Trang chủ Chính trị 1 cú click chuột của Thủ tướng, hơn 10.000 đơn vị sẵn...

1 cú click chuột của Thủ tướng, hơn 10.000 đơn vị sẵn sàng

122
0

Ngày 12/07/2018 đã đi vào lịch sử nền hành chính công của Việt Nam, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 28 “về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước”. Sau hơn 2 năm thực hiện quyết định này, chỉ 1 cú click chuột của Thủ tướng đã có 10.291 đơn vị thuộc các cấp sẵn sàng gửi nhận văn bản điện tử, trong đó gồm 116 đơn vị cấp 1; 2.956 đơn vị cấp 2; 889 đơn vị cấp 3; 6.328 đơn vị cấp 4.

1 cú click chuột của Thủ tướng, hơn 10.000 đơn vị sẵn sàng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng chữ ký số phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia

Một cán bộ văn thư của một Văn phòng UBND tỉnh cho biết rằng, trước đây để gửi một văn bản giấy đi đến trên 20 sở, ngành và 11 địa phương của tỉnh phải mất rất nhiều thời gian và công sức như in, photo, xin chữ ký, đóng dấu… Nếu trong trường hợp lãnh đạo đi công tác, việc xin ý kiến và ký xác nhận văn bản bị trì hoãn. Và sau khi hoàn thành các bước trên, cán bộ văn thư lại phải chuyển qua bưu điện hoặc chờ đợi nhân viên bưu điện đến lấy. Đó là chưa kể tới việc thất lạc, dẫn đến văn bản chỉ đạo chuyển đi chậm trễ, ảnh hưởng tới quá trình điều hành, xử lý công việc.

Thế nhưng, từ ngày Thủ tướng ký ban hành quyết định 28 “về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước”, thì các phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang, gửi nhận văn bản tới 4 cấp một cách thông suốt và có tính hệ thống. Đã có 95/95 các cơ quan, bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối với VPCP, giờ đây, việc chuyển văn bản chỉ đạo, điều hành công việc cho các tỉnh, thành, địa phương, phòng, ban, phường, xã đã thực hiện nhanh và đơn giản hơn, đặc biệt là với những nhiệm vụ có tính cấp thiết, hỏa tốc. Chỉ cần nhập liệu văn bản điện tử một lần vào phần mềm văn phòng là đã có thể gửi đến hàng chục cơ quan khác nhau trong danh sách nhận. Nếu như trước đây văn bản từ Trung ương xuống địa phương hay văn bản từ địa phương lên Trung ương phải mất nhiều ngày, không có sự giám sát, giải trình nên thiếu minh bạch thì nay với việc gửi, nhận điện tử, văn bản đến chỉ trong vài giây và hoàn toàn có thể kiểm soát được đường đi, quá trình xử lý văn bản. Tránh được tình trạng dù văn bản đã được ký duyệt nhưng lại bị “ngâm” không chuyển đến đơn vị hay cá nhân được nhận, hay có tình trạng đã nhận được văn bản nhưng lại nói rằng chưa nhận được để trì hoãn nhiệm vụ được giao.

Như đợt chống dịch Covid – 19 vừa qua, sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 thì gần như ngay sau khi người đứng đầu Chính phủ đưa ra chỉ đạo, tất cả hệ thống chính trị đã bắt tay ngay vào chiến đấu với dịch bệnh. Hay như khi Ban chỉ đạo phòng chống dịch vừa công bố cách ly khu vực nào thì ngay lập tức nơi đó được khoanh vùng, đưa vào cách ly một cách nhanh gọn lẹ. Chính nhờ việc áp dụng văn bản điện tử mà các địa phương, sở, ban, ngành tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng một cách rất nhanh, nhờ đó mà cuộc chiến chống dịch được thực hiện rốt ráo, quyết liệt hơn.

1 cú click chuột của Thủ tướng, hơn 10.000 đơn vị sẵn sàng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng ký số văn bản phát hành ngay trên thiết bị di động máy tính bảng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng văn bản điện tử còn giảm được diện tích kho lưu trữ các văn bản gốc đi và đến quá nhiều, vì tất cả văn bản đều được lưu trữ trên môi trường điện tử. Nhân sự vận hành cũng giảm chứ không hề tăng, chỉ cần tập huấn và đào tạo các thao tác kỹ thuật. Không những thế, trục liên thông văn bản quốc gia còn giúp tiết kiệm được chi phí giấy, mực in, chi phí vận chuyển phát nhanh văn bản đến các tỉnh, thành, địa phương. Mà như lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chia sẻ “tính sơ bộ, mỗi năm có thể tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng”. Ngoài ra, còn rất nhiều cái khác không thể tính được, ví dụ việc công khai minh bạch và giảm tiêu cực, nhũng nhiễu. Đặc biệt, tạo lòng tin của nhân dân và môi trường đầu tư cũng được cải thiện rất nhiều… Tất cả những cái đó là những lợi ích không thể tính được bằng tiền.

Có thể nói, nền hành chính giấy tờ là một nền hành chính kiểu cũ, tồn tại từ rất lâu. Nền hành chính giấy tờ hình thành tư duy giấy tờ khá cứng nhắc, phong cách chậm chạp không còn phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay. Vậy nên, việc Thủ tướng ban hành Quyết định số 28 là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử hướng tới nền quản trị quốc gia, quản trị xã hội thông minh, hướng tới nền hành chính hiện đại, không giấy tờ. Đây là một cải cách hành chính lớn, trước hết là thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, một động lực tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Suy cho cùng, việc cải cách hành chính không phải là chạy theo thành tích mà quan trọng nhất là phục vụ và làm hài lòng người dân và doanh nghiệp!

Thế Khoa


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây