Trang chủ Diễn đàn dân chủ Vai trò của trí thức phản biện ở Việt Nam

Vai trò của trí thức phản biện ở Việt Nam

247
0

Xã hội nào cũng cần có góc nhìn phản biện, nó là hiện tượng đối lưu trong xã hội. Nếu không có những sự dịch chuyển tư duy tạo ra những hành động để phản biện, mâu thuẫn, thậm chí khắc chế nhau, xã hội không còn thứ gọi là phát triển tự nhiên. Mục đích của phản biện là tạo ra sự thay đổi tốt đẹp hơn, và tất cả dựa trên lợi ích của người dân. Theo đó phản biện xã hội có vai trò giúp các cơ quan hoạch định chính sách có nhìn nhận chính xác hơn, tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của trí thức trong phản biện các vấn đề của xã hội khá phức tạp, vì nhiều người không thiện chí, lợi dụng phản biện để chống đối, làm mọi chuyện rối mù lên, nhiều người không hiểu rõ nội hàm của việc phản biện xã hội, đó là “Phản biện là một tư duy khoa học cẩn trọng, lật đi lật lại một vấn đề được đưa ra với một cái nhìn không xuôi chiều (nhìn cả mặt thuận và mặt nghịch) để tìm ra chân lý”.

Vai trò của trí thức phản biện ở Việt Nam

Đội ngũ trí thức, một lực lượng tinh hoa của dân tộc luôn cần cho những diễn đàn thật sự với những tiếng nói thẳng thắn, chân thành để có thể đóng góp nhiều ý kiến giá trị, thực hiện giám sát, phản biện đến cùng vì mục tiêu phát triển đất nước. Thời gian qua, ở Việt Nam vai trò của trí thức không chỉ tham gia phản biện về các chính sách, quyết sách, đường lối, chủ trương của nhà nước, quốc gia, phản biện xã hội còn xuất hiện ở những vấn đề thường nhật của cuộc sống, qua đó giúp tạo ra sự thay đổi tốt đẹp hơn và tất cả dựa trên lợi ích của người dân.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những người không thiện chí, lợi dụng phản biện để chống đối, làm mọi chuyện rối mù lên, làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng phản biện xã hội nói chung của giới trí thức, mà điển hình là:

Phát ngôn hết sức ngô nghê của ông giáo sư Ngô Bảo Châu khi cho rằng “Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vấn đề phản biện xã hội”, vậy tại sao anh lại phản biện khi ký tên vào các tuyên bố, kiến nghị việc chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên, vụ xử án luật sư Cù Huy Hà Vũ…; thậm chí lên tiếng về một số vụ việc trong xã hội với nhận thức, lời lẽ hết sức hàm hồ, ấu trĩ, điển hình như: năm 2015 khi phát ngôn liên quan việc xây tượng đài Bác Hồ ở Sơn La, Ngô Bảo Châu còn coi các em học sinh nghèo là “lũ thú hoang”; hay khi bầu cử Đại hội Đảng lần thức XII, ông Châu viết “Đảng Cộng sản Việt Nam bầu chọn lãnh đạo mà không cho dân biết, không cho dân bàn và không cho dân bầu…”, khi trên tế người dân thực hiện đầy đủ quyền bầu cử của mình…

Nhiều trí thức lên tiếng phản biện những vấn đề không đúng chuyên môn như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà tâm lý Mạc Văn Trang bàn về khía cạnh pháp lý trong vụ việc ở Đồng Tâm hay vụ án Hồ Duy Hải từ những đánh giá, nhận định dựa trên những thông tin lượm nhặt trên không gian mạng, với tư duy một chiều, dùng tâm lý đám đông để áp đặt chuẩn mực giá trị pháp lý. Trong khi rất nhiều luật sư là những người có chuyên môn, am hiểu sâu sắc lĩnh vực pháp lý còn đang nghiên cứu hồ sơ, thu thập thông tin, tài liệu để đánh giá vấn đề nhiều chiều và khách quan nhất thì ngược lại những ông nhà văn, nhà trí thức lại lợi dụng tâm lý đám đông để dẫn dắt, thậm chí định hướng hoạt động của luật sư.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, một người nổi lên với vai trò là trí thức phản biện nổi bật thời gian qua, nhất là việc ông đưa ra kiến nghị lãnh đạo Đảng, nhà nước cần tổ chức đối thoại với giới trí thức để lắng nghe ý kiến tâm huyết của họ góp ý về chủ trương, chính sách, chống tham nhũng…; đồng thời ông cũng có hàng loạt bài viết kiến nghị về cơ chế kiểm soát quyền lực, chống lạm quyền với giới lãnh đạo ở Việt Nam…, giới trí thức phản biện khi đó đánh giá ông Hoàng mặc dù nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản, lại làm công tác tuyên truyền, định hướng thông tin của Đảng nay dám lên tiếng đấu tranh về những yếu kém, sai lầm của chính cái mà ông ta đã từng tô hồng cho Đảng thì chắc chắn tương lai ông Vũ Ngọc Hoàng sẽ trở thành người tiên phong, dẫn dắt phong trào phản biện xã hội ở trong nước, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chẳng được bao lâu sau ông Hoàng lại có những phát ngôn khiến giới trí thức trong nước dậy sóng, như: nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập ngành tuyên giáo, ông Hoàng viết “Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là nhằm khai sáng văn minh cho cộng đồng dân tộc…” bị cộng đồng cho đây là câu nói thiếu khiêm tốn, không coi trọng các ngành khác, nhất là ngành giáo dục; hay việc ông Hoàng cho rằng Việt Nam muốn kiểm soát quyền lực tốt phải thực hiện chế độ tam quyền phân lập, nhưng không “dập khuôn” theo kiểu các nước phương Tây, trong khi chế độ đa đảng ở phương Tây họ coi trọng việc tam quyền phân lập để thể hiện tính độc lập, minh bạch, giám sát lẫn nhau, còn ở Việt Nam vẫn chế độ một đảng lãnh đạo thì không hiểu ý định thực hiện tam quyền phân lập theo kiểu gì thưa ông Hoàng, phải chăng đây là vấn đề ngoài tầm hiều biết của ông.

Qua thực tế một số vụ việc điển hình trên, nhận thấy đã và đang tồn tại một bộ phận trí thức, nhà khoa học đã không phát huy đúng chuyên môn, thế mạnh của mình để đóng góp cho xã hội, có người ngộ nhận mình là giáo sư, nhà khoa học nên hiểu biết mọi vấn đề, ngóc ngách của xã hội, nhưng thực tế đâu phải vậy, phải dày công nghiên cứu, tích lũy, sử dụng tri thức chuyên sâu và tri thức liên ngành có hệ thống mới chỉ ra được những cái còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp, thậm chí không khả thi; để phản biện đúng vấn đề, đòi hỏi người trí thức phải là những chuyên gia đủ sức đáp ứng các yêu cầu: trí tuệ, sắc bén, xác đáng trong hoạt động phản biện và giám sát xã hội.

Để xây dựng văn hóa phản biện, chúng ta nên góp ý, phản biện có văn hóa và khoa học, tránh những thông tin, đánh giá thiếu chuẩn xác, thậm chí xuyên tạc, bôi nhọ danh dự một cá nhân, tổ chức hay một chế độ gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Vì vậy,  xin hãy đừng là “trí thức ngủ” và cũng đừng là “trí thức phá bĩnh”, hãy là những trí thức phản biện văn minh, khoa học, góp phần phát triển đất nước ngày càng tốt đẹp, phồn thịnh./.

TRUNG DÂN – 8.2020

Nguồn: Diễn đàn Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây