Thủ tướng cho biết, từ năm 2019 đến nay, thế giới đang đối mặt với đại dịch Covid-19, dẫn đến khủng hoảng kinh tế nặng nề.
Sáng nay 28/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế – Xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Tiểu ban.
Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đối với cả thế giới và nước ta, cuộc họp nhằm tiếp thu ý kiến của các thành viên Tiểu ban, các chuyên gia, nhà khoa học… để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo báo cáo văn kiện do Tiểu ban xây dựng; đề xuất những việc mà Tiểu ban cần tiếp tục triển khai thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, gần hai năm qua, Tiểu ban Kinh tế – Xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã họp toàn thể 6 lần, thường trực tiểu ban thì họp các phiên chuyên đề thường xuyên, nỗ lực xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 2021-2025. Các văn kiện này đã gửi xin ý kiến Đại hội Đảng các cấp.
Thủ tướng cho biết, từ năm 2019 đến nay, thế giới đang đối mặt với đại dịch Covid-19, dẫn đến khủng hoảng kinh tế nặng nề hơn cả giai đoạn 1929-1933, kéo theo khủng hoảng xã hội như thất nghiệp, bất ổn xã hội. Với việc hội nhập sâu rộng, đại dịch cũng tác động rất nặng nề tới nước ta.
Đánh giá cụ thể tác động của đại dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, rất nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển đều suy giảm kinh tế mạnh và các tổ chức quốc tế dự báo tình hình tiếp tục xấu hơn thời gian tới, cả về dịch bệnh và kinh tế. Các nước đang hành động quyết liệt để hỗ trợ người dân và vực dậy nền kinh tế với tổng các gói hỗ trợ khoảng 14.000 tỷ USD, đồng thời khiến thâm hụt ngân sách gia tăng, bình quân toàn cầu lên đến 14%GDP.
Đối với nước ta, dịch bệnh khiến kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Quý 2 năm nay, kinh tế chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Tính chung nửa năm, kinh tế chỉ tăng trưởng 1,81%. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, trong đó, nhiệm vụ ưu tiên số một là bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời tiếp tục nỗ lực khôi phục, thúc đẩy kinh tế xã hội. Chính phủ đặt mục tiêu là năm nay cố gắng tăng trưởng dương.
Dù tình hình chung gặp khó khăn, Thủ tướng cho biết, một số lĩnh vực vẫn tăng trưởng tốt, như thương mại đến nay xuất siêu trên 10 tỷ USD; sản xuất nông nghiệp được mùa được giá và vẫn giữ mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 41-42 tỷ USD; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ giải ngân đầu tư công rất đáng mừng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương đề xuất cơ chế chính sách để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược, sách lược phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và thời gian tới, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên dự họp thảo luận để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo các văn kiện, trong đó đặc biệt lưu ý đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với nước ta trên tất cả các lĩnh vực trong các năm 2020, 2021, 2022, cũng như tác động chung giai đoạn 2016-2020, Phương hướng 5 năm 2021-2025. Trong đó, cần thảo luận sửa đổi, bổ sung nội dung gì trong bối cảnh Covid-19, lãm rõ khó khăn, thách thức, giải pháp phòng chống dịch, phục hồi kinh tế xã hội năm 2020, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Cùng với đó là nhận định bối cảnh quốc tế giai đoạn 2016-2020, bối cảnh quốc tế thời gian tới trong khi dịch diễn biến phức tạp, các vấn đề mới phát sinh, trong đó lưu ý thách thức, cơ hội mới, đổi mới tư duy phát triển, niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên cho ý kiến rà soát , điều chỉnh phù hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội trong điều kiện bình thường mới, như tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, kinh tế số…
Trong bối cảnh hiện nay, cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về nội hàm các đột phá chiến lược trong tình hình mới, đặc biệt là vai trò của khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, từ đó có sự bổ sung cần thiết.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các thành viên dự họp cần góp ý cụ thể về các trọng tâm cần thay đổi so với dự thảo trước đây, do tác động của dịch bệnh. Trong đó có quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, vùng, ngành, lĩnh vực; phòng chống thiên tai dịch bệnh, biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế số, xã hội số, sản xuất thông minh, phát triển nguồn nhân lực….
Nội dung nữa là thống nhất kế hoạch hoạt động, các nhiệm vụ cần làm của Tiểu ban Kinh tế – Xã hội từ nay đến Đại hội XIII.
Vũ Dũng/VOV
Nguồn: Cánh cò