Trang chủ Tin tức Vu Lan – mùa tri ân, mùa báo hiếu

Vu Lan – mùa tri ân, mùa báo hiếu

136
0

Nói đến Vu Lan là nói đến mùa báo hiếu. Xuất phát từ truyền thuyết về Tôn giả Mục Kiều Liên, đệ tử xuất chúng của đức Phật đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngục quỷ, Vu Lan là ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ về ân đức sinh thành dưỡng dục, hướng tâm về cha mẹ, tổ tiên và muốn làm việc gì đó để đền ơn đáp nghĩa.

Vu Lan - mùa tri ân, mùa báo hiếuNhân lễ Vu Lan báo hiếu, du khách đã đến chùa Tam Chúc (Hà Nam) thăm quan danh thắng.

Chia sẻ những giá trị tinh thần cao đẹp của lễ Vu Lan – báo hiếu, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, đại lễ Vu Lan – báo hiếu là một trong những minh chứng rõ ràng của sự gắn bó trong hơn 2.000 năm qua giữa giữa đạo và đời, giữa Phật giáo và dân tộc.  

Mùa Vu Lan là mùa tri ân, mùa báo hiếu của người con Phật, là nét văn hóa truyền thống của người Việt nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên; tưởng nhớ đến cội nguồn; tri ân công ơn cha mẹ sinh thành, những anh hùng liệt sỹ, những đồng bào hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước.

Mùa Vu Lan cũng là dịp để thể hiện tinh thần trách nhiệm của Phật tử, người theo đạo trong công tác từ thiện xã hội đối với những người có công với cách mạng, những người già cả, neo đơn, đặc biệt những người chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Thời gian qua, các tăng ni, Phật tử đã tham gia tích cực ủng hộ, tham gia cùng Chính phủ và nhân dân cả nước trong công tác phòng chống dịch COVID-19, chung sức thực hiện tốt mục  tiêu “kép” vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

Trong thành công của công tác kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19, có sự đóng góp nhiệt tình của các tăng, ni, Phật tử đã nêu cao tinh thần dân tộc – tinh thần Phật giáo, đoàn kết đóng góp tài, lực cùng các cấp chính quyền hỗ trợ kịp thời công tác phòng, chống dịch và giúp đỡ những đối tượng xã hội gặp khó khăn do bệnh dịch.

Hiếu hạnh là vấn đề quan trọng được đức Phật quan tâm và đề cao. Trong trăm điều thiện, chữ hiếu đứng ở vị trí hàng đầu. Theo truyền thống nguyên thủy, có bốn việc người con hiếu hạnh cần nằm lòng để thực hiện, đó là sự tôn trọng và quý kính cha mẹ; sự tự ý thức trách nhiệm về việc phụng dưỡng cha mẹ, gìn giữ sản nghiệp, bảo vệ gia phong – văn hóa tâm linh gia tộc; đem lại niềm vui bằng việc cung dưỡng cả đời sống vật chất cũng như tinh thần; hướng dẫn tu tập Phật pháp để tự mình có thể gỡ bỏ được mọi đau khổ.

Từ niềm hiếu đạo sâu kín, thiêng liêng của truyền thống đạo đức phương Đông, tinh thần hiếu thảo trong mùa Vu Lan đã trở thành bông hoa đạo lý, nhắc nhớ con cái hãy sống có hiếu hơn, đạo đức hơn nữa để đáp đền tình thương bao la rộng lớn của cha mẹ – những người đã hy sinh cả cuộc đời, cả tâm hồn và thể xác cho con.

Chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong gia đình, chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự an vui, an lạc cho tất cả mọi người. Phận làm con phải hiểu rõ tình thương và sự hy sinh cao cả ấy, hiểu để đền ơn đáp nghĩa với đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người.

Đối với người Việt Nam, lòng hiếu thảo vốn in sâu đậm trong tâm hồn, nên tinh thần Vu Lan báo hiếu cũng như đạo Phật rất dễ hòa nhập vào phong tục tập quán của người dân.  

Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người con Việt.  

