“Người cán bộ phải lấy đức làm gốc nhưng trí tuệ phải cao. Đặc biệt với cán bộ cấp chiến lược, dứt khoát phải là những người có trí tuệ rất cao, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Nhiệm vụ của đất nước quyết định đường lối cán bộ
Ngày 2/9, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ với PV về những vấn đề lớn trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, trong bài viết này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến những điểm cốt lõi, trên cơ sở làm rõ quan điểm của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII. Trong đó có quan điểm phải chú ý đến mối quan hệ giữa đường lối chính trị và công tác cán bộ phải được thống nhất. Nghị quyết Trung ương 7 cũng nhấn mạnh, công tác cán bộ là vấn đề thành bại của cách mạng. Vì thế lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến yêu cầu đó, tức là đòi hỏi cán bộ phải luôn bám sát đường lối phát triển của đất nước.
Đáng lưu ý là các mục tiêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đưa ra: Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Đại hội XIII sẽ thông qua chiến lược với ba dấu mốc quan trọng này. Chính mối quan hệ giữa mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước sẽ quyết định đến đường lối cán bộ thế nào, lựa chọn đội ngũ cán bộ ra sao, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong nhiệm kỳ tới. Theo ông Phúc, cán bộ cấp chiến lược ở Trung ương cần xác định lấy đạo đức làm gốc, nhưng trí tuệ phải rất cao.
“Đã là cán bộ Trung ương dứt khoát phải là những người có trí tuệ. Như vậy mới đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn cũng như tình hình mới hiện nay. Dù là người lãnh đạo quản lý ở tầm vĩ mô hay ở từng ngành thì trước tiên đều phải có trình độ, trí tuệ cao”, ông Phúc nhấn mạnh.
Uy tín phụ thuộc vào trách nhiệm nêu gương
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, bên cạnh yêu cầu về đạo đức, trí tuệ là đòi hỏi về phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ của người cán bộ. Bởi thực tế có những cán bộ có trình độ, trí tuệ rất cao nhưng lại không có năng lực về tổ chức. Giao cho tổ chức việc gì thì lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu cả. Nhưng có những người trí tuệ, nhận thức có thể hạn chế nhưng họ lại có năng lực tổ chức giỏi, luôn biết bắt đầu từ đâu.
Cuối cùng, theo ông Phúc là đòi hỏi về uy tín của người cán bộ. Đó phải là những người có uy tín ở ngay trong Đảng, trong hệ thống chính trị và uy tín với nhân dân. Có như vậy người cán bộ đó mới hoàn thành nhiệm vụ được. Cán bộ ở cương vị càng cao càng phải có uy tín. Nhưng uy tín lại phụ thuộc vào trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên.
Về điều này, trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tới việc “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.
“Nếu cán bộ luôn là người gương mẫu, trở thành tấm gương cho người khác, dứt khoát sẽ quy tụ được những người giỏi xung quanh mình. Người lãnh đạo không dứt khoát phải hiểu biết đầy đủ trên mọi lĩnh vực, nhưng anh phải biết quy tụ, biết phát huy vai trò của cán bộ dưới quyền của mình, như vậy sẽ thành công”, ông Phúc bày tỏ.
Rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ này khi có gần 100 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, Đại hội XIII tới đây phải sáng suốt lựa chọn, không để “lọt” những người vi phạm đạo đức, tham nhũng, chạy chức chạy quyền… Theo ông, thực tiễn ở một số địa phương trong thời gian qua vẫn còn nhiều vụ việc lùm xùm về công tác cán bộ, gây bất bình trong dư luận. Điều đó cho thấy sức chiến đấu của tập thể tổ chức Đảng còn yếu, thấy sai không dám đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ. Đến thời điểm đại hội thì “đi nhẹ, nói khẽ”, ít va chạm để vun vén lợi ích cho bản thân.
Đại hội cấp cơ sở hiện đã hoàn thành và chuẩn bị tiến tới đại hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo ông Phúc, Đại hội cấp tỉnh phải làm tốt công tác nhân sự, chọn cho đúng người xứng đáng nhất. Đây chính là tiền đề, là cơ sở để Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công trong việc lựa chọn nhân sự.
“Nếu cán bộ là người gương mẫu, trở thành tấm gương cho người khác, dứt khoát sẽ quy tụ được những người giỏi xung quanh mình”.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
Thành Nam/TP
Nguồn: Cánh cò