Từ năm 2019, ngày 22/8 được chọn là ngày “quốc tế tưởng niệm nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo hay niềm tin”. Như vậy, ngày 22/8/2020 vừa qua là lần thứ hai ngày tưởng niệm được diễn ra. Tuy nhiên, tại Việt Nam ý nghĩa của ngày tưởng niệm trên bị các phần tử xấu bóp méo hoàn toàn, khi mà họ coi đây là một cơ hội để xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam nhằm mục đích biện minh cho những hành vi lợi dụng tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật và cố tình xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo.
Một trong những thủ đoạn quen thuộc lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch là tập trung phỏng vấn các đối tượng tôn giáo bất mãn, chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật, sau đó quay video hoặc đăng bài để xuyên tạc tình hình. RFA cho biết đã tiến hành phỏng vấn đại diện một số tổ chức tôn giáo độc lập tại Việt Nam để hỏi thăm việc tổ chức ngày 22/8 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cũng không ngạc nhiên khi những cái tên được RFA nhắc đến là Linh mục Đặng Hữu Nam, chánh trị sự Cao Đài Hứa Phi thuộc Hội đồng liên tôn Việt Nam; đồng thời một số vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo cũng được đào bới nhằm mục đích xuyên tạc sự thật và đổ lỗi cho chính quyền đàn áp tôn giáo. Cụ thể, Linh mục Đặng Hữu Nam, người mới đây đã bị cho nghỉ mục vụ giáo xứ, đã trả lời RFA với nội dung xuyên tạc sự thật: “đối với Giáo hội Công giáo thì vẫn xác định một điều rằng ở đâu có giáo hội và thời kỳ nào, triều đại nào cũng bị bách hại”. RFA lại quy chụp rằng việc nghỉ mục vụ và điều chuyển đối với Linh mục Đặng Hữu Nam là một hình thức “đàn áp tôn giáo” đối với linh mục này; trong khi đó ông Hứa Phi thì đưa ra những luận điệu vô căn cứ rằng Chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo một cách “ngày càng tinh vi hơn” khi “tận dụng dịch bệnh COVID-19 để ngăn cản, gây trở ngại cho các sinh hoạt tôn giáo ở trong nước”.
Việt Nam không có nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo
Trước hết xin khẳng định, ở Việt Nam không có nạn nhân bị bạo hành tôn giáo hay niềm tin. Ngược lại, có thể nói rằng Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân như hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng tôn giáo trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Không thể nói không có tự do tôn giáo khi hiện nay Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55 ngàn chức sắc, 145 ngàn chức việc, 29 ngàn cơ sở thờ tự. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân. Đặc biệt là nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện kỷ niệm 500 năm cải chánh Đạo Tin lành, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak vừa được tổ chức vào tháng 5/2019, Tổng hội dòng Đa minh thế giới. Những nỗ lực này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Như vậy, Linh mục Đặng Hữu Nam cho rằng Giáo hội Công giáo ở thời kỳ nào và triều đại nào cũng bị bách hại là sự cố tình xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam một cách vô căn cứ. Cần phải nhớ rằng, hoạt động tôn giáo không chỉ thuần túy nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, mà còn liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội và phải tuân thủ những quy định của pháp luật. Tôn giáo và hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở bất kỳ quốc gia nào cũng không thể đứng ngoài pháp luật của quốc gia đó. Hoạt động tôn giáo ở nước ta, bên cạnh xu hướng tuân thủ pháp luật là chủ yếu, thời gian qua đã xảy ra một số vụ lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để gây rối trật tự công cộng, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng; muốn tách khỏi sự quản lý của nhà nước, trong số đó không thể không nhắc đến vai trò “cầm đầu” của linh mục Đặng Hữu Nam kích động giáo dân tiến hành rất nhiều các hoạt động vi phạm quy định pháp luật, gây phức tạp về an ninh, trật tự. Có lẽ chính vì lẽ đó mà linh mục này cho rằng bản thân cũng như Công giáo đang bị bách hại.
Bên cạnh đó, khi tình hình dịch bệnh Covid đang diễn biến hết sức phức tạp, cần sự chung tay chống dịch của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, thì những hoạt động tụ tập đông người cần hết sức hạn chế. Các chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về việc thực hiện giãn cách xã hội đã được ban hành và triển khai thực hiện nghiêm túc. Và lẽ tất nhiên, không thể có bất cứ một tổ chức tôn giáo nào miễn nhiễm đối với dịch bệnh, và việc tiến hành các hoạt động lễ kỷ niệm tôn giáo hay tập trung đông người không cần thiết phải được hoãn lại. Vì thế, việc vị đại diện của Hội đồng Liên tôn Việt Nam Hứa Phi cho rằng chính quyền Việt Nam đang lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để “gây trở ngại cho các sinh hoạt tôn giáo” là một sự ích kỷ, hẹp hòi và cố tình vu cáo, bôi nhọ chính quyền.
Như vậy, Ngày quốc tế tưởng niệm nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo hay niềm tin đang bị các đối tượng xấu lợi dụng để công kích, vu cáo chính quyền Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo và đàn áp tôn giáo. Một lần nữa xin khẳng định Việt Nam không có nạn nhân bị bạo hành tôn giáo, mà chỉ có những cá nhân lợi dụng tôn giáo để chống phá và bị pháp luật trừng trị. Việc lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam là một trong những âm mưu hoạt động xuyên suốt của các thế lực thù địch mà chúng ta cần hết sức chú ý./.
Vân An
Nguồn: Người con Đất Mẹ