Trang chủ Luận bàn - Phản biện Hai chuyện nhỏ về ông Nguyễn Đức Chung

Hai chuyện nhỏ về ông Nguyễn Đức Chung

0
0

Khi một người nào đó vừa “ngã ngựa”, trong thiên hạ thường lập tức chia làm hai luồng dư luận.

Hai chuyện nhỏ về ông Nguyễn Đức Chung

Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: A.T

Một bên thì hả hê, hài lòng, cười nhạo đắc thắng, thậm chí là “giậu đổ bìm leo”. “lửa đổ thêm dầu”, thêu dệt thêm thắt rất nhiều khuyết điểm, tội lỗi mà người vừa ngã ngựa không hề mắc phải và gây ra trong quá khứ.

Một bên thì lại ủ ê, thương xót, bênh chằm chặp, chỉ nói về những cái tốt, cái đẹp của người “ngã ngựa”, dường như việc người ấy bị “ngã” là quá nặng nề, đáng xót thương. Thậm chí có những ý kiến đầy tính chủ quan và mị dân, coi việc người “ngã ngựa” ấy là không đáng bị, không đáng có, tạo tâm lý hồ nghi trong xã hội đối với việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng.

Việc giữ được tâm thế khách quan, đúng mực và công bằng khi đánh giá sự vụ và nhìn nhận con người lúc này không chỉ là điều cần thiết của sự nhân văn và tỉnh táo, mà còn là sự nhân đạo, tạo điều kiện cho đương sự có cơ hội tỉnh táo nhìn nhận lại những lỗi lầm của mình và sửa chữa trong tương lai, đồng thời giúp nhà chức trách có thể thực thi pháp luật một cách công minh và chính trực nhất đối với vụ việc.

Cũng trên tinh thần khách quan và đúng mực đó, tôi muốn kể lại hai câu chuyện nhỏ trong quá khứ của ông Chung, ngõ hầu cung cấp thêm cho bạn đọc một góc nhìn đầy đủ hơn về một con người, dù người ấy là tốt hay xấu trong đánh giá của cá nhân bạn.

Chuyện thứ nhất : Vì sao lại có biệt danh Chung “con”?

Cả nước chứ không chỉ riêng dân Hà Nội, suốt nhiều năm nay chứ không phải bây giờ, đều biết ông Nguyễn Đức Chung còn có biệt danh là ‘Chung con’. Nhưng tại sao lại có cái biệt danh ấy thì có thể không nhiều người biết.

Chuyện là thế này. Tháng 6/1990, khi mới 23 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Cảnh sát (1985-1990), ông Chung được phân công về công tác tại Đội trọng án Phòng Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an Hà Nội.

Dân Hà Nội hay cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội ngày ấy hay gọi tắt người của đơn vị này là “lính 55”, vì trụ sở Phòng CSĐT khi ấy đóng ở 55 Lý Thường Kiệt. Cũng giống như người Hà Nội hay gọi “lính số 7” vì Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) đóng ở số 7 Thiền Quang. Đây là 2 phòng nghiệp vụ chủ lực và mạnh nhất của Công an Hà Nội thời đó, đồng thời cũng là khắc tinh số 1 của dân tội phạm đất Hà thành.

Ông Chung về làm “lính 55”, công tác tại Đội trọng án và Phòng điều tra lúc ấy là toàn các đàn anh, đàn chú già đời chinh chiến trận mạc, hơn ông Chung rất nhiều cả về tuổi tác lẫn kinh nghiệm. Trong sinh hoạt thường ngày của đơn vị, đặc biệt là những lúc nghỉ ngơi trà dư tửu hậu của các bậc đàn anh ở đó, cậu sinh viên cảnh sát mới ra trường 23 tuổi ấy không biết hút thuốc, uống rượu nhưng lại thường được gọi lên pha trà, rót rượu, “điếu đóm” như một cậu bé con, út ít trong gia đình.

Mới đầu là “Cu con này, ra đây chú bảo”, hay “Ê cu con lấy cho anh cái ấm trà, ly rượu”, tóm lại là cứ “cu con” gọi suốt, lâu dần rút gọn thành ‘Chung con’ kể cả khi ông đã trưởng thành rồi trở thành Đội phó, Đội trưởng ở Phòng điều tra này.