Ngày nay, lễ Vu Lan còn mang tính xã hội rộng rãi trong cuộc sống của người Việt, là mùa không chỉ báo ân, báo hiếu đối với cha mẹ mà còn là mùa yêu thương đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Mùa Vu Lan hiếu hạnh nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến thâm ân chư Phật, công ơn giáo dưỡng của thầy Tổ và nhất là công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây cũng là dịp để bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến ơn đất nước, ơn đồng bào, nhớ tới ân đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối, Anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Chữ hiếu lại càng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Việt. Khi mà những tác động xấu của xã hội đang ngày ngày len lỏi vào mỗi gia đình, khi đạo đức xã hội đang dần xuống cấp, con cái đối xử bất hiếu với cha mẹ, thì việc giáo dục đạo hiếu càng cần được xem trọng hơn bao giờ hết.  

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: “Để thực hành tín ngưỡng lễ Vu Lan, chúng ta phải phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ, một cách chu đáo, cầu cho cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu, trường thọ khi còn sống. Làm điều phúc thiện hồi hướng chuyển nghiệp lành cho cha mẹ, cầu cho cha mẹ được sinh về cõi Tịnh khi cha mẹ mất. Chúng ta không chỉ báo hiếu, báo ân cha mẹ mà còn tri ân, báo ân với những người có công với cộng đồng với xã hội. Sống theo đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc. Chúng ta thể hiện tấm lòng tri ân, báo ân qua những suy nghĩ và việc làm thực tế theo giáo lý nhà Phật; không cúng vàng, đốt vàng mã gây lãng phí và ảnh hưởng không tốt đến môi trường”.

Khi được hỏi, hiện nay có những biểu hiện trong xã hội khi cha mẹ còn sống thì không báo hiếu nhưng khi cha mẹ khuất núi thì tổ chức cúng lễ linh đình, đốt vàng mã lãng phí, quan điểm của Hòa thượng về vấn đề này như thế nào? Hòa thượng Thích Gia Quang đã khuyên mọi người không nên như vậy. Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng khi cha mẹ còn sống là lúc chúng ta cần biết phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ một cách thiết thực nhất, không chỉ bằng vật chất, tiền của mà bằng cả tinh thần làm cho cha mẹ luôn luôn vui vẻ, làm những việc lành, tránh những việc dữ để có quả lành. Khi cha mẹ mất thì tưởng niệm, cầu siêu, làm các việc thiện lành, phúc đức, hồi hướng chuyển nghiệp lành cho cha mẹ được sinh về cõi Phật.

Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng, đó là cách báo hiếu, báo ân theo tinh thần của Phật Giáo. Để đất nước phát triển, vì tương lai của dân tộc, vấn đề văn hóa, mà cụ thể hơn là những truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc như sự hiếu đạo, luôn cần được đặt lên hàng đầu. Hòa chung dòng chảy lịch sử của dân tộc, Phật giáo Việt Nam hơn 2.000 năm qua luôn quan tâm giáo dục cho Phật tử triết lý Phật giáo “Chân – Thiện – Mỹ” và truyền thống dân tộc qua Tứ trọng ân: ân quốc gia xã hội, ân cha mẹ, ân Tam bảo sư trưởng và ân chúng sinh vạn loài.

Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh: “Người Phật tử cần hiểu rõ ý nghĩa lễ Vu Lan để thực hành hạnh nguyện tri ân, báo ân, báo hiếu theo đức hạnh của ngài Mục Kiền Liên trong kinh điển Phật giáo và theo đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam chúng ta. Người Phật tử cần báo đáp đầy đủ Tứ trọng ân: Ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân Tam Bảo và ân quốc gia xã hội theo tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật một cách thiết thực có ý nghĩa”.

Tinh thần nhân văn của mùa Vu Lan – báo hiếu rất phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc về thờ cúng ông bà, tổ tiên, xây dựng các giá trị gia đình truyền thống bền vững đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước từ ngàn xưa đến hiện nay. Mùa Vu Lan – báo hiếu đã trở thành một sinh hoạt văn hóa có tính lan tỏa trong cộng đồng xã hội Việt Nam nói chung, thực hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.     

Bài và ảnh: V.Tôn/Báo Tin tức

Vu Lan - mùa tri ân, mùa báo hiếu

Lễ Vu lan – mùa của tình nhân ái

Đã từ nhiều năm nay, lễ Vu lan – báo hiếu (15 tháng 7 âm lịch) không chỉ là ngày lễ trong truyền thống của Phật giáo mà đã trở thành sự kiện văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam nói chung và của người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây