục như vậy”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cho rằng, con người cụ thể, từ trưởng phòng đến vụ trưởng, cục trưởng, bộ trưởng… nếu làm không đúng theo quy định, không vượt lên chính mình thì có bàn bao nhiêu biện pháp cũng thế.
“Mở hồ sơ” 10 người đứng đầu đang “bóc lịch” để làm bài học
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đề nghị Ban Nội chính T.Ư nên “mở hồ sơ” chọn 10 người từng là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị “đang bóc lịch”, bị khởi tố để xem họ trưởng thành như thế nào, xem việc chọn người đứng đầu như thế nào.
Dẫn chứng trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung, ông Hùng cho biết khi được cử làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã có người phản ánh về vấn đề này, kia. “Đến bây giờ sự việc xảy ra không muộn tí nào cả. Cái đau chung là mất một con người, một anh hùng nhưng cái đau hơn là tổ chức làm sao lại để như thế. Bây giờ phải xem lại”, ông Vũ Quốc Hùng đề nghị
Kết luận hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, thực tế diễn ra rất là đau lòng, có thế chọn đúng cán bộ và cán bộ phát huy rất tốt nhưng chỉ cần buông lỏng, thiếu rèn luyện là sa cơ lỡ vận như thường.
“Đau lòng khi xử lý anh hùng lăn lộn chiến trường, bom đạn; đạn chiến trường không chết nhưng đạn “thị trường” thì chết. Nguyễn Đức Chung khi tôi làm ở Hà Nội chỉ mới là đội trưởng hình sự, anh hùng phá án rất giỏi giờ thành như thế này”, ông Phú dẫn chứng.
Văn Kiên/TPO
Nguồn: Cánh cò