Lâu dần, cái biệt danh ấy không chỉ tồn tại trong đơn vị, mà còn lan ra ngoài xã hội. Ông Chung mang cái biệt danh CON ấy đã gần 30 năm qua, không vì một lý do nào khác, kể cả vì có ai đó là Chung lớn trong đơn vị để gọi phân biệt ngôi thứ cũng không phải.

Chuyện biệt danh Chung “con” đơn giản chỉ có vậy.

Chuyện 2 : Tuổi thơ và con bò của HTX

Chuyện này tôi được nghe người chị gái tên V. của Chung kể với tôi, lâu lắm rồi, từ thời Chung mới còn là Trưởng Phòng CSHS, Công an Hà Nội.

Chị V. kể rằng:

Thuở nhỏ, ngày gia đình Chung còn ở trên Phú Thọ, Chung thương cha mẹ lắm. Mới học cấp 2 , tuy gia đình thuộc diện phi nông nghiệp, nhưng Chung vẫn nói với bố mẹ xin Hợp tác xã (HTX) cho nhà mình được nuôi một con bò để có thể giúp gia đình cải thiện thêm thu nhập.

Thế rồi, ngày ngày, sau lúc đến trường và giờ học bài, Chung lúc nào cũng quấn quýt bên chú bò. Lúc thì dắt bò ra đồng gặm cỏ và hái cỏ về tích cốc phòng cơ cho bò. Khi thì đưa bò ra sông tắm. Đêm thấy trời trở lạnh thì ra che chắn chuồng kín đáo cho bò không bị rét.

Chú bò nhờ công chăm sóc cần cù chăm chỉ của Chung mà lúc nào cũng béo tốt phây phây, ai ai trong làng trong xóm cũng khen thằng cu Chung vừa học giỏi lại vừa chăm bò khéo.

HTX đến kỳ nhận bò về, lại trả công cho gia đình Chung lúc thì bằng thóc, lúc là các nhu yếu phẩm vốn là hàng phân phối ở cửa hàng bách hoá mậu dịch huyện.

Chung hay xin nhận các đồ dùng cho mẹ. Lúc là cái khăn quàng cổ, lúc là tấm áo phin, có khi là hộp kẹo, phong bánh, cơi trầu. Mẹ vui là Chung hạnh phúc lắm. Lại giục mẹ cha xin nhận nuôi bò tiếp.

Tôi kể lại câu chuyện riêng tư này của Chung, không giống như người ta từng kể chuyện về Thủ trưởng cũ của Chung từng bắt đom đóm học bài để thành con ngoan trò giỏi, mà tôi chỉ muốn nói một điều: Người ta có thể chăn bò rất giỏi rất chăm, nhưng lại không “chăn” được quyền lực. Để con bò – quyền lực nó sổng ra, giựt đứt dây xỏ mũi và lồng lên như con ngựa vía, đá hậu người xung quanh, hất tung nài ngựa xuống bãi cỏ lăn lóc, bi thương.

Và bài thơ dưới đây, tôi lượm được trên mạng, đã xin phép tác giả copy về đây hầu bạn đọc, vì thấy hợp với tình cảnh chú bé chăn bò năm xưa và ông Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung vào thời khắc này ạ.

MẸ ƠI, CON BUỒN QUÁ!!!

Mẹ ơi con buồn quá 

Khóc một chút được không ? 

Con thấy mình lạc lỏng Giữa triệu người mênh mông. 

Đời cũng như dòng sông 

Cạn hay sâu vẫn chảy 

Con bấu đời mệt quá 

Sạn chai hằn đôi tay. 

Đi qua nhiều đắng cay 

Con muốn lòng dịu lại 

Mà đời vẫn khắc nghiệt 

Con lạc lòng đi sai. 

Đêm nay mưa lớn quá 

Như trút bảo lên đời 

Con nằm ôm con nhỏ 

Nghe lòng mình biển khơi. 

Thèm về nương vai Mẹ 

Ngủ một giấc ngon lành 

Kệ lòng người bội bạc 

Kệ dòng đời đua ganh. 

Tất thảy đều mỏng manh 

Dễ thay lòng đổi dạ 

Duy chỉ mỗi Mẹ thôi 

Thương con bằng – tất cả !

(Dạ Thy)

Vũ Hùng

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây