Những bức tranh cổ động đã góp sức làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Tranh cổ động là một loại hình của mỹ thuật ứng dụng, mang tính khái quát cao, với những yêu cầu phương châm kịp thời, dễ hiểu, lối biểu đạt rõ ràng và thuyết phục. Với ưu điểm đó, tranh cổ động phối hợp với báo chí và truyền đơn, trở thành một công cụ sắc bén có tác động mạnh mẽ, cổ vũ toàn dân, toàn quân trong cuộc trường kỳ kháng chiến.
Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết: Trong khoảng thời gian kháng chiến chống Pháp, nhiều họa sĩ lên đường đi kháng chiến, họ tạm gác lại sáng tác tác phẩm thời kỳ cận đại thời kỳ 1930-1945, hướng sáng tác của mình vào những bức tranh cổ động phục vụ cho tiền tuyến, phục vụ cho sản xuất.
Những bức tranh cổ động đầu tiên ra đời trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã thể hiện những đóng góp to lớn, sự giác ngộ cách mạng, mang khát vọng bảo vệ tổ quốc đến với nhân dân vùng kháng chiến.
Những tác phẩm tranh cổ động của các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến… đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, nhờ luôn bám sát và phản ánh về các chiến dịch của bộ đội, công tác binh vận, tình quân dân, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong điều kiện thời chiến khó khăn, với công cụ kỹ thuật thô sơ, tranh được in trên đá, trên bản khắc gỗ, một số ít in trên đất, sử dụng giấy được làm từ tre, nứa tự sản xuất. Tuy nhiên, với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng và sự thừa hưởng của màu sắc truyền thống trong tranh dân gian, các họa sĩ đã đưa nghệ thuật tranh cổ động lên tầm cao mới. Các bức tranh cổ động mang giá trị thẩm mỹ cao, có khả năng truyền tải chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quyết tâm, ý chí và hành động của cả dân tộc; đồng thời, tái tạo chân thực mọi mặt đời sống xã hội đương thời, cổ vũ toàn dân, toàn quân vững tin vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Cổ động chủ trương-phong trào là một chủ đề quan trọng của tranh tuyên truyền, cổ động cách mạng nói chung, cũng như giai đoạn 1946-1954 nói riêng. Các bức tranh cổ động đã tái hiện các sự kiện lịch sử trọng đại, quan điểm, đường lối kháng chiến của Đảng, Nhà nước, phương pháp, biện pháp, cách thức tiến hành các bước của cuộc kháng chiến, các phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu đều được ghi dấu trong tranh tuyên truyền, cổ động…
Qua những bức tranh mang chủ đề chiến đấu, có thể thấy những chiến công của quân dân ta, sự phát triển lớn mạnh cùng năm tháng của bộ đội, dân quân qua từng trận đánh, từng chiến dịch, giúp người xem cảm nhận tính chất toàn dân, toàn diện của cuộc kháng chiến thông qua hình tượng những người nông dân già trẻ, trai gái đang hăng hái tập luyện, sẵn sàng cống hiến sức mình cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Kỷ niệm những ngày lễ lớn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tranh tuyên truyền, cổ động. Số lượng tranh về đề tài này không có nhiều. Đáng kể là các tranh kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Bức tranh với khẩu hiệu “Cách mạng thành công muôn năm” vẽ hình chiến sỹ đồng bào dưới lá cờ đỏ sao vàng với các loại vũ khí trong tay, tiến lên phía trước, một chiến sỹ đang giơ tay vẫy gọi đoàn người, chân đạp lên lưng một tên phát xít. Hay tranh phát hành nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám năm 1945 là tranh liên hoàn gồm 10 tranh diễn tả những hoạt động của toàn dân vui mừng, dưới mỗi hình là 2 câu thơ.
Tranh cổ động không chỉ xuất hiện ở nhiều nơi, tác động đến người, mà còn bổ sung vào kho tàng ngôn ngữ tạo hình Việt Nam nhiều dạng thức biểu đạt mới. Tranh cổ động giai đoạn kháng chiến này ngoài khẩu hiệu, chú thích còn được thêm vào các bài thơ, ca có âm hưởng ca dao giúp quần chúng dễ nhớ, dễ hiểu. Chính vì vậy, tranh cổ động đã truyền tải có hiệu quả những chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ tới mọi tầng lớp nhân dân, kể cả những người không biết chữ, góp phần to lớn vào thắng lợi của toàn dân tộc.
Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến chia sẻ: “Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954 là những bằng chứng sống động về một giai đoạn lịch sử bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình. Người xem có thể thấy rõ quan điểm nghệ thuật của lớp nghệ sĩ kháng chiến được thể hiện qua nội dung, đề tài, phương pháp, kỹ thuật tạo hình và cách thức tiếp cận tác phẩm của tác giả. Tranh cổ động Việt Nam đã có tác dụng tích cực trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, phát huy hữu hiệu chức năng tuyên truyền, thuyết phục quần chúng, động viên nhân dân chiến đấu giữ làng, giữ nước, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao ý chí vừa chống giặc ngoại xâm, vừa chống giặc đói, giặc dốt.”
Ngoài ra, đa số các tranh tuyên truyền cổ động thời kỳ này đều khuyết danh tác giả. Vì theo một số họa sĩ thời kỳ đó thì được phục vụ kháng chiến là niềm hạnh phúc của họ và các họa sĩ thường nghĩ công sức của mình nằm trong công sức của nhiều người. Do vậy, các họa sĩ thường không ký tên vào tranh. Cũng có một bộ phận tác giả không phải là họa sĩ chuyên nghiệp, mà là những chiến sĩ vừa cầm súng, vừa cầm bút vẽ để phục vụ các nhiệm vụ trong kháng chiến.
Nguồn: Báo Tin tức