Nhân việc nhiều đối tượng “dân chủ” và trang tin chống phá ra yêu sách đòi Nhà nước phải công khai tình trạng sức khỏe, hồ sơ bệnh án của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Xin được phép dẫn ra vài ví dụ như sau:
Tháng 7/2019, khi đứng cạnh Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne trong lễ đón tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel bất ngờ run rẩy không thể kiểm soát trong vòng 1 phút. Đây là lần thứ 3 trong gần 1 tháng bà xuất hiện trong tình trạng run rẩy mất kiểm soát trước mọi người, một tín hiệu bất thường về sức khỏe. Trả lời trước truyền thông, bà vẫn khẳng định là bà “rất khỏe và mọi người không phải lo lắng”. Và từ đấy, người ta không hề thấy Chính phủ Đức công bố gì về tình trạng sức khỏe của bà Thủ tướng, dù đây là thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ngày 28/8/2020 vừa qua, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe, liên quan đến căn bệnh viêm đại tràng kinh niên mà ông mắc phải. Theo thông tin được biết, ông Shinzo Abe mắc bệnh này từ năm 2008, nhưng phải hơn chục năm sau, nó mới được công khai và ngay lập tức, nó gây chấn động trong dư luận. Vậy trong suốt thời gian đó, tại sao người dân Nhật không được biết thông tin trên, dù Thủ tướng Nhật do dân Nhật bầu ra, chịu trách nhiệm công việc trước toàn thể người dân?
Năm 2018, cả đất nước Singapore náo loạn khi tin tặc tấn công vào cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, đánh cắp thông tin cá nhân bệnh án của Lý Hiển Long, chi tiết những thứ thuốc ông dùng khi điều trị ngoại trú. Ngay lập tức, cơ quan chức năng xác định thủ phạm tấn công phải được một Chính phủ hậu thuẫn, chứ không phải là một tin tặc hay nhóm tin tặc đơn thuần nào. Và việc này gây những lo ngại đáng kể cho sức khỏe của ông Long sau này. Nếu được công khai, thì tin tặc cũng không mất công tấn công mạng để đánh cắp làm gì.
Nói thế để thấy, không phải chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ quốc gia nào, thông tin liên quan đến hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của các nguyên thủ quốc gia luôn là thông tin mật và giữ kín tuyệt đối, kể cả đối với Mỹ, một quốc gia nổi tiếng dân chủ. Đố ai đó tìm được hồ sơ sức khỏe hay bệnh án của ông Tổng thống Donald Trump, B.Obama trên mạng. Tại sao lại như vậy, bởi lẽ nó liên quan tới công tác bảo vệ an toàn tính mạng cho các nguyên thủ đó. Ai xem bộ phim “Mê cung” chắc hẳn nhớ chi tiết luật sư Lê Đông Hòa định ám hại Trần Đức, phó Chánh thanh tra thành phố chỉ bằng một vài thìa đường khi biết tiền sử bệnh tật của anh này. Trên thực tế, chỉ cần nắm tiền sử bệnh tật của một nguyên thủ, các cơ quan thù địch có thể dễ dàng hạ độc, thậm chí ám sát họ một cách dễ dàng. Việc đó càng dễ xảy ra khi có xung đột, chiến tranh hay bạo loạn xảy ra.
Các anh chị muốn dân chủ, tự do thông tin thì cũng phải vừa phải thôi, chứ cái gì cũng muốn biết để thỏa mãn trí tò mò của cá nhân thì xin miễn bàn, bởi lẽ, cái gì cũng có giới hạn và vùng cấm. Chưa kể, một số đối tượng còn lợi dụng tình hình sức khỏe của lãnh đạo để xuyên tạc, chống phá, bôi nhọ uy tín của lãnh đạo cũng như ly gián lòng dân.
Lê Dung Anh
*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả
Nguồn: Cánh cò