Dự kiến ngày 7-9, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ đổ xăng làm chết 3 chiến sĩ công an xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. 29 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”. Trong đó, có 25 người bị xét xử về tội “giết người” gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh…
Theo cáo trạng, khi biết thông tin Công an Hà Nội phối hợp Quân chủng phòng không – không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, ông Lê Đình Kình đã cùng với các ông Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu và nhiều người khác góp tiền mua 10 quả lựu đạn, làm hàng chục chai bom xăng, mua tuýp sắt có gắn dao bầu… nhằm tấn công lực lượng chức năng.
Rạng sáng 9-1, khi lực lượng công an đến cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (cách nhà ông Kình khoảng 50 mét) để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch thì Bùi Văn Niên và Lê Đình Quân đánh kẻng báo động. Sau đó đã dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công lực lượng công an khiến 3 chiến sĩ công an là anh Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân bị rơi xuống hố ở gần nhà ông Lê Đình Kình. Lúc này ông Chức cùng Doanh đổ xăng xuống hố, châm lửa đốt. Hậu quả làm 3 chiến sĩ công an bị tử vong do ngạt khí và bị thiêu cháy.
Hung khí thu giữ tại hiện trường gồm pháo hoa, chai bia đựng xăng, lựu đạn, dao, kiếm các loại.
Có thể khẳng định, hành vi của Lê Đình Công và đồng bọn là rất nguy hiểm và đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, việc điều tra, truy tố, xét xử bị can trong vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại Đồng Tâm là kết quả tất yếu để đưa ra những chế tài thích đáng cho Lê Đình Công và đồng bọn. Tuy nhiên, trong khi dư luận đang dành nhiều sự quan tâm, chú ý đến phiên tòa sắp diễn ra thì cũng là lúc các đối tượng thù địch thực hiện những âm mưu xuyên tạc nhằm hướng lái dư luận hiểu sai về bản chất vụ án.
Đầu tiên, chúng xuyên tạc trắng trợn về nguyên nhân dẫn đến sự hy sinh của 03 chiến sĩ công an là do sơ ý ngã xuống hố làm phát nổ lựu đạn, quả nổ được trang bị dẫn tới tử vong. Trắng trợn hơn, chúng cho rằng hành động chống đối của Lê Đình Công và đồng bọn chỉ là giọt nước tràn ly khi lực lượng công an tiếp cận để bắt các thành viên nhóm Đồng Thuận vì những hành vi kêu gọi chống đối chính quyền.
Vậy mục đích cho những âm mưu xuyên tạc này là gi?
Trước hết, việc liên tục đưa ra những lý lẽ kích động, quy kết trách nhiệm về phía chính quyền nhằm khoét sâu hơn nữa mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân. Với luận điệu xuyên tạc theo hướng kết quả của vụ án tại Đồng Tâm là do chính quyền ra tay thực hiện đàn áp người dân có bất đồng về lợi ích ở Đồng Tâm, các đối tượng cơ hội cùng lúc thực hiện được mục tiêu kép đó là đóng vai nạn nhân xấu số và đổ vấy trách nhiệm cho cơ quan chức năng.
Thứ hai, bằng cách đăng tải những nội dung xuyên tạc, sai sự thật về bản chất của vụ án xảy ra tại Đồng Tâm, các đối tượng cơ hội muốn kêu gọi sự ủng hộ từ bên ngoài nhằm quốc tế hóa vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm. Chiêu bài kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam không còn là kịch bản xa lạ và nó tiếp tục được áp dụng đối với vụ án Đồng Tâm trong thời gian gần đây.
Có thể khẳng định, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng đã bất chấp mọi thủ đoạn để gây ra những hậu quả không gì bù đắp được cho bản thân, gia đình và xã hội. Quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng đều đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp điều tra theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự từ khâu khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai, hỏi cung bị can. Ở tất cả các khâu đều có sự tham gia kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và các luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi của bị can. Do đó, kết luận điều tra về vụ án là hoàn toàn đúng pháp luật.
Về những vấn đề liên quan đến vụ án, chúng ta cần có ý thức cảnh giác cao độ đối với những hành vi xuyên tạc trắng trợn, làm sai lệch bản chất của vụ án để không bị dẫn dắt, hướng lái theo ý đồ của các đối tượng cơ hội.
Nam Việt
Nguồn: Người con Đất Mẹ